MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Nguyễn Hồng Điệp: “VnIndex có thể đạt 750 – 780 điểm trong nửa đầu năm 2017”

Ông Nguyễn Hồng Điệp dự báo sau khi rút ròng khoảng 6.000 tỷ đồng trong năm 2016, dòng vốn khối ngoại sẽ trở lại với TTCK Việt Nam trong năm 2017.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang đi đến những chặng cuối cùng trước khi khép lại năm 2016 đầy biến động. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Điệp – Giám đốc khối môi giới kiêm Giám đốc chi nhánh TP.HCM CTCK VnDirect về những diễn biến đáng chú ý của TTCK trong năm vừa qua và những dự báo về xu hướng đầu tư trong năm tới.

Năm 2016 với điểm nhấn hàng loạt “đại gia” lên sàn

Theo ông Nguyễn Hồng Điệp, nếu nhìn vào các con số thống kê và giả định chỉ số VnIndex kết thúc năm 2016 ở 650-660 điểm thì mức tăng đã lên tới 15%, một con số khá ấn tượng. Cổ phiếu của nhiều nhóm ngành đã có sự tăng trưởng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với năm ngoái.

Không chỉ tăng mạnh về điểm số mà thanh khoản thị trường cũng có sự cải thiện tích cực. Nếu như vào đầu năm 2016, thanh khoản trung bình tại sàn HoSE chỉ đạt khoảng 1.500 tỷ đồng/phiên thì đến cuối năm, con số này lên tới 2.200 tỷ đồng/phiên, tương ứng mức tăng 45%.


Biến động chỉ số VnIndex từ đầu năm tới nay

Biến động chỉ số VnIndex từ đầu năm tới nay

Có thể nói, điểm nhấn quan trọng nhất của TTCK trong năm vừa qua đến vào cuối năm. Với những ai đã từng trải qua giai đoạn thị trường cuối năm 2006, đầu năm 2007 sẽ còn nhớ trào lưu lên sàn ồ ạt của các doanh nghiệp. Chính sự thay máu mạnh mẽ khi nhà đầu tư quá nhàm chán với REE, SAM… đã thu hút một lượng lớn nhà đầu tư mới tham gia và dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường.

Đến nay, sau 10 năm, thị trường tiếp tục đón nhân một loạt các tên tuổi lớn đã và sắp chào sàn như Sabeco, Habeco, ACV, Vietnam Airlines, Novaland, Petrolimex, Đường Quảng Ngãi, Masan Consumer, Vinatex, Vietjet air… Đây rõ ràng là sự bổ sung tuyệt vời cho thị trường cả về chất lượng hàng hóa cũng như lớp nhà đầu tư mới.

Xu hướng thị trường hiện nay là dòng tiền đang “rời bỏ” khỏi những mã đầu cơ. Những câu chuyện “quay tay” hàng triệu đơn vị đã không còn hấp dẫn với nhà đầu tư. Bất chấp nhiều chiêu thức đã được áp dụng nhưng dòng tiền đang hướng đến những mã cơ bản tốt.

Một điều quan trọng nữa là với quy mô niêm yết rất lớn, nhiều mã cổ phiếu mới sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến tỷ trọng danh mục Index, qua đó giúp giảm bớt tác động của một vài mã riêng biệt tới thị trường chung. Tiêu biểu như Sabeco sau khi niêm yết đã nằm trong top 5 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường.

Dòng tiền khối ngoại sẽ trở lại trong năm 2017?

Về yếu tố dòng tiền, ông Nguyễn Hồng Điệp ước tính khối ngoại rút ròng khoảng 6.000 tỷ đồng trong năm 2016. Tuy vậy, ông Điệp cho rằng mọi thứ sẽ trở nên tích cực hơn trong thơi gian tới khi nhiều doanh nghiệp lớn chào sàn và trở thành điểm đến của dòng tiền ngoại.

Với chính sách thay đổi về room, việc quay trở lại của dòng tiền ngoại trong năm 2017 là khả quan. Ngoài ra, với mức tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 17% trong năm 2016, năm 2017 cũng hứa hẹn một con số tương tự. Như vậy, một lượng tiền không nhỏ sẽ lựa chọn kênh chứng khoán khi các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại tệ, bất động sản, đang có dấu hiệu chững lại.

Ông Điệp cũng cho rằng dù quy mô thị trường hiện đã tăng lên nhưng TTCK mới chỉ đạt khoảng 41% GDP, còn khá thấp so với mục tiêu 70% của Chính phủ. Bên cạnh đó, việc áp dụng một loạt các sản phẩm mới như Chứng khoán phái sinh, Convered Warrant (chứng quyền bảo đảm)… cũng được kỳ vọng giúp thanh khoản được cải thiện và mang lại sự lựa chọn hấp dẫn hơn cho nhà đầu tư.

Với những phân tích trên, và giả định VnIndex kết thúc năm 2016 ở mức 660 điểm, ông Điệp đưa ra 3 kịch bản cho TTCK Việt Nam năm 2017. Trong cả 3 kịch bản được nêu ra, quy mô giao dịch đều có sự tăng trưởng với giá trị giao dịch hàng ngày quanh ngưỡng 3.000 tỷ đồng.

Theo đó, với kịch bản 1 thì chỉ số VnIndex sẽ tăng lên vùng 720 – 750 điểm ngay trong quý 1. Sau đó, thị trường sẽ duy trì sự ổn định, dao động từ 680 – 720 điểm và kết thúc năm ở vùng 750 điểm. Xác suất kịch bản này xảy ra là 40%.

Trong khi đó, kịch bản thứ 2 được đưa ra có phần “dữ dội” hơn kịch bản thứ 1 khi sau thời điểm Tết âm lịch, TTCK sẽ bứt phá mạnh mẽ và chỉ số VnIndex có thể đạt mức 780 điểm trong nửa đầu năm 2017. Sau đó, thị trường sẽ có sự điều chỉnh về vùng 700 điểm và kết thúc năm ở vùng 720 – 750 điểm. Xác suất xảy ra kịch bản này là 40%.

Với kịch bản thứ 3 được đánh giá kém lạc quan nhất, ông Điệp cho ràng chỉ số VnIndex có thể giằng co quanh vùng 650 – 700 điểm trong thời gian dài. Dòng vốn khối ngoại yếu, không đủ sức dẫn dắt và nâng đỡ thị trường. Kết thúc năm, chỉ số VnIndex lùi về mốc 650 điểm và xác suất xảy ra kịch bản này chỉ là 20%.

Hoàng Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên