Ông Nguyễn Hồng Điệp: Vụ Thủ Thiêm 'càng để lâu càng khó giải quyết'
Trò chuyện với PV Tiền Phong xoay quanh vụ Thủ Thiêm đang được dư luận đặc biệt quan tâm, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương cho rằng, điều quan trọng nhất trong giải quyết vụ việc này là phải có được sự đồng thuận, giúp đỡ của người dân. Muốn vậy, chính quyền phải thực tâm, không thể lòng vòng được nữa. Ông cũng cho rằng vụ việc càng để lâu càng khó giải quyết.
- 04-07-2019Chủ tịch UBND TP.HCM cam kết thực hiện nghiêm kết luận Thủ Thiêm
- 01-07-2019Những ai gây ra vi phạm nghiêm trọng trong vụ Thủ Thiêm?
- 28-06-2019TP.HCM phải hoàn trả 26.300 tỷ vì sai phạm ở Thủ Thiêm, ĐBQH nói "tiền sẽ lấy từ Ngân sách TP?"
Sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận Thủ Thiêm, nhiều người dân vẫn bức xúc. Là người nhiều năm tiếp xúc với các đoàn khiếu kiện liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm, cá nhân ông ý kiến gì về việc này?
Như chúng ta biết, ngày 26/6, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra và tôi rất chia sẻ với những bức xúc của người dân. Họ đã mất nhiều công sức, tiền của đi khiếu nại trong nhiều năm nay. Cũng chưa một dự án nào lại được Thanh tra Chính phủ kết luận, chỉ ra những sai phạm kinh tế lớn như khu đô thị mới Thủ Thiêm… Nhưng đến bây giờ, quyền lợi của người dân vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Chính vì vậy, người dân bức xúc, chưa hài lòng cũng là đúng thôi.
Cũng cần phải phân biệt, giữa “kết quả kiểm tra” được công bố năm 2018 với “kết luận thanh tra” vừa được công bố hôm 26/6 vừa qua là hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, có thể nói việc triển khai thực hiện kết quả kiểm tra, theo thông báo 1483 (công bố ngày 7/9/2018) là rất chậm. Đến bây giờ, bản thân người dân cũng thắc mắc, căn cứ nào để xác định phần diện tích 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch? Những hộ nào nằm trong, những hộ nào nằm ngoài ranh quy hoạch?
Người dân chưa biết và chính quyền cũng chưa công bố. Rồi việc đền bù cho họ cũng như việc giải quyết các trường hợp ngoài ranh thế nào cũng chưa rõ. Tất cả đều chưa có phương án cụ thể, nên họ bức xúc, tiếp tục khiếu kiện. Trong các buổi tiếp xúc, thành phố đưa ra nhiều mốc thời gian, nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa thực hiện được, nên càng gây bức xúc trong nhân dân.
Theo ông, nguyên nhân gây chậm trễ trong xử lý, giải quyết các quyền lợi chính đáng của người dân là gì?
Có thể nói, bản thân lãnh đạo thành phố, và các cơ quan chức năng đều mong muốn giải quyết sớm quyền lợi cho người dân. Nhưng họ lại không lường hết được khối lượng công việc lớn như vậy, cũng không lường hết được các nội dung sẽ phát sinh trong quá trình thực hiện. Nên khi đưa ra các mốc xử lý, người dân kỳ vọng, chờ đợi, nhưng sau đó lại chưa thực hiện được, nên họ càng thêm thất vọng.
Tất nhiên nguyên nhân ở đây có cả sự chậm trễ, đùn đẩy trách nhiệm, nhưng điều quan trọng là không tính được hết các nội dung phải thực hiện. Ví dụ thực hiện kết quả thanh tra năm 2018 thì ranh quy hoạch ở đâu? Bao nhiêu tiền trả cho họ, trả bằng tiền hay bằng đất? Rồi các hộ phát sinh, trước đã bàn giao đất thì đền bù thiệt hại vật chất và tinh thần như thế nào?
Ngay kể cả phương án mà thành phố đã xây dựng rồi, nhưng để thực hiện còn phải thông qua thường trực thành ủy, HĐND, chứ đâu phải chốt ngay được. Có rất nhiều việc phát sinh không lường hết được. Song lỗi ở đây cũng tại chính quyền, đã đưa ra lộ trình giải quyết như vậy, khi không thực hiện được lại không giải thích tường tận cho người dân hiểu.
Nhiều người cho rằng, nếu cơ quan thanh tra vào cuộc, kết luận sớm hơn, có lẽ hậu quả trong vụ Thủ Thiêm đã chẳng lớn như bây giờ?
Giá như cách đây chục năm, các cuộc tiếp xúc của chính quyền thành phố, của các đoàn ĐBQH với người dân được thực hiện thường xuyên và dày đặc như 3 năm gần đây; giá như chính quyền thường xuyên đối thoại, lắng nghe ý kiến người dân, tiến hành thanh kiểm tra từ hàng chục năm trước, thì hệ quả của nó sẽ không lớn như bây giờ. Cũng không có các vụ khiếu nại, tố cáo kéo dài, tốn kém tiền bạc, công sức của người dân và không để mất cán bộ lớn như bây giờ.
Nhưng cá nhân tôi cho rằng, ngoài thiệt hại vật chất, tinh thần của người dân và sự mất mát về cán bộ, thì quan trọng nhất là sự mất lòng tin của người dân với chính quyền. Cái mất này lớn hơn rất nhiều và rất khó bù đắp được. Sự việc kéo dài, làm mất niềm tin của người dân vào chính quyền, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở. Họ không còn tin nữa và buộc phải ra trung ương nhiều lần, trong nhiều năm.
Ngoài lỗi thuộc về khách quan, cũng phải khẳng định lỗi chủ quan của chính quyền, làm việc không thật tâm, không mang tính phục vụ người dân. Cứ phát triển kinh tế nóng mà không quan tâm đúng mực đến quyền lợi, đến đời sống của dân sau khi bị thu hồi đất; không quan tâm hết đến tâm tư, tình cảm của họ, nên không nhận được sự đồng thuận cao, rồi dần dần dẫn đến giảm sút niềm tin.
Phải giải quyết dứt điểm cho dân
Điều người dân mong chờ nhất hiện nay là gì, thưa ông?
Hai khiếu nại quan trọng nhất mà người dân quan tâm, khiếu nại là không chỉ 4,3 ha, mà 5 khu phố thuộc 3 phường An Khánh, Bình An và Bình Khánh (quận 2) cũng nằm ngoài ranh quy hoạch; và khu đất tái định cư 160 ha. Họ đặt câu hỏi, nếu khu 160 ha này đã giao cho doanh nghiệp phát triển kinh tế rồi, vậy thì khu tái định cư của người dân ở đâu? Rồi nhiều nội dung khác, người dân cũng bức xúc, cho rằng quá thiệt thòi, không thỏa đáng.
Đến bây giờ, kể cả trong kết luận thanh tra vừa ban hành và kết quả kiểm tra trước đó đã khẳng định việc này. Kết luận thanh tra không nói việc giải quyết quyền lợi cụ thể cho người dân, nhưng lại gián tiếp nói đến điều này. Vì kết luận thanh tra đã chỉ rõ những sai phạm về kinh tế khi thực hiện dự án này, như vậy là quyền lợi của người dân đã bị xâm phạm, mặt khác quyền lợi của nhà nước cũng bị ảnh hưởng.
Vậy quan điểm của ông trong sự việc giải quyết vụ việc này như thế nào?
Quan điểm của tôi là phải giải quyết sớm vụ việc cho người dân, càng giải quyết sớm càng tốt. Bây giờ, đa số người dân chỉ mong muốn quyền lợi, cuộc sống của họ được đảm bảo, phải đúng, đủ và phải thực sự cầu thị. Giải quyết chậm quyền lợi cho người dân ngày nào là có tội với người dân ngày đấy.
Đã bao nhiêu năm ròng họ ra Hà Nội, chẳng quản nắng mưa, ăn uống kham khổ, thấy mà rơi nước mắt. Họ nghèo khổ, không có tiền đi khiếu nại, phải vay mượn, thậm chí cắm nhà lấy tiền chi tiêu. Có những người già ốm đau bệnh tật, thậm chí có người đã mất. Ngay cả những cán bộ đã nhiều năm tuổi đảng, nhiều năm cống hiến trong lực lượng vũ trang, trong lực lượng quân đội, họ không nghĩ đến việc phải đi khiếu kiện như ngày hôm nay.
Vậy chính quyền thành phố và các bộ ngành cần phải có những giải pháp, kế hoạch gì để có thể giải quyết được vụ việc ngay trong tháng 7, như đã cam kết với người dân?
Với tôi, điều quan trọng nhất là phải có được sự giúp đỡ, đồng thuận của người dân. Nếu đa số người dân không ủng hộ thì kiểu gì kết quả đạt được sẽ thấp. Nếu muốn như vậy, trước tiên chính quyền phải thực tâm, không thể lòng vòng được nữa. Không thể thành phố giao cho sở, rồi sở giao cho quận được, mà lãnh đạo thành phố phải chủ trì, các cơ quan tham gia và tăng cường tiếp xúc với người dân.
Trong tháng 7 này, phải giải quyết dứt điểm, có hay không việc 5 khu phố thuộc 3 phường nằm ngoài ranh quy hoạch? Nếu 5 khu phố này và 4,3 ha kia nằm trong quy hoạch thì theo văn bản nào, theo bản đồ nào? Nếu ngoài ranh quy hoạch thì phải giải quyết quyền lợi cho họ thế nào? Trả bằng đất hay nhà, hay trả bằng tiền cho họ? Đặc biệt phải công bố cụ thể, xem mỗi hộ dân có bao nhiêu mét đất ở, bao nhiêu mét đất vườn, được đền bù bao nhiêu tiền, được tái định cư ở đâu và được bao nhiêu mét?
Đã hứa sẽ giải quyết trong tháng 7 này, thì phải giải quyết dứt điểm cho người dân. Còn nếu không kịp thì phải giải thích rõ với dân, rồi báo cáo các cấp có thẩm quyền để bảo cáo với Thủ tướng.
Thủ tướng đã giao rồi, UBND TP phải chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các bộ liên quan làm rõ việc khiếu nại của người dân. Nếu vụ việc được giải quyết cơ bản ổn thỏa, chắc chắn sẽ lấy lại được niềm tin của người dân với chính quyền. Và chúng tôi cũng bớt đi một vụ việc bức xúc kéo dài, đông người, bớt đi được một vụ việc mà lâu nay vẫn trăn trở, canh cánh trong lòng.
Cảm ơn ông.
Tiền Phong