MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Louis Nguyễn: Nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang chờ một đợt điều chỉnh

Ông Louis Nguyễn: Nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang chờ một đợt điều chỉnh

Trong khi các nhà phân tích tại các CTCK cho rằng PE của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn hấp dẫn thì ông Louis Nguyễn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Saigon Asset Management (SAM) cho rằng nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang chờ đợi mức hấp dẫn hơn.

Thị trường chứng khoán lập đỉnh mới khi Vn-Index vượt 1.460 điểm trong phiên giao dịch sáng nay (3/11). Trao đổi trên Talkshow Phố Tài chính, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh các hoạt động sản xuất kinh doanh đã bước vào giai đoạn bình thường mới, cùng việc một gói hỗ trợ quy mô lớn đang được xem xét, khiến cho các thành viên thị trường kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ sớm quay trở lại và tạo cú hích mới cho thị trường.

MC Mùi Khánh Ly: Trong những phiên gần đây, đã xuất hiện động thái mua ròng trở lại của khối ngoại, vậy theo các ông động thái này có kéo dài?

Ông Phạm Quang Huy, Giám đốc trung tâm kinh doanh khách hàng cao cấp, CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Thời gian qua, NĐTNN bán ròng nhưng giá trị rút vốn lũy kế từ đầu năm 2021 đến nay chiếm chưa đến 1% tổng giá trị danh mục của NĐTNN. Điều này cho thấy hoạt động bán ròng của NĐTNN phần lớn là để tái cơ cấu danh mục, bên cạnh đó việc nhiều cổ phiếu lớn tăng trong khi quy mô Quỹ ngoại chưa tăng lên thì việc bán ròng cũng có thể coi là hình thức chốt lời duy trì quy mô của Quỹ. 

Trong khi đó, số lượng NĐTNN đăng ký cấp mới mã số giao dịch chứng khoán và mở mới tài khoản giao dịch tăng đều qua các tháng. Cụ thể, tổng số lượng NĐTNN đăng ký mã số giao dịch chứng khoán trong 10 tháng vừa qua đạt gần 3.500 tài khoản, bằng hơn 80% của năm 2020. Thông tin này cho thấy NĐTNN vẫn tin tưởng vào TTCK Việt Nam. Do vậy theo quan điểm cá nhân tôi, dòng vốn này sẽ sớm quay trở lại trong thời gian tới. Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam hiện đang đứng đầu danh sách xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi nên được kỳ vọng sẽ sớm đón dòng vốn ngoại.

Ông Trần Anh Tuấn, CFA, Giám đốc Trung tâm Phân tích, CTCK Dầu khí (PSI)

Theo tôi, việc khối ngoại bán ròng trong năm 2020 chỉ mang tính ngắn hạn và để cơ cấu lại danh mục sau một thời gian dài đầu tư ở Việt Nam, bằng chứng là trong năm 2021 vẫn có thêm sự tham gia mới của các quỹ ETF. Do đó, tôi cho rằng thị trường Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của khối ngoại trong dài hạn bởi nhiều nhiều yếu tố:

Thứ nhất là nền kinh tế có khả năng hồi phục nhanh chóng. Mặt dù, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 vừa qua, nhưng với những chính sách, gói hỗ trợ kịp thời của Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi. Trong năm 2022 Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế như World Bank, IMF dự báo có thể đạt tăng trưởng từ 6,5% – 7,0%. 

Thứ hai, định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn hấp dẫn. Hệ số P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam mới chỉ đạt mức khoảng 17 và mức này vẫn còn hấp dẫn với nhà đầu tư trong khu vực. Cụ thể như P/E của Singapore là 24 lần, Thái Lan là 25 lần Philippines là 28 lần và Indonesia là 27 lần. Do đó, về mặt tương đối thị trường Việt Nam vẫn đang được định giá thấp và có thể tiếp tục thu hút dòng vốn từ khối ngoại. 

Thứ ba, sắp tới nếu như hệ thống KRX đi vào vận hành sẽ mang lại nhiều sản phẩm mới cho thị trường Việt Nam như giao dịch lô lẻ, T0, giảm tỷ lệ ký quỹ tiền mua chứng khoán...

Ông Louis Nguyễn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Saigon Asset Management (SAM)

Tôi thấy, thị trường chứng khoán đang nằm trong một mức giá cao, PE đang vào khoảng 17,5, không thấp lắm. Tôi cho rằng nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang chờ đợi một đợt điều chỉnh. Họ vẫn đang chờ đợi một mức hấp dẫn hơn.

Thực tế, Việt Nam là quốc gia hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài từ ổn định kinh tế, chính trị, tốc độ tăng trưởng cao, bền vững, nhà đầu tư nước ngoài vẫn sẽ quan tâm Việt Nam và vẫn sẽ tiếp tục và tìm kiếm cơ hội vào thị trường Việt Nam.

Cũng có quan điểm cho rằng, dòng tiền nội vẫn đang chiếm ưu thế và cho dù khối ngoại bán ròng thì thị trường vẫn tăng trưởng. Các ông đánh giá như thế nào về quan điểm này?

Ông Louis Nguyễn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Saigon Asset Management (SAM)

Khi mình chơi đá banh, nếu mình tự đá trong nước thì không thể đá World Cup được, mà cần phải đá với đội nước ngoài. Trên thị trường chứng khoán cũng vậy, dòng tiền trong nước dồi dào, nhưng vẫn cần nhà đầu tư nước ngoài xác nhận Việt Nam là nước đang phát triển và thị trường chứng khoán là nơi minh chứng dễ nhất vì có sự quản lý của nhà nước, sự minh bạch các doanh nghiệp, có kiểm toán, có độ ổn định cao… Vì vậy, dù có dòng tiền trong nước vào thị trường là tốt nhưng vẫn cần thêm dòng tiền đầu tư nước ngoài để có sự quốc tế hóa.

