MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Lê Viết Hải nêu 5 kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành bất động sản và xây dựng: "Không ai có thể cứu được thị trường bất động sản lúc này ngoài nhà nước"

03-01-2023 - 08:25 AM | Doanh nghiệp

Ông Lê Viết Hải nêu 5 kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành bất động sản và xây dựng: "Không ai có thể cứu được thị trường bất động sản lúc này ngoài nhà nước"

“Không ai có thể cứu được thị trường bất động sản lúc này ngoài nhà nước”, ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng Tp.HCM (SACA) - đại diện tham luận tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Xây dựng.

Theo ông Lê Viết Hải, khi Nhà nước can thiệp sớm sẽ giải quyết được những tác động rất xấu trước mắt và lâu dài về kinh tế, xã hội và chính trị. SACA theo đó cũng có 5 kiến nghị để tháo gỡ khó khăn cho ngành bất động sản nói chung và xây dựng nói riêng. Cụ thể:

Thứ nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhằm duy trì hoạt động ổn định cho những doanh nghiệp bất động sản và toàn bộ hệ sinh thái của ngành này. SACA nhấn mạnh cần có phương án phù hợp để các doanh nghiệp bất động sản được tiếp cận vốn dễ dàng hơn nhằm trang trải các khoản nợ đến hạn. Song song, hỗ trợ doanh nghiệp đàm phán với các trái chủ về thời hạn thanh toán các khoản vay để không phải huy động một lượng tiền khổng lồ xử lý các khoản nợ ngay lập tức khi đến hạn, tránh các công ty bất động sản lớn bị đổ vỡ phá sản hoặc rơi vào các doanh nghiệp nước ngoài.

Thứ hai, tháo gỡ vướng mắc pháp lý của các dự án để các dự án đó trở nên “sạch”. Khi kinh tế thế giới hồi phục, chiến tranh kết thúc, hoạt động du lịch trở lại nhộn nhịp thì các bất động sản du lịch sẽ có nguồn thu cao. Các dự án vướng mắc được làm “sạch” về pháp lý sẽ bán đấu giá, lợi nhuận có thể sẽ cao hơn nhiều lần. Nhà nước không những không mất tiền mà nhiều khả năng sẽ tạo ra được nguồn thu lớn từ việc ứng vốn giải cứu ngành bất động sản.

Thứ ba, tránh can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của những doanh nghiệp đang hoạt động ổn định nhưng có liên quan đến các chủ đầu tư đang bị điều tra, điều này gây ảnh hưởngrất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đến mức có thể bị phá sản trong khi chưa có gì chắc chắn là họ đã vi phạm pháp luật.

Thứ tư, Chính phủ với điều kiện thuận lợi của mình cần đóng vai trò điều tiết thị trường, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp bất động sản, để đảm bảo không còn tình trạng “chỗ thì quá nhiều dự án dẫn đến thừa cung, chỗ thì không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân”.

Đồng thời, thiết lập cổng thông tin tổng thể đúng nghĩa về quy hoạch, xây dựng và giao dịch bất động sản nhằm cung cấp đầy đủ thông tin về giao dịch bất động sản, về các dự án đang triển khai, các dự án được cấp phép, các dự án đang xin phép đầu tư xây dựng tại từng địa phương trên cả nước để nhà đầu tư có được cái nhìn toàn cảnh về thị trường, có sự chủ động điều tiết hoạt động đầu tư, phân kỳ triển khai xây dựng cho phù hợp với triển vọng thị trường. Cổng thông tin này cần làm real times, tức được cập nhật thông tin hàng ngày.

Cuối cùng, đầu tư vào việc quảng bá du lịch và có chính sách thu hút khách du lịch nước ngoài mạnh mẽ hơn để nhanh chóng lấp đầy các khu du lịch. Đây là một sự giúp đỡ hiệu quả chung cho cả ngành khi các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã kiệt quệ sau đại dịch. Một giải pháp quan trọng đó là miễn visa cho những quốc gia có nhiều khách du lịch đến Việt nam.

Trên thực tế, doanh nghiệp bất động sản nuôi bộ máy nhân sự rất lớn nhưng trong hệ sinh thái ngành bất động sản nguồn nhân lực còn lớn hơn rất nhiều. Khi khó khăn ập đến không chỉ người lao động tại doanh nghiệp bất động sản sẽ mất việc mà còn kéo theo công ăn việc làm của hàng doanh nghiệp khác nằm trong chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ cho ngành bất động sản. Bao gồm: các công ty sản xuất vật liệu xây dựng, các nhà thầu thi công xây dựng và cả các ngành tài chính, ngân hàng, tư vấn đầu tư, tư vấn thiết kế, quản lý dự án…

Thời gian qua, thị trường bất động sản có nhiều biến động phức tạp. Dư luận có nhiều ý kiến trái chiều nhau; đa số là phản đối việc Nhà Nước giải cứu bất động sản. Nguyên nhân theo SASA do (i) các chủ đầu tư bất động sản có qui mô hầu hết đều tham gia các dự án bất động sản du lịch lớn, (ii) việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư và triển khai nhiều dự án không kịp thời có sự điều chỉnh phù hợp khi có biến động và (iii) đặc biệt là sự mất cân đối trong đầu tư. Trong khi bất động sản du lịch quá dư thừa thì bất động sản nhà ở lại quá thiếu đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, nhà cho thuê phục vụ cho công nhân, cho người lao động có thu nhập thấp khiến giá nhà, giá đất bị đẩy lên quá cao.

Tri Túc

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên