Ông lớn ngành điện vốn hóa 1,2 tỷ USD tuyên bố gia nhập 'cuộc chơi' xây trạm sạc, đơn giá trung bình 3.858 đồng/kWh
PV Power vừa triển khai xây dựng trạm sạc xe điện thí điểm đầu tiên và dự kiến sẽ sớm mở rộng ra toàn quốc. Đơn giá sạc trung bình dự kiến khoảng 3.858 đồng/kWh, mức giá tương đương với trạm sạc do Vinfast vận hành và thấp hơn một số đơn vị khác như EverCharge, EV One…
- 12-08-2024"Ông trùm" xe tải tại Việt Nam ra mắt SUV ngang cỡ Hyundai Santa Fe, đi Hà Nội - Quảng Ngãi chỉ trong một lần sạc
- 12-08-2024Nghiên cứu, đề xuất cơ chế giá điện cho trạm sạc xe điện
- 12-08-2024Mỹ trình làng pin xe điện sạc siêu nhanh đấu với Trung Quốc: Mật độ pin 300 Wh/kg, sạc đầy bình chỉ 10 phút
Hướng tới mục tiêu mở rộng quy mô, hoạt động kinh doanh, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power) cho biết đang nghiên cứu và tiến hành đầu tư xây dựng trạm sạc xe điện thí điểm đầu tiên.
PV Power cũng xác định việc đầu tư, xây dựng cung cấp các trạm sạc cho xe điện sẽ mở ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp cũng như phù hợp với chiến lược phát triển PV Power trong giai đoạn tới. Đồng thởi, việc xây dựng các trạm sạc thí điểm là bước đầu tiên cần thực hiện để hướng tới các mục tiêu xa hơn là mở rộng số lượng, vị trí, công suất ra toàn quốc.
Vì vậy, PV Power đã ký biên bản Thỏa thuận hợp tác với EN Technologies Inc. để nghiên cứu và phát triển hệ thống trạm sạc tại Việt Nam. Theo đó, PV Power sẽ có trách nhiệm tìm kiếm vị trí đặt trạm, cung cấp hạ tầng kỹ thuật kèm theo gồm nguồn cấp điện đầu vào, cung cấp toàn bộ trang thiết bị còn lại gồm tủ phân phối điện, tủ viễn thông, thiết bị phòng cháy chữa cháy, hệ thống camera giám sát, thi công xây dựng, lắp đặt, cải tạo mặt bằng và các chi phí khác như bảo hiểm, kiểm định, các thủ tục và giấy phép liên quan. Sau thời gian nghiên cứu, đánh giá, PV Power đã quyết định triển khai xây dựng trạm sạc xe điện thí điểm tại số 6 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội.
Trạm sạc nhanh DC có tổng công suất sử dụng 100-120kW. Diện tích đặt trạm khoảng 30-35m2. Trạm sạc gồm 2 cây sạc dạng tủ đứng, có trang bị 02 cổng sạc với công suất từ 50 - 60kW/cổng sạc. Cây sạc có trang bị màn hình hiển thị, thanh toán qua hình thức quét mã QR. Việc thi công xây dựng trạm sạc đảm bảo tuân thủ các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành về các biên pháp quản lý thi công, quản lý chất lượng, giám sát thi công, an toàn lao động, an toàn vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ.
Tổng chi phí đầu tư của dự án khoảng hơn 1,8 tỷ đồng.
Doanh thu sạc điện tính trên sản lượng sạc ước tính và đơn giá sạc dự kiến chia 3 mức đơn giá theo các khung giờ thấp điểm, bình thường và cao điểm. Trong đó, đơn giá sạc trung bình dự kiến khoảng 3.858 đồng/kWh, mức giá tương đương với trạm sạc do Vinfast vận hành và thấp hơn một số đơn vị khác như EverCharge, EV One…
Sau quá trình thử nghiệm, PV Power sẽ xem xét đánh giá tổng thể thiết bị trạm sạc từ kỹ thuật công nghệ, vận hành, an toàn, đánh giá sử dụng của khách hàng, hiệu quả trạm sạc để có những điều chỉnh cụ thể, phù hợp để mang lại hiệu quả cao cho dự án.
Thông qua việc xây dựng trạm sạc thí điểm, PV Power sẽ có cơ sở để xây dựng kế hoạch đầu tư lắp đặt mở rộng hệ thống trạm sạc. Với việc đầu tư nhiều trạm sạc thí điểm khác nhau với nhiều mức công suất, nhiều đơn vị cung cấp thiết bị và điều chỉnh các giải pháp vận hành sẽ đưa ra được những kinh nghiệm để tối ưu chi phí đầu tư và vận hành cùng với một lộ trình mang đến hiệu quả cho bài toán đầu ra sẽ rút ngắn thêm thời gian thu hồi vốn, tăng hiệu quả đầu tư.
Việc xây dựng các trạm sạc thí điểm tại thời điểm này, PV Power mong muốn dự án mang lại hiệu quả cũng như kinh nghiệm đầu tư xây dựng. Từ đó có thể tối ưu giải pháp, lựa chọn công nghệ, đánh giá chi phí để áp dụng triển khai tại các dự án trạm sạc thí điểm tiếp theo. Đồng thời, từ các dự án thí điểm này cũng sẽ là căn cứ để đánh giá về nhu cầu, thị hiếu của người sử dụng, từ đó có phát huy những ưu điểm mà dự án đã đát được cũng như có những điều chỉnh, thay đổi phù hợp hơn, thân thiện hơn với thị trường.
Với những kết quả thu được qua quá trình thử nghiệm và vận hành các trạm sạc xe điện, PV Power sẽ có cái nhìn tổng quát nhất, đầy đủ nhất và chi tiết nhất về trạm sạc xe điệm nói riêng, thị trường xe điện nói chung, để có những định hướng kịp thời, hiệu quả, phù hợp với mục tiêu chính là mở trộng quy mô, địa bàn, số lượng, chất lượng và trở thành một trong những đơn vị cung cấp trạm sạc xe điện uy tín trong cả nước.
Hiện nay, Chính phủ đang khuyến khích và đặt mục tiêu về kế hoạch chuyển đổi từ xe cơ giới sử dụng năng lượng hóa thạch sang sử dụng điện. Nhu cầu sử dụng ô tô điện của người dân trong thời gian tới sẽ ngày càng tăng và hướng đến sử dụng 100% xe chạy điện. Chính vì vậy, để đảm bảo giao thông thông suốt, đảm bảo nhu cầu sử dụng năng lượng điện để sạc là việc làm phải thực hiện trước tiên và song song với sự gia tăng nhu cầu xe điện.
Bên cạnh đó, khi hạ tầng trạm sạc xe điện phát triển hơn cũng sẽ mở ra các cơ hội cho các hãng xe điện nước ngoài mạnh dạn đầu tư vào Việt Nam hơn, thúc đẩy sự đa dạng, nhu cầu sử dụng và hướng tới mục tiêu chung của Chính phủ. Ở Việt Nam, nếu không tính các trạm chỉ phục vụ cho xe của VinFast, thì hệ thống trạm sạc xe điện vẫn còn khá "mỏng", trong khi nhu cầu sử dụng loại xe này ngày càng tăng cao.
PV Power có giá trị vốn hóa 31.264 tỷ đồng trên sàn chứng khoán. 6 tháng đầu năm 2024, công ty đạt doanh thu thuần 15.650 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 667 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/6/2024, công ty có tổng giá trị tài sản gần 81.000 tỷ đồng.
Đời sống Pháp luật