MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Ông lớn" địa ốc khởi động năm 2019 với hàng loạt dự án nghỉ dưỡng nghìn tỷ đổ bộ các tỉnh duyên hải Miền Trung

18-02-2019 - 08:28 AM | Bất động sản

Theo báo cáo tổng hợp của các tỉnh miền Trung và Tây nguyên, những năm gần đây, cùng với sự phát triển du lịch của cả nước, du lịch Miền Trung - Tây Nguyên đã có những chuyển biến tích cực.

Vùng Duyên hải miền Trung có hệ thống hạ tầng giao thông (đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không) phát triển khá nhanh và đồng bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội mà còn kết nối với hành lang kinh tế Đông -Tây khu vực Đông Nam Á và liên thông với quốc tế.

Trong đó, hệ thống đường không với 06 sân bay (3 sân bay quốc tế là Phú Bài -Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Cam Ranh - Khánh Hòa; hệ thống cảng biển với 7 cảng biển quốc tế. Hệ thống đường bộ, tiêu biểu như Quốc lộ 1A, con đường huyết mạch kết nối các địa phương trong Vùng cũng như kết nối Vùng Duyên hải miền Trung với Hà Nội, TP.HCM và lan tỏa đi các vùng và địa phương khác trong cả nước.

Cùng với đó là đường Hồ Chí Minh chạy dọc dải Trường sơn hùng vĩ, mới nhất là đoạn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa khánh thành đi vào sử dụng từ ngày 2/9/2018 và các tuyến cao tốc Nha Trang - Phan Thiết, Bình Định - Nha Trang cũng đã đưa vào kế hoạch thực hiện trong giai đoạn đến năm 2021.

Trong năm 2018, tổng lượng khách du lịch đến khu vực Miền Trung - Tây Nguyên đạt 58 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế 9,5 triệu lượt); tổng doanh thu từ du lịch là 120 nghìn tỷ đồng. Những con số này cho thấy, du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều điểm đến ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, thời gian qua, du lịch Miền Trung - Tây Nguyên phát triển chủ yếu theo chiều rộng thông qua khai thác thô tài nguyên du lịch nên sự phát triển của du lịch còn chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng to lớn của khu vực.

Lượt khách du lịch đến tương đối lớn nhưng phân bổ không đồng đều, tổng doanh thu từ du lịch còn thấp (chỉ đạt 18,75% cả nước) chưa thu hút thị trường khách du lịch cao cấp; hệ thống hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, (khách sạn tiêu chuẩn 3 - 5 sao chỉ chiếm khoảng 17% cả nước); tính liên kết trong phát triển du lịch còn hạn chế, nhất là liên kết xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù…

Để khai thác tối đa những lợi thế và nguồn lực phát triển, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tại Hội nghị phát triển du lịch miền Trung và Tây nguyên diễn ra ngày 16/2, các tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã cam kết không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường du lịch, xây dựng dịch vụ du lịch thông minh.

Đặc biệt nhiều địa phương trong vùng sẽ đẩy mạnh liên kết trong việc phát triển quy hoạch, kết nối hạ tầng; phát huy giá trị văn hóa di sản, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến và quảng bá du lịch; chú trọng xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù, tạo ra sự gắn kết giữa các địa phương với mục tiêu phát triển du lịch bền vững…

Để du lịch Miền Trung và Tây Nguyên phát triển tương xứng với tiềm năng và vị thế trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, bên cạnh sự nỗ lực của chính mình, các tỉnh, thành phố trong khu vực miền Trung và Tây nguyên rất cần sự quan tâm, hỗ trợ về cơ chế, chính sách của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương trong phát triển hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch...

Bên cạnh đó, rà soát điều chỉnh quy hoạch phát triển Vùng nhằm xác định lại không gian và hệ thống hạ tầng của Vùng, nhất là khu du lịch để tránh chồng chéo, khắc phục dàn trải đầu tư kém hiệu quả; đặc biệt cần định hướng nội dung quy hoạch "xây dựng thành phố biển" để có điều kiện thực hiện đầu tư PPP cho hệ thống tuyến đường ven biển Khu vực. Thí điểm thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch tại các tỉnh và Vùng với nguồn thu từ huy động nguồn lực xã hội từ doanh nghiệp du lịch.

Tại đây, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều Bộ ngành, lãnh đạo nhiều địa phương trong vùng đã trao quyết định chủ trương đầu tư và ký kết biên bản hợp tác các nhà đầu tư hàng loạt dự án nghỉ dưỡng mới, quy mô khá lớn.

Theo đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã trao Quyết định cho Cty CP Toàn cầu TMS đầu tư cho Dự án TMS Quảng Bình Resort tại xã Trung Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) với tổng vốn đăng ký đầu tư 4.882 tỷ đồng;

Tỉnh này cũng đã trao Quyết định chủ trương đầu tư cho Cty CP Tập đoàn FLC, trong đó dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng FLC Hải Ninh 2 (tại xã Hải Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) với tổng vốn đăng ký đầu tư 1.535 tỷ đồng; dự án Công viên mạo hiểm FLC Faros Quảng Bình tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh và xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) với tổng vốn đăng ký đầu tư 701,8 tỷ đồng; dự án Đầu tư xây dựng công trình Club House (tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh) với tổng vốn đăng ký đầu tư 294,25 tỷ đồng; dự án Công viên động vật hoang dã FLC Quảng Bình (tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh) với tổng vốn đăng ký đầu tư 302,4 tỷ đồng.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cũng đã trao Quyết định chủ trương đầu tư cho Cty CP Tập đoàn AE đầu tư cho Khu đô thị sinh thái biển Ae Resort - Cửa Tùng, Quảng Trị tại xã Vĩnh Thạch và thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) với tổng vốn đăng ký đầu tư 492,6 tỷ đồng.

