MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Nguyễn Thành Nam: Tôi tự hào vì từng đi lạc lối

27-11-2017 - 13:34 PM | Doanh nghiệp

Đồng sáng lập FPT và Đại học Funix cho rằng người ta chỉ lạc lối khi cứng nhắc vào một mục tiêu và đôi khi, chính sự lạc lối lại đem về đột phá sáng tạo.

Tại “Hội nghị đầu tư 2017: Đột phá tư duy kinh doanh” vừa diễn ra tại TP HCM, ông Nguyễn Thành Nam - Đồng sáng lập Tập đoàn FPT & Đại học Funix - đã nêu quan điểm về tư duy đột phá công nghệ và câu chuyện về đại học trực tuyến đầu tiên ở Việt Nam.

Theo ông Nam,người Á Đông thường mắc phải mâu thuẫn: Nghĩ lạc lối là một điều xấu nhưng lại thích sự đột phá. Vị này cho rằng kỳ thực lạc lối không xấu. Người ta chỉ đi lạc khi đặt ra trước mục tiêu. Nếu không cứng nhắc vào một mục tiêu thì không bao giờ lạc lối được.

Trên con đường mình đi, ông Nam thừa nhận đã có lúc lạc lối nhưng lại rất tự hào bởi điều đó.


Ông Nguyễn Thành Nam

Ông Nguyễn Thành Nam

Lúc mới trở về từ nước ngoài, ông cùng một nhóm 6 người đặt ra mơ ước biến FPT trở thành Microsoft. Nhóm đã đọc tất cả các loại sách của Bill Gates và nghiên cứu về hệ điều hành. Cứ tìm tòi, nghiên cứu như vậy qua 10 năm, ông Nam thừa nhận đó là 10 năm FPT lạc lối, khi những người sáng lập lúc đó đặt ra mục tiêu mà không biết đường để đến đích. Mặc dù vẫn kiếm ra lợi nhuận để tồn tại nhưng ước mơ bán một phần mềm hàng triệu người dùng và làm chủ tất cả các máy tính thì càng ngày càng xa.

Câu hỏi đặt ra lúc bấy giờ là 10 năm không lớn thì làm thế nào để có đột phá?

Ông cho rằng câu trả lời chính là tư duy.Thay vì đi hướng đông hãy đi sang hướng tây. Tức là ban đầu, khi muốn tìm hiểu tất cả về phần mềm, công nghệ thì thay vì đến Mỹ - quê hương của tất cả công nghệ - nên chuyển hướng đến Ấn Độ. Tại đây, đội ngũ FPT đã thấy một cách tiếp cận khác, phù hợp với mình và quan trọng là gần gũi, học hỏi được, làm theo được.

Điều quan trọng hơn nữa là khi lạc lối phải hỏi đường và phải tìm được đúng người biết đường. FPT may mắn gặp Chủ tịch một công ty công nghệ có doanh thu 10 tỷ USD, lợi nhuận chiếm 27%. Người này đã đưa ra một câu nói mà ông Nam nhớ mãi: “Công ty của ông không phải là công ty công nghệ mà là công ty quản lý con người công nghệ. Tài sản của công ty cứ đến tối là đi về nhà hết”.

Quan điểm này đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của ông Nam: Doanh nghiệp cần chú ý đến con người thay vì chú trọng sáng tạo, chế tạo ra sản phẩm. Do vậy, bản chất công ty công nghệ là quản lý con người làm công nghệ. Trong suốt 10 năm xây dựng Công ty phần mềm FPT sau đó, ông cũng luôn học hỏi không ngừng.

“Lời khuyên là khi đi lạc phải tìm được người để hỏi và hỏi cụ thể”, ông Nam nói. Trong cả chặng đường sau này khi phát triển FPT, đối mặt với câu chuyện tăng trưởng và biên lợi nhuận giảm dần, ông đều tìm đến vị Chủ tịch nọ để học hỏi, xin lời khuyên.

Sau FPT, ông muốn quay lại câu chuyện về con người và muốn làm cái gì đó liên quan đến trường đại học. Do vậy, ông đã đi hầu hết đại học ở các nước, cả phát triển và đang phát triển, qua đó phát hiện ra rằng các trường này đi theo khuôn mẫu là khuôn viên đẹp, tòa nhà cổ kính. Nhưng sinh viên không thực sự dùng khuôn viên ấy, điều đó thực sự rất tốn kém. Từ đó, ông nghĩ đến một xu hướng là xây dựng trường đại học trực tuyến.

Theo ông, khi đi làm lạc lối có người để hỏi thì đi học cũng vậy, khi tự nghiên cứu mà không biết thì có thể hỏi. Tại Đại học Funix, sinh viên có thể hỏi bất cứ lúc nào với các mentor – là những người không dạy nhưng khi sinh viên đặt câu hỏi thì phải trả lời. Các mentor không phải trả lời đúng hay sai, "không biết" cũng được tính là câu trả lời...

Tương tự như khi phát triển FPT, để xây dựng nên trường Đại học Funix, ông Nam cũng đã tìm hiểu một trường học rất đặc biệt ở Pháp, nơi có 3.000 sinh viên nhưng chỉ có 10 nhân viên với 5 người dọn vệ sinh, 5 nhân viên thu tiền và không hề có bóng dáng người thầy. Trường cũng không có giảng đường, không có giáo viên, giáo trình, không có cán bộ phục vụ nhưng tất cả các sinh viên khi ra trường đều có công ty lớn nhận trước.

Ông bắt đầu xác định đó là mô hình cần học hỏi. Cần phải rèn cho sinh viên quan điểm tự học và để tự học được phải biết đặt câu hỏi.

Kết lại, ông Nam cho rằng công nghệ đang mở ra cơ hội rất lớn trong tất cả các lĩnh vực, từ giao thông, giáo dục, nông nghiệp. Công nghệ làm thay đổi mọi mô hình kinh doanh và hoàn toàn phù hợp thời đại mới. Nhưng để tận dụng công nghệ phải học kỹ năng, khi lạc lối cần biết hỏi và hỏi được đúng người...

Theo Ngọc Điểm

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên