Ông Mai Tiến Dũng: "Cục trưởng không nên bao biện kiểm tra chuyên ngành"!
Không hài lòng phân trần về kiểm tra chuyên ngành của Cục trưởng ATTP, Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nói thẳng: "Cục trưởng không nên bao biện, phải nhìn thực tế của ngành mình, ở dưới không tốt như thế đâu.."
- 07-08-2017Kiểm tra chuyên ngành ngốn 14.300 tỉ đồng/năm
- 14-10-2016“Sức nặng” kiểm tra chuyên ngành: Bộ, ngành ép doanh nghiệp “gánh”
- 17-08-2016Tổng cục Hải quan: Nhiều mặt hàng kiểm tra chuyên ngành chỉ để đối phó
Sáng nay 21-8, tại buổi kiểm tra của Tổ công tác của Thủ tướng đối với 11 Bộ ngành về tình hình cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng , Tổ trưởng Tổ công tác dẫn ra số liệu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), hiện có khoảng 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành và mỗi năm doanh nghiệp (DN) phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỉ đồng chi phí cho kiểm tra chuyên ngành.
Chưa hết, theo Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng , đang tồn tại tình trạng độc quyền trong đánh giá hàng hoá XNK.
"Có những Bộ chỉ giao cho 1 cơ quan kiểm định, giám định nên từ phía Nam chạy ra, từ miền Bắc, miền núi chạy xuống, từ vùng biển chạy về Hà Nội để gặp 1 đầu mối để kiểm định, giám định. Không thể duy trì mãi kiểu kiểm định như thế này. Đó là hành DN"- ông Dũng phê bình.
Minh hoạ cụ thể cho tình trạng làm khổ DN, ông Mai Tiến Dũng dẫn ví dụ mặt hàng nguyên liệu sô cô la cần 13 loại giấy phép kiểm tra chuyên ngành. Hay mặt hàng sữa chua vừa phải kiểm dịch theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) theo Bộ Y tế . Kén tằm, hạt hướng dương cũng phải 2 Bộ.
"Các Bộ thấy có hợp lý không? Tôi nghĩ DN làm lần đầu chắc mò mẫm đến hết đêm cũng không làm được, như đi lạc vào rừng kiểm tra chuyên ngành" - ông Mai Tiến Dũng bất bình.
Cục trưởng ATTP Nguyễn Thanh Phong
Trước sự phê bình của người đứng đầu VPCP, Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong thanh minh việc phải tách bạch hai vấn đề xác nhận công bố (hay tiếp nhận bản công bố hợp quy) với kiểm tra chuyên ngành.
"Kiểm tra chuyên ngành là sau khi đã có các giấy chứng nhận, nói trắng ra là giấy phép. Nếu không có giấy này thì căn cứ vào đâu để thực hiện việc kiểm tra chuyên ngành? Nếu có quy chuẩn, chúng ta dựa vào bản công bố hợp quy hoặc tiếp nhận bản công bố hợp quy để căn cứ thì liệu các cơ quan kiểm tra chuyên ngành xem các chỉ tiêu trong bản công bố và thực tiễn hàng hóa có phù hợp, chính xác không?"- ông Phong lập luận.
Ông Nguyễn Thanh Phong cho rằng việc xác nhận phù hợp quy định ATTP đối với những sản phẩm chưa có quy chuẩn thì không thể như TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM nói là dựa vào các chỉ tiêu về an toàn được công bố và hiện nay có 5 loại quy chuẩn và toàn bộ các quy định này, Bộ Y tế đã chuyển dịch theo Tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Codex Quốc tế.
"Anh Nguyễn Đình Cung nói Việt Nam quy định không phù hợp với thông lệ quốc tế thì tôi đã có báo cáo rồi, duy nhất Nhật Bản và một số nước phát triển châu Âu, trong ASEAN có Singapore là không có việc tiền kiểm mà chuyển sang hậu kiểm. Còn lại tất cả từ Trung Quốc đến Thái Lan, Philippines trên từng sản phẩm đều có số giấy phép sản xuất trên mã sản phẩm. Nên không thể nói là không phủ hợp với thông lệ quốc tế"- ông Phong phân bua.
Tiếp tục lý giải, ông Nguyễn Thanh Phong nói: "Tôi nói để các đồng chí chia sẻ, cơ quan quản lý nhà nước cực kỳ áp lực. Còn các đồng chí nói đề nghị thay đổi phương thức bằng cách khác phù hợp hơn thì xin các đồng chí đề xuất xem là phương thức nào?"
Trước sự phản ứng của Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộ đề nghị thay giấy xác nhận bằng việc DN gửi thông báo cho Bộ Y tế và công bố trên nhãn hàng, bao bì, tài liệu kèm theo theo đúng định mức. Căn cứ vào cái đó để cơ quan chức năng đi kiểm tra, không cần chờ cấp giấy chứng nhận, xác nhận nữa thì có được không?
Đáp lại, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong nói: "Tôi giải thích luôn là hiện nay Nhật Bản, một số nước châu Âu, trong ASEAN thì có Singapore họ đang làm như vậy. Nhưng ý thức chấp hành pháp luật của DN họ rất tốt và nguồn lực phục vụ hậu kiểm rất mạnh. Nếu như ở Việt Nam, tôi nói hoàn toàn không bao biện là Việt Nam chưa làm được như thế".
Song ông Nguyễn Thanh Phong thừa nhận 5 năm qua DN phàn nàn về thủ tục đối với hàng hoá là chính xác.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng không hài lòng về lập luận của Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong
Trước sự "tự bảo vệ" của Cục trưởng ATTP Nguyễn Thanh Phong, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nói thẳng: "Thực tế không tốt đến mức như thế đâu, Cục trưởng à. Cũng không nên bao biện quá. Mình phải nhìn thực tế của ngành mình. Anh ở trên nói thế thôi chứ ở dưới không tốt như thế đâu".
Ông Mai Tiến Dũng nêu ví dụ Chi Cục ATTP của các Sở y tế muốn lấy mẫu bún xét nghiệm nhưng không có labo (phòng xét nghiệm) phải mang lên Hà Nội kiểm tra hết.
"Nếu tốt như thế thì DN chẳng phải kêu lên tận Chính phủ. Minh không đặt vấn đề mở cửa, thả cửa không kiểm soát cho dịch bệnh, cho thực phẩm mất an toàn vào nhưng phải quyết tâm ngăn chặn việc kiểm tra chồng chéo, rồi kiểm tra thì nhiều nhưng phát hiện vi phạm thì lại không thấy. Anh nói anh làm nhiều, thì anh phát hiện ra bao nhiêu phần trăm vi phạm? Anh công bố cho báo chí đi. Tôi nói quan trọng nhất là mình rà soát lại để xem cái gì cắt bỏ được thì cắt cho DN bớt khổ, cái gì chưa cắt, chưa sửa được ngay thì trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định"- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng góp ý.
Người lao động