Ông Nguyễn Thanh Long mắc nhiều bệnh hiểm nghèo, phải dùng máy thở trong trại tạm giam
Theo luật sư, trước dịch bệnh, ông Nguyễn Thanh Long là người có sức khỏe, tràn đầy sinh lực và nhiệt huyết. Sau khi dịch bệnh qua đi, ông mắc nhiều bệnh hiểm nghèo, mắt trái hầu như mất hẳn thị lực do chứng bệnh bong đáy võng mạc không được chữa trị kịp thời do sang chấn tâm lý và nhiều đêm mất ngủ.
- 09-01-2024Xét xử sơ thẩm đại án Việt Á: Ba cựu ủy viên Trung ương bị đề nghị mức án nào?
- 08-01-2024Luật sư: Cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long mất thị lực một mắt, lao lực khi chống dịch
Cựu Bộ trưởng Y tế từ chối tự bào chữa
Ngày 9/1, các luật sư tiếp tục phần bào chữa cho 38 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á , Bộ Y tế, Bộ KH&CN, CCD các tỉnh, thành phố.
Trước đó, sau khi nghe Viện kiểm sát nêu quan điểm luận tội và đề nghị mức án từ 19 – 20 năm tù về tội “Nhận hối lộ", cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long từ chối tự bào chữa, ông dành phần cho các luật sư làm việc.
Tham gia bào chữa, luật sư của ông Long bày tỏ đồng tình với ý kiến của Viện Kiểm sát đề nghị cho thân chủ của mình được hưởng một số tình tiết giảm nhẹ.
Ngoài ra, luật sư cũng mong HĐXX và Viện kiểm sát cân nhắc, xem xét tới 3 vấn đề khắc để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.
Vấn đề thứ nhất, việc ông Long và các đồng phạm làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế làm sai đều nằm trong bối cảnh đặc thù, đòi hỏi phải có cách xử lý chưa từng có tiền lệ.
Theo luật sư, khi nhận nhiệm vụ Thứ trưởng, ông Long được phân công làm công tác truyền thông, không được phân công nhiệm vụ liên quan đến cấp phép test xét nghiệm. Do đó, tại thời điểm sự kiện cấp phép tạm thời diễn ra, bị cáo không hề tiếp cận hồ sơ, không nắm được quy trình, bản thân bị cáo tiếp cận sự kiện “cấp phép tạm thời” dưới khía cạnh nhiệm vụ được phân công, tức là truyền thông.
Đây chính là lý do trong Hội nghị diễn tập toàn quân sáng 4/3/2020, cùng ngày test xét nghiệm của Việt Á được cấp tạm thời.
Khi được nhờ "tác động" tới Hội đồng để đẩy nhanh quá trình cấp số đăng ký lưu hành, bị cáo Nguyễn Thanh Long đã từ chối vì không có chuyên môn trong lĩnh vực này.
Hai là, căn cứ bối cảnh, thời gian nhận tiền, có cơ sở nhận định rằng bị cáo Nguyễn Thanh Long không có hành vi "đòi hỏi, gợi ý, yêu cầu".
Thứ ba, cần đánh giá đầy đủ về nhân thân, những cống hiến của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế trong suốt quá trình công tác, đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi xem xét trách nhiệm hình sự.
Theo luật sư, trước dịch bệnh, ông Long là người có sức khỏe, tràn đầy nhiệt huyết, sau khi dịch bệnh qua đi, gia đình ông nhận lại một bị cáo Long mắc nhiều bệnh hiểm nghèo. Mắt trái của ông hầu như mất hẳn thị lực do chứng bệnh bong đáy võng mạc không được chữa trị kịp thời do sang chấn tâm lý và nhiều đêm mất ngủ.
“Ông Nguyễn Thanh Long có thể đột tử bất cứ lúc nào vì những rối loạn chứng ngưng thở khi ngủ. Trong trại tạm giam, bị cáo cũng phải dùng máy thở”, luật sư nói.
Từ khi tham gia bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Long, luật sư cho hay, đã nhận nhiều văn bản của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế và đơn của hơn 140 đồng nghiệp (trong đó có nhiều Giáo sư, Tiến sĩ) xin giảm án cho ông Long.
Luật sư đề nghị tuyên án ông Chu Ngọc Anh bằng thời hạn tạm giam
Cũng tại phần bào chữa, luật sư của bị cáo Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN) cho rằng thân chủ của mình đã thừa nhận hành vi phạm tội, chỉ mong HĐXX xem xét bối cảnh khách quan, đánh giá toàn diện vụ án.
Theo luật sư, việc thân ông Ngọc Anh quyết định phê duyệt đề tài, giao cho Học viện Quân y chủ trì, Công ty Việt Á, thực hiện là trái quy định của pháp luật.
Trích dẫn Luật Khoa học công nghệ, luật sư cho hay về đề xuất nhiệm vụ thì có hai dạng, gồm: Cơ quan, tổ chức, cá nhân tự đề xuất và Bộ trưởng chủ động hoặc theo yêu cầu của Chính phủ đề xuất đặt hàng.
Từ trích dẫn nêu trên, luật sư đánh giá việc ký các quyết định của ông Chu Ngọc Anh là trong "bối cảnh cấp bách". Với tư cách là người đứng đầu Bộ KH&CN, nên phải hành động.
Trong khi quá trình triển khai Bộ KH&CN và Học viện Quân y ký hợp đồng thực hiện, Công ty Việt Á tham gia là theo đề nghị của Học viện Quân y. Do đó, luật sư đề nghị HĐXX xem xét lại việc thân chủ của mình bị quy kết có “hành vi trái với quy định của Luật Khoa học công nghệ.
Liên quan đến đưa kit xét nghiệm sản xuất thương mại, luật sư phân tích đề tài này dừng ở mức nghiên cứu quy trình, Bộ KH&CN không chịu trách nhiệm bởi đây là nội dung nằm ngoài phạm vi đề tài.
Theo luật sư, vấn đề sản xuất thương mại là trách nhiệm của Bộ Y tế. Đề tài vẫn thuộc phạm vi quản lý của Học viện Quân y nên trách nhiệm chính là Học viện Quân y.
Bên cạnh đó, luật cũng băn khoăn kit test Công ty Việt Á sản xuất là "sản phẩm của đề tài nghiên cứu Học viện Quân y hay của Công ty Việt Á" bởi việc nghiên cứu còn phải mã hóa, giữ bí mật với nhau.
Cuối phần bào chữa, Luật sư của ông Chu Ngọc Anh cho rằng thân chủ của mình có sai, đã nhận trách nhiệm nên đề nghị HĐXX xem xét cho hưởng mức án phù hợp, tuyên bằng thời hạn tạm giam.
Trước đó, nêu quan điểm luận tội, Viện kiểm sát đề nghị tòa tuyên ông Chu Ngọc Anh mức án 3 – 4 năm tù về “Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”.
Viện kiểm sát nhận xét, hành vi của ông Chu Ngọc Anh đã làm cho sản phẩm của Nhà nước bị chiếm dụng; tạo điều kiện cho Phan Quốc Việt và Công ty Việt Á biến kết quả nghiên cứu của Nhà nước thành sản phẩm của Việt Á, sau đó đăng ký lưu hành, sản xuất thương mại.
Tiền Phong