Ông Nguyễn Đức Kiên: Định giá hãng phim truyện Việt Nam 0 đồng là đúng!
Thảo luận tại Quốc hội về Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) sáng 27/10, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã lấy ví dụ về câu chuyện cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam làm bài học cho việc cạnh tranh.
- 12-10-2017Hãng phim truyện lùm xùm, Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở về cổ phần hoá
- 05-10-2017Đất vàng Hãng phim truyện: Sở TNMT kiến nghị thu hồi đất cho thuê sai mục đích
- 04-10-201714.000 m2 đất vàng Hãng Phim truyện: DN đề nghị được thuê 50 năm
-
Trước mắt là cứu doanh nghiệp đã. Cứu được doanh nghiệp là đảm bảo được ổn định kinh tế
-
Hai năm tới Đà Nẵng sẽ bị âm nguồn thu
Theo quan điểm của ông Nguyễn Đức Kiên, việc định giá Hãng Phim truyện Việt Nam với giá 0 đồng là hoàn toàn có lý nếu xét đến các văn bản hiện hành.
“Nếu xét về phía các văn bản quy phạm pháp quy hiện hành có hiệu lực, việc định giá 0 đồng này là đúng bởi vì bao năm liên tiếp Hãng Phim truyện Việt Nam đang lỗ, âm vốn, khả năng phục hồi cũng chưa thấy đâu, thì tính giá trị thương hiệu của nó (Hãng Phim truyện Việt Nam - PV) bằng 0 đồng”.
Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, cần nghiên cứu kỹ lại tại sao giá của nó lại thấp thế, tại sao Hãng Phim truyện Việt Nam không sản xuất được phim. Bởi vì bên cạnh nhân sự và bộ máy tổ chức của Hãng, một trong những yếu tố cạnh tranh là đối tác Hàn Quốc là tập đoàn CJ-CGV (Hàn Quốc) đã mua Công ty sản xuất phim Phương Nam của Việt Nam và họ có 80% vốn tại đó từ năm 2005, thời điểm trước cam kết WTO mà Việt Nam gia nhập vào năm 2007.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên.
CJ-CGV đã chiếm 80% vốn của công ty Phương Nam và họ chi hoạt động trong khâu chiếu phim. Thế nhưng đến bây giờ họ có giấy phép phát hành phim và sản xuất phim, nên đã “chèn” phim nội ở khâu rạp chiếu phim.
“Bây giờ 60% số rạp chiếu phim ở Việt Nam do công ty CGV này quản lý và lợi nhuận họ thu được khoảng 70%, còn lại 30% là của Trung tâm Chiếu phim Việt Nam và các hãng phim khác, như vậy nó tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh về mặt thị trường. Chính vì thế mới có sự chèn ép khiến cho phim Việt không thể lên được. Một bộ phim của họ đầu tư vài chục triệu USD, còn của mình thì như phim Hà Nội mùa đông năm 1946 cũng chỉ đầu tư chưa đến 2 triệu USD cũng đã là lớn lắm rồi”, ông Nguyễn Đức Kiên nói.
Trong phương án về một cơ quan quản lý cạnh tranh, ông Nguyễn Đức Kiên cho biết, thực tế đa phần trong Thường trực Ủy ban Kinh tế muốn có một cơ quan độc lập, nhưng lại bị vướng bởi nghị quyết của Bộ Chính trị về không thành lập bộ máy mới.
Dự kiến sau lần thảo luận này, nếu các Đại biểu Quốc hội đồng ý trên cơ sở số lượng người như thế của các tổ chức hiện đang làm về công tác cạnh tranh sẽ gom lại để hoạt động hiệu quả hơn, Đảng – Đoàn Quốc hội sẽ xin ý kiến Bộ Chính trị về vấn đề này và giao phối hợp cùng Chính phủ để thực hiện.
Ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng thực tế nhiều khi đứng về mặt nghiên cứu và lý thuyết thì thấy đúng, nhưng lại bị vướng bởi Nghị quyết của Bộ Chính trị nên đề nghị báo cáo lại theo hướng thành lập bộ máy mới nhưng không tăng biên chế.
Infonet