Phía TP Đà Nẵng cũng đã trao Quyết định chủ trương đầu tư cho Cty TNHH Đầu tư SUN FRONTIER đầu tư cho dự án Tháp ven sông dọc bờ Tây sông Hàn tại phường Bình Thuận (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) với tổng vốn đăng ký đầu tư 1.280 tỷ đồng.

Các dự án được trao quyết định chủ trương đầu tư tại tỉnh Quảng Nam gồm: Cty CP Khu du lịch sinh thái Hang Gợp nhận Quyết định chủ trương đầu tư cho Khu Du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang (tại huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) với tổng vốn đăng ký đầu tư 400,88 tỷ đồng; Cty CP Tập đoàn T&T nhận Quyết định chủ trương đầu tư cho Công viên nông nghiệp công nghệ cao Điện Hòa (tại xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) với tổng vốn đăng ký đầu tư 2.103,3 tỷ đồng.

Tỉnh Bình Định đã trao Quyết định chủ trương đầu cho Cty TNHH Greenhill Village đầu tư Khu du lịch nghỉ dưỡng Greenhill Village Quy Nhơn tại phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) với tổng vốn đăng ký đầu tư 230 tỷ đồng; Cty CP Du lịch biển MAIA Quy Nhơn nhận Quyết định chủ trương đầu tư cho MAIA Quy Nhơn Beach Resort tại Khu kinh tế Nhơn Hội (tỉnh Bình Định) với tổng vốn đăng ký đầu tư 1.158,5 tỷ đồng; Cty CP Thị Nại ECOBAY nhận Quyết định chủ trương đầu tư cho Khu du lịch sinh thái Đầm Thị Nại (THI NAI ECOBAY) tại phường Đống Đa và phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), với tổng vốn đăng ký đầu tư 4.105,5 tỷ đồng;

Còn tại Ninh Thuận, Cty CP Đầu tư quốc tế Dubai nhận Quyết định chủ trương đầu tư cho Dự án Tổ hợp khách sạn, khu thương mại, căn hộ du lịch Dubai Tower (tại phường Mỹ Hải, TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) với tổng vốn đăng ký đầu tư 3.009 tỷ đồng;

Cty TNHH Đầu tư – Phát triển Royal Ninh Thuận nhận Quyết định chủ trương đầu tư cho Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Royal Ninh Thuận (tại xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) với tổng vốn đăng ký đầu tư 2000 tỷ đồng.

Cty CP Du lịch quốc tế Ninh Thuận thuộc Tổng Cty CP Hoàng Sơn nhận Quyết định chủ trương đầu tư cho Dự án Khu resort nghỉ dưỡng cao cấp tiêu chuẩn quốc tế 5 sao kết hợp với tuyến phố thương mại ẩm thực (tại thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) với tổng vốn đăng ký đầu tư 550 tỷ đồng.

Ông lớn địa ốc khởi động năm 2019 với hàng loạt dự án nghỉ dưỡng nghìn tỷ đổ bộ các tỉnh duyên hải Miền Trung - Ảnh 1.

Trong khuôn khổ Hội nghị "Phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên", lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trao Quyết định chủ trương đầu tư cho Cty TNHH DTH Biển Hải Dương Huế nhận Quyết định chủ trương đầu tư cho Dự án Khu du lịch sinh thái biển Hải Dương (tại Thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) với tổng vốn đăng ký đầu tư 2.108 tỷ đồng;

Cty TNHH Đăng Kim Long nhận Quyết định chủ trương đầu tư cho Dự án Khu phức hợp du lịch và dịch vụ Đăng Kim Long tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) với tổng vốn đăng ký đầu tư 3.730 tỷ đồng.

Cty CP Giải trí tổng hợp Tam Giang (thành viên của Tập đoàn BRG) nhận Quyết định chủ trương đầu tư cho Dự án Khách sạn, dịch vụ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng và khu du lịch vui chơi giải trí tổng hợp tại xã Vinh Thanh, xã Vinh Xuân (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế), với tổng vốn đăng ký đầu tư 4.168 tỷ đồng.

Cty TNHH Văn Phú Resort - Lộc Bình (thành viên của Tập đoàn Văn Phú) lên nhận Quyết định chủ trương đầu tư cho dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng phát triển thể chất kết hợp vui chơi, thể thao Lộc Bình tại xã Vinh Hiền và xã Lộc Bình (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế), với tổng vốn đăng ký đầu tư 3.066 tỷ đồng và trao, nhận biên bản hợp tác chiến lược với UBND tỉnh.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Không có hệ đếm hay mỹ từ nào đủ để có thể nói hết, tô điểm hết được các tài nguyên du lịch quá đặc sắc và phong phú của miền Trung - Tây Nguyên", nhưng tài nguyên du lịch nơi đây nhìn chung vẫn như "viên ngọc thô chưa được mài dũa hoặc chưa tìm được người thợ dũa xứng đáng".

Để phát triển du lịch bền vững, Thủ tướng đặt ra cho ngành du lịch 5 câu hỏi: (1) làm thế nào để du khách tìm đến Việt Nam đông hơn; (2) làm thế nào du khách ở lại lâu hơn thay vì đòi đi sớm hơn; (3) làm thế nào để du khách tiêu tiền nhiều hơn thay vì không có gì để chi tiêu; (4) làm thế nào để khách kể lại câu chuyện du lịch thú vị với người thân, với bạn bè một cách đầy hứng khởi, thay vì chê bai, kể một cái xấu gì đó ở Việt Nam; (5) làm thế nào du khách quay trở lại sớm nhất có thể chứ không phải một đi không trở lại.

Gia Khang

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên