Ông Hoàng Nam Tiến: Người xưa nói nợ nần người khác tệ hơn đi tù nhưng tôi thấy đây mới là ĐIỀU TỆ HẠI nhất!
Ông Tiến đã đưa ra những bài học tài chính quan trọng, cấp thiết nhưng không kém phần thú vị!
- 01-07-2024Ông Hoàng Nam Tiến bày cách tạo mối quan hệ cho doanh nghiệp: 'Không nhất thiết phải làm gà thì mới biết nước sôi là nóng'
- 04-05-2024Ngành được sếp Hoàng Nam Tiến dự đoán hot nhất thị trường đến năm 2030, thu nhập trung bình đến 35 triệu đồng: Thi 9 điểm/môn mới đỗ
- 16-04-2024Ông Hoàng Nam Tiến rơi nước mắt tiết lộ lý do lần đầu viết 'ngôn tình': “Giá như tôi đọc được thư sớm hơn”
Trong podcast Tiền Không Tệ do Spiderum thực hiện nhằm nâng cao tư duy quản lý, sử dụng tài chính cho người trẻ, ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT đã có những chia sẻ cởi mở về tiền, đem đến những góc nhìn, bài học thiết thực mà không hề nặng lý thuyết.
Nếu lao động chăm chỉ, cần cù thì chỉ đủ sống
Mở đầu câu chuyện, ông Hoàng Nam Tiến cho rằng mỗi người sẽ có mục tiêu, ước mơ, khát vọng và sứ mệnh khác nhau. Có người đề cao sự nghiệp gia đình, lại có người thấy tiền quan trọng nhất, lại có người cho rằng sứ mệnh mới là cao cả. Nhưng có lẽ điều quan trọng thứ nhì là phải làm ra tiền.
Khi đi chia sẻ, hướng dẫn, tâm sự với người khác, ông Tiến thường bắt đầu nói về 2 điều: "Thực học là nền tảng của thành công" và "Đồng tiền phải làm ra từ lao động". Lao động là quyền lợi, chứ không phải nghĩa vụ.
Ông Tiến kể, bản thân ông có những người bạn hơn nhiều tuổi, nắm giữ những vị trí rất quan trọng. Họ là doanh nhân, là quan chức nhưng sau về hưu chỉ vài năm là già đi trông thấy. Từ đó để thấy rằng, chúng ta có thể nghỉ hưu về mặt giấy tờ nhưng không được phép cho đầu óc nghỉ hưu. Nếu làm được điều này, đầu óc chúng ta sẽ được "trẻ trung".
Ông Tiến bày tỏ: " Nếu lao động chăm chỉ và cần cù, bạn sẽ chỉ đủ sống, đấy mới là điều tệ. Thật ra vay nợ cũng là điều tốt, đó là tạo động lực. Nếu nợ, chúng ta sẽ có thái độ lao động nghiêm túc hơn. Phải chăm chỉ, cần cù một cách thông minh. Nhưng thông minh không thôi thì chưa đủ, chúng ta phải cần những bệ đỡ, kiến thức, tri thức. Học xong, hành xong phải nâng tầm bằng công nghệ, chiến lược, thay đổi con người".
Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT lại tiếp tục câu chuyện khi được một nữ BTV VTV đặt câu hỏi: "Đâu là khoản đầu tư lớn nhất của ông?". Ông Tiến bật mí, khoản đầu tư lớn nhất là các con của ông.
Ông thường nói với các con, việc gì ông cũng có thể giúp đỡ, trừ học hộ. Ông hướng con gái theo học trường Đại học phù hợp với bản thân, mở ra nhiều cơ hội tương lai. Đặc biệt, ông Tiến sẵn sàng đầu tư cho con những khoá học có mức học phí cao gấp đôi so với Đại học Harvard. "Tôi sẵn sàng vì tôi nghĩ đó là việc trang bị nền tảng tốt nhất để khi con bước vào đời", ông chia sẻ.
Đừng sợ bị mắc nợ!
Đến với phần sau, "host" Trần Việt Anh - Nhà sáng lập & CEO Spiderum đặt câu hỏi: "Về việc vay nợ, dường như ở Việt Nam, mọi người không thích bị mắc nợ?" . Ông Tiến chỉ ra đây là tâm lý rất tệ bởi nhiều người vẫn nghĩ "một năm ở đợ bằng 3 năm tù", nghĩa là "một năm mắc nợ người khác còn tệ hơn đi tù".
Ông Tiến lấy ví dụ về sinh viên ở quê lên thành phố, sau khi tốt nghiệp đi làm có nhu cầu mua chiếc xe máy mới để phục vụ công việc. Một chiếc xe máy tốt có giá khoảng 30 - 40 triệu đồng, mà những tháng lương đầu khó đạt mức 10 triệu đồng/tháng. Nhưng nhìn dài hạn, việc cho một người có việc làm, với mức lương 10 - 15 triệu đồng/tháng vay nợ trong 2 năm để họ mua xe máy là rất phù hợp.
Ông Hoàng Nam Tiến khẳng định: "Càng ngày các hệ thống 'credit rating' (xếp hạng tín dụng) và 'credit scoring' (điểm tín dụng) tốt hơn thì chúng ta có thể tạo điều cho các bạn trẻ ở nông thôn hay ở thành thị cũng vậy. Đừng vì 2 - 5% nợ xấu mà chúng ta bắt buộc họ phải thế chấp, kèm theo những điều kiện ngặt nghèo".
Ông cũng chỉ ra những lý do mà nhiều người đang e ngại khi vay nợ, chứ chưa nhìn vào những điểm tích cực. Đầu tiên, nhiều bạn không tự tin vào bản thân. Nhưng nếu các bạn tin vào bản thân, tin vào năng lực vượt khó thì các bạn có thể tính khoản nợ bằng 1 năm lương là hợp lý.
Quản lý tài chính cá nhân - thứ cần học cấp tốp
Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ ngày nay mắc bẫy tiêu dùng, bẫy tín dụng khi chi tiêu quá khả năng chi trả.
"Chúng ta mất 12 năm học THPT, 4 năm học Đại học, 2 năm học Tiến sĩ, 4 năm cho chương trình Tiến sĩ nhưng không bỏ ra 1 tuần để học quản lý tài chính cá nhân. Với góc nhìn doanh nghiệp, điều khó nhất của quản lý tài chính là quản lý dòng tiền trong tương lai. Chúng ta liệt kê đủ những dòng thu dự kiến, dòng chi dự kiến. Sau đó hãy trả lời câu hỏi trong 3 năm tới, khi nào dòng tiền bị âm và cách giải quyết.
Tôi nghĩ rằng nếu là ngân hàng, tôi sẽ xây dựng công cụ để mỗi người giống như 'app' liệt kê những khoản chi dài hạn, mong muốn cá nhân, lương thưởng... Ngay lập tức dòng tiền tương lai, cỡ 3 - 5 năm sẽ thể hiện rõ ràng, chúng ta sẽ quyết định để dòng tiền không bị âm", Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT nhấn mạnh.
Ông Tiến cũng bật mí những bí quyết dành cho các bạn trẻ trong việc tận dụng tối đa nguồn tài chính vay mượn. Đầu tiên, các bạn cần đi học về quản lý tài chính cá nhân, đây là việc liên quan đến cả đời. Thệ hệ gen Z ngày nay suy nghĩ rất khác thế hệ trước, tiêu tiền có phần phóng khoáng.
Điều này được ông Tiến khéo léo áp dụng vào việc giáo dục con. Ông chỉ cho các con hiểu, đồng tiền phải được làm ra từ lao động. Bởi trẻ con ngày nay rất tinh nhanh, có thể xé bỏ mọi thứ nhưng không bao giờ xé tiền. Trẻ hiểu tiền là thứ mà bố mẹ, mọi người xung quanh rất quý trọng và tiền đổi được nhiều thứ.
Dần dần, người lớn cần giáo dục trẻ: Để có tiền thì cần lao động. Với những đối tượng chưa bước vào tuổi lao động thì học tập cũng là một kiểu lao động. Lao động trong gia đình cũng là một kiểu lao động. Phải có lao động mới có tiền.
"Phải dạy trẻ ngay từ khi còn nhỏ, đồng tiền chỉ có được từ lao động. Còn nếu trẻ nghĩ tiền không có được nhờ lao động sẽ là thảm hoạ trong tương lai", ông Tiến khẳng định.
Thanh niên Việt