Ông Lê Viết Hải nhận trách nhiệm với cổ đông vì Xây dựng Hòa Bình không hoàn thành kế hoạch 2023, khẳng định vốn chủ thực tế phải gấp 60 lần BCTC kiểm toán
Ông Lê Viết Hải cũng cho biết những sóng gió Xây dựng Hòa Bình gặp phải trong năm 2023 tưởng chừng không thể vượt qua.
- 21-04-2024Tracodi báo lãi quý I/2024 sụt giảm 56% so với cùng kỳ
- 21-04-2024Đầu tư tài sản Koji (KPF) ‘trắng’ doanh thu trong quý đầu năm 2024
- 21-04-2024Độc lạ mùa ĐHCĐ 2024: BCG 'treo giải' một lượng vàng, PAN vẫn tặng gạo và nước mắm
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) vừa công bố báo cáo thường niên năm 2023. Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT công ty đã có những trải lòng về kết quả kinh doanh, cũng như thông tin về chiến lược của tập đoàn trong thời gian tới.
VỐN CHỦ SỞ HỮU CÔNG TY CÒN 93 TỶ ĐỒNG
Theo ông Lê Viết Hải, Xây dựng Hòa Bình vừa trải qua năm 2023 đầy sóng gió, trong đó có những khó khăn đã manh nha từ năm 2017, trước khi có nhiều biến cố bất lợi cho ngành xây dựng, đặc biệt là trong xây dựng nhà ở đô thị và du lịch nghỉ dưỡng - hai lĩnh vực xây dựng chủ yếu của Hòa Bình.
Bối cảnh chung là vậy, nhưng Hòa Bình lại bắt đầu năm 2023 với một câu chuyện không mong muốn – cuộc "nội chiến" trong HĐQT diễn ra vào ngày giáp Tết Nguyên đán. Ông cho biết khi ấy, ông vốn đã định lui về phía sau song phải quay trở lại vị trí Chủ tịch HĐQT để chèo lái con thuyền Hòa Bình.
Theo BCTC kiểm toán năm 2023, Hòa Bình đạt doanh thu hơn 7.537,1 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch đã đề ra. Trừ chi phí, công ty lỗ 1.115 tỷ đồng. Theo ông Hải, với việc áp dụng chuẩn mực kế toán Việt Nam theo quan điểm rất thận trọng, BCTC kiểm toán hợp nhất năm 2023 cũng ghi nhận sự sụt giảm vốn chủ sở hữu của Hòa Bình chỉ còn 93 tỷ đồng.
"Con số này hoàn toàn khác xa với thực tế. Theo báo cáo tài chính quản trị do khối tài chính kế toán công ty lập dựa vào đặc thù của hoạt động xây dựng và những thông tin số liệu sát với thực tế của thị trường, vốn chủ sở hữu của Hoà Bình là khoảng 5.539 tỷ đồng, cao hơn gần 60 lần so với vốn chủ sở hữu trong BCTC kiểm toán", ông Lê Viết Hải cho biết.
Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình phân tích có 4 nguyên nhân chính dẫn đến sự chênh lệch này. Một là, theo báo cáo quản trị, giá các bất động sản được định theo giá thị trường trong khi trong báo cáo tài chính kiểm toán được ghi nhận theo giá gốc. Chẳng hạn như trụ sở 235 Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM, theo ghi nhận trên sổ sách chỉ có 5 tỷ đồng, nhưng giá giao dịch hiện nay trên thị trường không dưới 75 tỷ đồng, sự chênh lệch này lên đến 15 lần.
Hai là, giá trị còn lại của máy móc thiết bị được ghi nhận trong báo cáo kiểm toán không phù hợp với thực tế bởi giá trị khấu hao theo chế độ kiểm toán hiện hành chưa phản ánh đúng với khấu hao trong thực tế và sự trượt giá trên thị trường cũng tác động đáng kể đến giá trị còn lại của máy móc thiết bị.
Ba là các khoản phải trích lập dự phòng theo chế độ kế toán hiện hành được xác định theo tuổi nợ, trong khi theo báo cáo quản trị, công ty đánh giá căn cứ vào nguyên nhân chậm thanh toán, sự đảm bảo về chất lượng công trình, mức độ hoàn thiện của hồ sơ thanh quyết toán, năng lực tài chính và những rủi ro về hoạt động kinh doanh của khách hàng…
Bốn là tăng các khoản phải thu theo phán quyết của tòa sẽ làm tăng vốn chủ sở hữu. Những đánh giá của Xây dựng Hòa Bình còn dựa vào lịch sử kinh nghiệm giải quyết các vụ kiện về thu hồi nợ mà trường hợp điển hình là món nợ trên 5 năm của FLC. Phần chênh lệch khoản phải thu giữa giá trị ghi nhận trên sổ sách và giá trị phán quyết của toà là 652 tỷ. Theo Hòa Bình, đó là khoản nợ hoàn toàn có khả năng thu hồi.
"Tuy nhiên, là người đứng đầu, tôi xin thành khẩn nhận trách nhiệm khi năm 2023 vừa qua, đã không đưa Hòa Bình phát triển theo đúng mục tiêu, kế hoạch đã đề ra của Tập đoàn", ông Hải trải lòng trong thư gửi cổ đông.
XÂY DỰNG HÒA BÌNH ĐÃ VƯỢT QUA THẾ BĨ CỰC
Ông Lê Viết Hải cũng cho biết, những sóng gió Xây dựng Hòa Bình gặp phải trong năm 2023 tưởng chừng không thể vượt qua. Tuy nhiên, hiện nay công ty đã có thể vượt qua tình thế "bĩ cực, ngàn cân treo sợi tóc". Theo ông, khi làm việc với đối tác và giãi bày khó khăn hiện tại, nhiều chủ đầu tư thân thiết sẽ tạo điều kiện thuận lợi để giao cho tập đoàn những dự án mới.
Đối với những nhà thầu phụ, nhà cung cấp chiến lược đã đồng hành cùng Tập đoàn, họ cũng thể hiện sự cảm thông, chia sẻ rủi ro trong giai đoạn đầy khó khăn này. Tính đến ngày 18/4 đã có trên 99 nhà cung cấp, nhà thầu phụ đồng ý ký biên bản thỏa thuận hoán đổi công nợ bằng cổ phiếu HBC của Hòa Bình đạt giá trị lên đến trên 660 tỷ đồng.
Ông Lê Viết Hải thông tin thêm đầu năm 2024, Hòa Bình đã nhận được Thư dự định giao thầu 5 dự án xây dựng Nhà ở xã hội của Bộ đất đai, Công trình công cộng, Nhà ở và Phát triển Đô thị Kenya với tổng mức đầu tư 72 triệu USD. Đó là thành công bước đầu và là minh chứng cho sự kiên định với mục tiêu xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp sang nước ngoài.
Ông cho rằng việc chinh phục thị trường xây dựng nước ngoài của Hòa Bình như câu chuyện của cây tre. Cây tre khi được trồng xuống đất chỉ mọc lên vài centimet trên mặt đất trong một thời gian dài. Trong suốt 4 năm đầu tiên nó dành toàn bộ sức lực cho việc cắm rễ hàng trăm mét dưới lòng đất. Khi gốc rễ đã đủ chắc thì từ năm thứ 5 nó mới bứt phá với tốc độ đáng kinh ngạc 30 centimet mỗi ngày và chỉ mất 6 tuần để đạt chiều cao 15 mét.
"Sau Kenya sẽ là những công trình ở Mỹ, Úc, Canada và nhiều quốc gia khác. Tôi khẳng định và một lần nữa mong nhận được sự cảm thông, thấu hiểu và chia sẻ của cổ đông về những thách thức, khó khăn mà tôi đã trải qua cũng như kết quả kinh doanh thua lỗ trong năm vừa rồi", ông Hải bộc bạch.
Bên cạnh việc mở rộng ra nước ngoài, Xây dựng Hòa Bình cũng đã trả nợ đúng hạn cho ngân hàng, không bị chuyển sang nhóm nợ xấu. Hạn mức tín dụng ở 3 ngân hàng chính hiện nay là 7.592 tỷ đồng.
An ninh Tiền tệ