Ông Phạm Quang Huy, Giám đốc trung tâm kinh doanh khách hàng cao cấp, CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Việc thu hút dòng vốn ngoại sẽ là yếu tố rất quan trọng, bởi vì khi chúng ta đón nhận được luồng vốn này thì việc triển khai gói kích thích kinh tế sẽ không phải ở mức quá lớn mà nó có sự kiểm soát tốt hơn. Đồng thời, luồng vốn khối ngoại được đẩy tập trung vào doanh nghiệp Việt Nam một cách trực tiếp. 

Chúng ta thấy rất rõ nền kinh tế Việt Nam hiện tại đang cần gói kích cầu nhưng nếu chúng ta chỉ dựa vào nguồn lực của chính mình sẽ mất rất nhiều công sức. Vậy nên việc khơi thông, xử lý nốt các tiêu chí cần cải thiện để thị trường chứng khoán Việt Nam sớm nâng hạng sẽ là phương án tốt để đón nhận thêm nguồn lực mới, bởi khi có nguồn vốn ngoại trần nợ công sẽ được kiểm soát tốt hơn. Ngoài ra thị trường chứng khoán hiện đang ở thời kỳ rất tốt để phát triển làm kênh dẫn vốn hỗ trợ trực tiếp cho Doanh nghiệp, để từ đó doanh nghiệp khôi phục lại tốt hơn, hỗ trợ làm giảm quy mô của gói kích thích trong khi hiệu quả đem đến doanh nghiệp và nhà đầu tư đều rất có triển vọng.

Nếu có thêm gói kích thích kinh tế quy mô lớn hơn, theo các ông thì gói này sẽ phải như thế nào để thúc đẩy tăng trưởng, từ đó hấp dẫn dòng vốn ngoại quay trở lại?

Ông Trần Anh Tuấn, CFA, Giám đốc Trung tâm Phân tích, CTCK Dầu khí (PSI)

Có thể thấy ảnh hưởng của đợt dịch lần thứ 4 vừa qua là rất nặng nề. Nếu như trong giãn cách năm 2020 hoạt động sản xuất chỉ tạm thời đóng cửa, các hoạt động kinh doanh dịch vụ trong nước vẫn phát triển bình thường, nhưng lần này sau khoảng thời gian giãn cách kéo dài thì rất nhiều doanh nghiệp phải tạm thời ngừng kinh doanh với 48.487 doanh nghiệp trong 10 tháng đầu năm 2021. Nhìn từ các quốc gia khác, như chính phủ Mỹ đã thông qua gói kích thích kinh tế khổng lồ nhờ vậy mà kích thích chi tiêu, giúp tạo đà hồi phục cho nền kinh tế Mỹ trong suốt thời gian qua. 

Do đó, để có thể giúp khôi phục nền kinh tế sẽ đòi hỏi Chính phủ sẽ cần đưa ra các gói chính sách, kinh tế kịp thời và đủ lớn để phục hồi kinh tế, trong đó các gói kích thích kinh tế phải bao gồm cả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, biện pháp triển khai thực hiện gắn với tình hình hiện nay.

Ông Phạm Quang Huy, Giám đốc trung tâm kinh doanh khách hàng cao cấp, CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Trong đại dịch Covid 19 vừa qua, các quốc gia đã tung các gói kích thích kinh tế lớn. Ví dụ như Trung Quốc bằng 15% GDP; ở Mỹ bằng 23% GDP; ở Nhật bằng 59% GDP; ở Đức bằng 26% GDP; ở Anh bằng 21,2% GDP; ở Hàn Quốc bằng 15,5% GDP; ở Úc bằng 17,9% GDP. Còn tại Việt Nam, tính đến thời điểm này gói kích thích vẫn đang ở mức chưa đến 2% GDP. 

Vậy gói kích thích ở quy mô như thế nào sẽ là hợp lý? Chúng ta được biết trần nợ công cho giai đoạn 2021 – 2025 đang được khống chế ở mức 60%, trong khi đó nợ công đã ở mức ~55%. Do vậy quy mô vừa đủ theo quan điểm của cá nhân tôi là 5-7% GDP tương đương 13.5 - 19 tỷ USD (~320.000 – 450.000 tỷ VND) là phù hợp. Yếu tố then chốt không phải là gói kích thích phải quá lớn mà cần đảm bảo 3 tiêu chí : đúng đối tượng, kịp thời và vừa đủ.

Ông Louis Nguyễn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Saigon Asset Management (SAM)

Tôi nghĩ là nhà đầu tư nước ngoài sẽ vẫn tiếp tục chờ đợi khi nhà nước tiến hành thêm gói kích thích kinh tế mới. Và khi họ nhìn thấy có những hiệu quả rõ hơn, họ sẽ bước vào rất nhanh. Nhưng trước đó, họ sẽ cần xem lại những gói kích thích kinh tế có đi vào thực tế như giảm lãi suất không?  Bơm tiền vào nền kinh tế thì bơm như thế nào? Hỗ trợ thu nhập cho người dân và các doanh nghiệp ra sao? Thì những sự cụ thể đó, nhà đầu tư nước ngoài sẽ cần nghiên cứu để quyết định để tiếp tục vào thị trường Việt Nam hay không.

Xin cảm ơn các ông.

Châu Cao (ghi)

Talkshow Phố Tài chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên