'Ông lớn' giấy Việt chi ngàn tỉ quyết đấu giấy ngoại
Không chịu lép vế, các doanh nghiệp (DN) lớn ngành giấy trong nước đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng để nâng công suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh với DN ngoại.
Thị trường giấy Việt Nam được xem là tiềm năng nhưng các DN nước ngoài vẫn chiếm lợi thế, các DN giấy trong nước vẫn tiếp tục phát triển nhưng chiếm lĩnh “miếng bánh” nhỏ hơn.
Không chịu lép vế, các DN lớn ngành giấy trong nước đã đầu tư hàng ngàn tỉ đồng để nâng công suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh với DN ngoại. Như Tập đoàn giấy Tân Mai, một trong những “ông lớn” của ngành giấy Việt Nam, đã chủ động đầu tư thêm nhiều nhà máy mới ở các địa bàn trọng điểm phía Nam với hơn 4.000 tỉ đồng đầu tư.
Ông Trần Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Mai, cho biết hiện nay tập đoàn, song song với việc phát triển vùng nguyên liệu dài hạn, việc đầu tư các nhà máy giấy là nỗ lực của tập đoàn trong việc nội địa hóa thị phần giấy, giúp DN nội cạnh tranh với các DN nước ngoài tại thị trường nội địa.
Qua đó, giúp người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm với giá thành rẻ hơn, khuyến khích ý thức bảo vệ môi trường và góp phần vào các chương trình trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc. Trong xu hướng đa lợi ích đó, Tân Mai đặt mục tiêu là DN tiên phong và đã có những bước chuẩn bị kỹ càng để cạnh tranh trong dài hạn.
Tập đoàn giấy Tân Mai ký kết với Công ty Papcel (Cộng hòa Czech) về việc lắp đặt dây chuyền máy giấy và chuyển giao công nghệ vận hành tại dự án Nhà máy giấy Tân Mai Miền Đông với tổng giá trị 28 triệu euro (tương đương hơn 700 tỉ đồng).
Theo ông Vũ Ngọc Bảo, Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, cho biết ngành giấy rất có tiềm năng nên các DN mới đổ vốn vào để đầu tư, nâng công suất hoạt động tại Việt Nam lên. Tuy nhiên, sân chơi của ngành giấy sẽ thuộc về các DN lớn, DN nước ngoài có tiềm lực lớn. Các DN giấy trong nước cần phải tiếp tục đầu tư tăng năng lực cạnh tranh.
Theo ước tính đến năm 2018, công suất của hàng loạt dự án nhà máy sản xuất giấy ở Việt Nam sẽ vào khoảng 3 triệu tấn giấy/năm. Dù nguồn cung cho thị trường sẽ được gia tăng nhưng theo dự báo, Việt Nam vẫn còn phải nhập khẩu khoảng 400.000 tấn giấy kraft (giấy tái sinh, dùng nhiều trong công nghiệp và Việt Nam chưa sản xuất được) thay vì phải nhập khẩu 1,6 triệu tấn giấy các loại như hiện nay.
Giới chuyên gia lưu ý các DN giấy Việt Nam sẽ còn phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của hàng nhập khẩu.
Pháp luật TPHCM