Ông Nguyễn Thiện Nhân kêu gọi cử tri đi bầu cử
Trước đông đảo phóng viên báo giới sáng 17-5, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân kêu gọi cử tri không vì những bức xúc mà từ bỏ quyền bầu cử.
- 14-05-2016Bầu cử - Cơ hội nâng cao chất lượng HĐND
- 12-05-2016Những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử
- 01-05-2016Bầu cử ĐBQH khóa XIV: Cử tri là nhân tố quyết định cuối cùng
- 25-04-2016Vận động bầu cử thế nào cho đúng luật?
Không nên vì bức xúc mà từ bỏ quyền bầu cử
“Chúng ta biết rằng trong cuộc sống của mỗi người, ai cũng quan tâm đến cuộc sống của gia đình mình, quê hương mình, đất nước mình. Nếu có những sự kiện ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân mà chúng ta không quan tâm, không thấy bức xúc thì đó là không bình thường” - ông Nhân nói.
Người đứng đầu Mặt trận cho rằng “chúng ta lo lắng cho nhân dân ở những nơi khó khăn do thiên tai hoặc do bệnh dịch thì đó là điều hết sức chính đáng. Tuy nhiên, cuộc bầu cử năm năm mới diễn ra một lần. Bầu cử là quyền của công dân được chọn người thay mặt mình tham gia lãnh đạo Nhà nước mà cao nhất là Quốc hội và ở địa phương là HĐND các cấp”.
“Tôi nghĩ rằng có thể chúng ta có những tình cảm khác nhau trước những sự kiện, nhất là khi có những người họ thuyết minh những sự việc đó theo quan điểm riêng, làm cho bà con có thể bức xúc. Tuy nhiên, chúng ta không nên vì bức xúc trước một việc trong thời điểm hiện nay mà lại từ bỏ quyền và trách nhiệm rất thiêng liêng của mình là chọn lãnh đạo của đất nước, của địa phương trong 5 năm tới”.
Ông Nhân nhấn mạnh: “Chúng tôi khẳng định sẽ nỗ lực đảm bảo cho cuộc sống của bà con ngư dân được tốt hơn trong điều kiện hiện nay. Đảng, Nhà nước các cấp, và trong đó có Mặt trận đã và sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp để ngư dân khó khăn sẽ không bao giờ đơn độc”.
Đông đảo báo chí có mặt tại trụ sở Ủy ban Trung ương MTTQ VN để phỏng vấn Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân - Ảnh: Lê Kiên
Đi bầu cử vì tương lai của chính mình
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, vừa qua MTTQ VN cùng với các đoàn thể đã bàn bạc, triển khai ký kết một chương trình hỗ trợ cho các ngư dân gặp khó khăn. Theo đánh giá ban đầu, có 12.500 tàu cá trong thời gian ngắn hạn không ra khơi được vì trong phạm vi khoảng 220 hải lý trở lại thì không có cá nên ngư dân phải ngừng ra khơi, gặp khó khăn.
12.500 tàu cá liên quan đến khoảng 60.000 lao động, chúng tôi đã bàn bạc là sẽ hỗ trợ khoảng 10% hộ dân khó khăn nhất, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể sẽ mua bảo hiểm y tế để những người dân này không sợ ốm. Trong khi bố mẹ không đi đánh cá được thì không có thu nhập ngắn hạn, nhưng Mặt trận và chính quyền sẽ không để trẻ em thất học, có vận động để hỗ trợ về kinh phí, lương thực để các em không bỏ học.
Hiện nay tình hình hạn hán ở đồng bằng song Cửu Long, Tây nguyên và Nam Trung bộ đang rất nặng nề. Chúng tôi cũng đã bàn bạc, dự kiến ngày 19-5 tới đây sẽ ký kết một chương trình phối hợp để hỗ trợ khoảng 10% hộ dân của các vùng bị hạn hán .
Dự kiến sẽ hỗ trợ 45.000 hộ gia đình có phương tiện để trữ nước, có thuốc lọc nước sinh hoạt khi cần thiết. Đoàn thanh niên cũng đã có chương trình dự kiến là xây dựng 10 trạm lọc nước, lọc từ nước lợ sang nước ngọt để cung cấp cho các cụm dân cư.
“Chúng tôi nêu một vài ví dụ như vậy để nói rằng đồng bào khó khăn không bị đơn độc. Chính phủ vào cuộc, Mặt trận và các đoàn thể sẽ vào cuộc. Cho nên chúng ta có thể có những bức xúc ngắn hạn, mình vẫn để đấy mình suy nghĩ tiếp, nhưng đừng vì thế mà bỏ đi quyền quyết định chọn người lãnh đạo xã, huyện, tỉnh, TP, đất nước mình trong 5 năm tới. Tôi kêu gọi bà con vì tương lai của chính mình, hãy đi bầu cử” - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN tha thiết.