MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Nguyễn Trung Du: Sự lo ngại quá đà và thực tế không như vậy sẽ tạo ra cú hồi mạnh cho thị trường chứng khoán

Ông Nguyễn Trung Du: Sự lo ngại quá đà và thực tế không như vậy sẽ tạo ra cú hồi mạnh cho thị trường chứng khoán

Tại chương trình Khớp lệnh, chuyên gia CK Tân Việt cũng đưa ra cách để bắt đáy thị trường dễ nhất và xác suất đúng cao nhất.

Thị trường chứng khoán đang chịu áp lực điều chỉnh mạnh khi các mốc điểm hỗ trợ quan trọng lần lượt bị xuyên thủng, nhiều nhóm cổ phiếu đã thấp hơn đáy tháng 7, đáy tháng 5 thậm chí về mức đáy trước Covid hồi tháng 3/2020.

Bàn luận về diễn biến này tại chương trình Khớp lệnh, ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Dịch vụ Đầu tư & Quản lý Tài sản, CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) đánh giá rằng đối với thị trường giá xuống, những NĐT mua cổ phiếu sử dụng margin hay vay nợ sẽ có những áp lực trong ngắn hạn nhất là mua với T+3 (T+2,5 như hiện tại). Khi đó, nhà đầu tư không có lãi sẽ xuất hiện áp lực bán cổ phiếu.

Xét khía cạnh khác, trong thị trường giá lên, lâu nay NĐT cá nhân chiếm tới 80-85% giá trị giao dịch càng tham gia nhiều càng tốt cho thị trường. Bởi khi NĐT cá nhân dùng nhiều margin, tâm lý thúc đẩy đầu cơ sẽ làm tăng giá tốt cho cổ phiếu và cho thị trường.

Đối với dòng tiền từ NĐT tổ chức, ông Du cho rằng các tổ chức mua để đầu tư hoặc "cất đi" thường không có vay nợ, nhờ đó dòng tiền sẽ vững hơn. Theo chuyên gia TVSI quan sát đáy được tạo lập trong quá khứ, các hoạt động mua của tổ chức sẽ giúp cho đáy được vững chắc hơn. "Thông thường, tôi hay để ý tới các nhóm cổ phiếu có tính dẫn dắt nhất như nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, có thanh khoản. Khi một số cổ phiếu đó tạo đáy sẽ lan tỏa sang các cổ phiếu khác.", ông Du cho hay.

Quan sát thị trường 2 tuần gần đây, vị chuyên gia đánh giá nhóm cổ phiếu Bluechips giảm rất mạnh điển hình như VIC hay VHM cho thấy tâm lý NĐT tổ chức tiêu cực hơn NĐT cá nhân và chưa có sự đồng thuận tạo sự vững vàng cho thị trường. Để thị trường vững vàng, các tổ chức phải là tác nhân "đổ nền" tạo vùng đáy vững chắc, nghĩa là tại vùng "đáy" NĐT sẽ mua vào và cất đi coi như khoản tiết kiệm lâu dài. Khi đó, lượng cung trên thị trường giảm bớt, việc của NĐT giúp cổ phiếu thúc đẩy quá trình tăng giá tốt hơn.

Làm sao để nhận biết đáy được tạo lập?

Đặc biệt, cũng tại chương trình, đúc kết từ kinh nghiệm trên thị trường, ông Nguyễn Trung Du chia sẻ cách NĐT có thể bắt đáy dễ nhất với xác suất đúng cao nhất.

Thứ nhất, ông cho rằng NĐT cần đợi các nhóm cổ phiếu mạnh tạo đáy trước.

Thứ hai, mặt bằng thị trường chung thường phải có 2-3 phiên tăng kèm theo khối lượng cải thiện. Hơn nữa, khi cổ phiếu mua về tài khoản T+3, khoảng 60-70% nhà đầu tư có lãi 5-7%, quá trình hình thành đáy sẽ bắt đầu và có thể mua từ thời điểm này.

Nếu chưa có nhiều kinh nghiệm trên thị trường, ông Du cho rằng NĐT nên đợi số đông thị trường mua cổ phiếu về có lãi 5-7%, cùng với khối lượng chốt lãi ở mức vừa phải chính là thời điểm tốt nhất. Thường đây là cơ hội để tham gia và đáy sẽ rất vững.

Theo quan điểm của ông Du, hiện tại nếu nhìn theo định giá cơ bản hay theo kỹ thuật, thị trường đang vào vùng quá bán rất mạnh, từ đây tạo ra kỳ vọng cho những cú hồi phục.

Cái khó là tương lai, nhà đầu tư lo ngại rằng quý 4 năm nay hay trong năm 2023, Fed sẽ có những động thái tăng lãi suất, sau đó Việt Nam cũng tăng theo. Rủi ro thường trực ở đây lớn nhất là rủi ro các doanh nghiệp phá sản do lãi suất cao. Những lo ngại đó, chuyên gia cho rằng đang chiết khấu ở giá hiện tại.

Vị chuyên gia đến từ TVSI nêu rõ: "Nếu như trong tương lai, những thay đổi trên bớt u ám đi, tôi nghĩ là triển vọng hồi phục sẽ mở ra rất mạnh. Khi chúng ta lo ngại quá đà và thực tế không xấu như những gì đã lo ngại sẽ tạo ra những cú hồi rất mạnh."

Dương Ngọc

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên