MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Lê Đức Khánh: “Kinh tế vĩ mô khởi sắc, VnIndex hướng tới mốc 1.200 điểm ngay trong quý 1/2018”

Trong năm 2018, xu hướng mua ròng của khối ngoại sẽ chưa dừng lại, cùng với hoạt động IPO/thoái vốn Nhà nước tiếp tục diễn ra sôi động sẽ là những điểm nhấn đáng chú ý. Ngoài ra, kỳ vọng nâng hạng thị trường cũng là yếu tố có thể giúp thị trường tăng điểm trong năm 2018.

Kinh tế Việt Nam đã và đang tiếp tục phát đi các tín hiệu khả quan. Tăng trưởng GDP 2017 ước đạt 6,7% so với mục tiêu đặt ra từ đầu năm, tăng trưởng tín dụng trên 18%, tỷ giá không biến động nhiều…là những chỉ tiêu vĩ mô đáng chú ý.

Kinh tế Việt Nam khởi sắc cùng với các số liệu dự báo của các tổ chức quốc tế về triển vọng kinh tế thế giới cho thấy năm 2018 vẫn sẽ tiếp tục là năm khởi sắc đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung mà TTCK Việt Nam nói riêng.

Ông Lê Đức Khánh – Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích CTCP Chứng khoán dầu khí (PSI) đã đưa ra những nhận định lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng trong năm 2018.

Kinh tế thế giới nhìn chung sẽ tiếp tục khởi sắc

Bất chấp những lo ngại về tranh chấp, xung đột cũng như ảnh hưởng địa chính trị trên thế giới, các dự báo từ ngân hàng thế giới (WB), HSBC, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) đều cho rằng kinh tế thế giới tiếp tục có diễn biến tích cực trong năm 2018.

Các khu vực kinh tế Mỹ, Châu Âu, Úc, Nhật…đều đang có dấu hiệu tăng trưởng tốt, ít nhất là duy trì mức tăng trưởng kinh tế ổn định. Các ngân hàng trung ương vẫn thận trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ. Điều này cho thấy sẽ không nhiều bất ổn lớn có thể ảnh hưởng nhiều về quá trình điều hành các chính sách kinh tế, chính sách tiền tệ của Việt Nam

Kinh tế Việt Nam tiếp tục đi đúng hướng và tăng trưởng ổn định trong năm 2018

Kinh tế Việt nam hiện đang trong chu kỳ tăng trưởng khá tốt và vẫn đang thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế kỷ lục. Các yếu tố tác động tích cực đến tình hình kinh tế Việt Nam có thể kể đến lạm phát thấp và vẫn sẽ được kiểm soát dưới 4% trong năm 2018. Kiều hối cũng như tình trạng nhập siêu vẫn có khả năng suy giảm trong năm 2018 nhưng dự trữ ngoại hối cũng như dự báo giải ngân FDI vẫn tiếp tục tăng cao trong năm 2018.

Kinh tế Việt Nam được hưởng lợi một phần nhờ sự hồi phục kinh tế tích cực hơn dự báo tại khu vực Châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản; bất chấp những tín hiệu chưa quá lạc quan của Mỹ. Thương mại xuất nhập khẩu tốt hơn dự báo, dòng vốn FDI giải ngân mạnh là một trong những điểm tích cực của kinh tế 2017. Dự báo kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu năm 2018 sẽ tăng trưởng cao hơn cả 2017 là một yếu tố thuận lợi hỗ trợ cho tăng trưởng của Việt Nam.

Kinh tế trong nước dự báo đạt kế hoạch 6,7% trong năm nay sau khi bất ngờ tăng mạnh trong Q3 (7,4%). Mặc dù bối cảnh, tình hình thế giới 2018 khá thuận lợi song kinh tế Việt Nam vẫn tỏ ra thận trọng khi đưa ra kế hoạch tăng trưởng 2018 chỉ ở mức gần 6,7% cho thấy chúng ta vẫn nhận thức và chỉ rõ những khó khăn nội tại của nền kinh tế.

Tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức cao trong năm 2018 (khoảng 18%)

Tăng trưởng tín dụng 2018 dự kiến ở mức cao khoảng 18% (gần sát với con số của năm 2017) nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Các mặt hàng nhà nước quản lý như giá dịch vụ y tế, giáo dục, điện và giao thông tiếp tục được điều chỉnh tăng. Điều này hàm ý chỉ tiêu CPI có thể có xu hướng tăng trong năm tới.

Lãi suất đang có xu hướng tăng nhưng Tỷ giá vẫn sẽ được điều hành linh hoạt và ít biến động trong năm 2018

Theo số liệu thống kê từ nhân hàng nhà nước – Lãi suất huy động trên thị trường 1 có dấu hiệu tăng nhẹ và xu hướng có thể kéo dài sang nửa đầu năm 2018. Trong khi Vietcombank giảm lãi suất huy động thì Vietinbank, BIDV và một số ngân hàng TMCP khác như VPB lại điều chỉnh tăng ở các kỳ hạn ngắn (3 tháng, 6 tháng). Lãi suất trên thị trường 2 (LNH) đang có xu hướng tăng nhẹ nhất trong quý I và quý II/2018.

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi vẫn tồn tại những điểm bất lợi đối với kinh tế Việt Nam trong năm 2018. Có thể kể tới như:

(1) Hệ thống ngân hàng đang trong giai đoạn cơ cấu và vẫn còn nhiều xáo trộn. Nếu dự thảo TT36 sửa đổi lần hai được thông qua, áp lực thanh khoản sẽ tăng lên. Đây có thể là yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động các NHTM CP giai đoạn đầu năm 2018.

(2) Trạng thái nhập siêu vẫn có thể tiếp tục kéo dài sang năm 2018.

(3) Tình thế xuất siêu nhẹ khó giữ khi cuối năm nhu cầu nhập khẩu tăng. Xuất khẩu tăng mạnh quý 3/2017 phần lớn nhờ xuất khẩu chế suất may mặc, điện thoại và chỉ mang tính thời điểm.

(4) Fed tăng lãi suất vào tháng 12/2017 và vẫn tiếp tục nâng lãi suất trong năm 2018 – Điều này có thể ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ cũng như dịch chuyển dòng vốn ngoại.

(5) Nợ công hiện nay ở mức khá cao ngấp nghé mốc 40 tỷ USD – nhu cầu mua ngoại tệ của chính phủ gia tăng - tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng.

VnIndex hướng tới mốc 1.200 điểm ngay trong quý I/2018 và có thể đạt mốc 1.660 điểm ngay trong năm 2018

Về diễn biến TTCK, trong năm qua, bên cạnh sự ổn định về vĩ mô thì việc khối ngoại mua ròng kỷ lục 1,2 tỷ USD là động lực quan trọng thúc đẩy thị trường bứt phá. Ngoài ra, kỳ vọng của giới đầu tư về việc được nâng hạng thị trường, ra đời thị trường phái sinh cũng như hàng loạt doanh nghiệp lớn “đổ bộ” lên sàn đã giúp chứng khoán có một năm 2017 đầy sôi động.

Trong năm 2018, xu hướng mua ròng của khối ngoại sẽ chưa dừng lại, cùng với hoạt động IPO/thoái vốn Nhà nước tiếp tục diễn ra sôi động sẽ là những điểm nhấn đáng chú ý. Ngoài ra, kỳ vọng nâng hạng thị trường cũng là yếu tố có thể giúp thị trường tăng điểm trong năm 2018.

Kết hợp với các phương pháp PTKT, ông Lê Đức Khánh cho rằng VnIndex có thể tăng vượt mốc 1.000 điểm và đạt ngưỡng 1.200 điểm ngay trong quý I/2018 và chạm vùng 1.600 – 1.660 trong năm 2018.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên