Ông lớn xây dựng Nhật Bản tự tin sẽ thành công khi đầu tư vào Việt Nam
Theo ông Kazuo Suzuki, Chủ tịch Tập đoàn Raito, Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng cho nhà đầu tư Nhật Bản. Ông tin tưởng vào sự thành công khi đầu tư vào lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam.
- 08-08-2016Fecon - “người khổng lồ” đi chậm
- 08-07-2016Bất động sản, xây dựng lên ngôi, FECON trúng thầu hàng nghìn tỷ đồng
- 24-04-2016ĐHCĐ FECON: Đổi tên công ty để mở rộng lĩnh vực kinh doanh
Mới đây, tại tọa đàm xúc tiến đầu tư và du lịch Nhật Bản công sứ đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Katsuro Nagai đã cho biết, hiện Nhật Bản đang xếp thứ 2 trong số 105 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Số dự án được cấp phép chiếm khoảng 30% bao gồm nhiều ngành nghề: Xây dựng, bán lẻ, dịch vụ. Nhiều công trình biểu tượng của Nhật bản ở Việt Nam như Cầu Nhật Tân, Nhà ga Quốc tế Nội Bài.
Làn sóng các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ sau khi Việt Nam gia nhập TPP. Đi đầu trong làn sóng này có thể kể đến sự hợp tác giữa một ông lớn trong ngành xây dựng Nhật Bản - Tập đoàn Raito với một đại gia trong ngành xây dựng tại Việt Nam Công ty Cổ phần FECON. Kết quả của sự hợp tác này chính là sự ra đời của CTCP Địa kỹ thuật tiên tiến RAITO – FECON (gọi tắt là RFI).
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Kazuo Suzuki, Chủ tịch Tập đoàn Raito về cơ hội cũng như thách thức của doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư vào Việt Nam.
Thưa ông, đâu là nguyên nhân chính thôi thúc Tập đoàn Raito đầu tư vào Việt Nam?
Theo quan sát của tôi, thị trường Việt Nam có mức tăng trưởng khá là ổn định, tôi nghĩ rằng mức tăng trưởng này có thể tiếp tục đi lên trong tương lai. Tôi kỳ vọng vào thị trường này rất nhiều, do đó mà công ty chúng tôi đã quyết định hợp tác với Fecon để có thể đi sâu hơn vào thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, một động lực quan trọng nữa thúc đẩy chúng tôi đầu tư tại Việt Nam là con người. Sự cần cù, thông mình của người Việt khiến chúng tôi thực sự cảm thấy yên tâm khi đầu tư vào thị trường này.
Tại sao không sớm hơn hay muộn hơn mà Raito lại lựa chọn đúng thời điểm này để đầu tư vào Việt Nam, thưa ông?
Những chính sách cởi mở của chính phủ Việt Nam trong thời gian vừa qua đã tác động rất nhiều đến quyết định ra mắt Raito-Fecon của chúng tôi tại Việt Nam. Thêm vào đó, khi nhìn vào chiến lược của Fecon tới năm 2020 sẽ trở thành nhóm doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về hạ tầng với mục tiêu tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ và ứng dụng công nghệ hiện đại trong thi công công trình ngầm đô thị, chúng tôi cảm thấy quan điểm và tầm nhìn này rất gần với quan điểm, cách nghĩ của chúng tôi.
Thêm nữa, để đi đến hợp tác ngày hôm nay, hai bên đã có quá trình tìm hiểu và cùng nhau làm thử. Tôi tin rằng, với sự kết hợp của một FECON mạnh về thi công nền móng và một RAITO với những kỹ thuật kinh nghiệm về cải tạo đất tích lũy trong nhiều năm tại Nhật Bản, chắc chắn RFI sẽ là người đi tiên phong trong thi công cải tạo nền móng và có nhiều đóng góp cho Việt Nam trong thời gian tới.
Xin ông cho biết, điều gì làm nên sự khác biệt của liên doanh Raito-Fecon khi so sánh với các đối thủ khác trên thị trường Việt Nam.
Các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM của Việt Nam có nền địa chất khá yếu, gần giống như các thành phố Tokyo, Osaka tại Nhật Bản. Chúng tôi đã có 70 năm kinh nghiệm trong việc cải tạo nền móng công trình. Tôi nghĩ rằng những kỹ thuật này sẽ hữu ích cho Việt Nam trong tương lai đặc biệt là những công trình ngầm đô thị tại TPHCM và Hà Nội. Trong tương lai chắc chắn những công nghệ Raito mang đến sẽ có đóng góp rất nhiều cho Việt Nam.
Là một trong những doanh nghiệp lớn đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, ông có thông điệp gì đối với các nhà đầu tư Nhật đang có ý định đầu tư vào Việt Nam?
Xin chia sẻ dự cảm của tôi về tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam. Với sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế cùng sự cần cù nhạy bén của người lao động, tôi có cảm giác tôi sẽ thành công với thị trường này và các nhà đầu tư khác Nhật bản cũng vậy. Tôi hy vọng Raito sẽ là hình mẫu cho sự đầu tư thành công của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.