Ông Phạm Lưu Hưng: Phát triển TTCK không chỉ có nâng hạng lên thị trường cận biên, mà phải nâng hạng cả nhà đầu tư từ F0 lên chuyên nghiệp
Nhu cầu giáo dục tài chính tại Việt Nam đã trở nên cấp thiết, nhất là khi quy mô thị trường tài chính (bao gồm ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) hiện đã gấp ba lần quy mô nền kinh tế, với mức tăng trưởng bình quân 14%/năm từ 2021 đến nay.
Đó là chia sẻ của ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng kiêm Trưởng Ban Đào tạo và Phát triển CTCP Chứng khoán SSI – tại buổi gặp gỡ mới đây. Theo ông, việc giáo dục đầu tư cho giới trẻ là một trong những ưu tiên hàng đầu cho việc phát triển thị trường, bởi đây sẽ là thế hệ nhà đầu tư trong tương lai. Do vậy, phát triển thị trường không chỉ bao gồm nâng hạng thị trường từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, mà quan trọng không kém đó là phát triển cơ sở nhà đầu tư, nâng hạng nhà đầu tư từ F0 lên nhà đầu tư chuyên nghiệp. Hiện, theo quan sát thì có rất nhiều bạn trẻ đang quản lý, sở hữu danh mục đầu tư giá trị cao.
Theo đó, SSI vừa phối hợp với Thời báo VTV và CTCP The Moneyverse ra mắt chuỗi chương trình “Vũ trụ Đồng tiền” (“The Moneyverse”), nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng tài chính cho người dân và doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các bạn trẻ, GenZ.
Phát biểu tại sự kiện, ông Hưng đặc biệt nhấn mạnh việc giáo dục đầu tư cho giới trẻ là một trong những ưu tiên hàng đầu cho việc phát triển thị trường. Giáo dục tài chính đã không còn là một môn học tự chọn, tài chính cá nhân đã một kỹ năng sống cần thiết trong thời đại hiện nay. Người trẻ, các nhà đầu tư thế hệ Gen Z có sự khác biệt về giá trị và ưu tiên, đòi hỏi cao về công nghệ, tính tương tác, khẩu vị rủi ro cao hơn, nhưng đồng thời cũng thiếu kinh nghiệm và kiến thức đầu tư.
“Các chương trình hoạt động như The Moneyverse rõ ràng có lợi cho cả đôi bên. Các bạn trẻ được tham gia hoạt động giáo dục đầu tư tài chính kết hợp giải trí, gắn học đi đôi với hành, với trải nghiệm còn công ty chứng khoán như SSI cũng có cơ hội để hiểu biết sâu hơn về các nhà đầu tư thế hệ mới, những người sẽ là tương lai của thị trường”, ông Hưng nói thêm.
Đây là một chuỗi trải nghiệm kết hợp với giải trí, giáo dục, mang đến cho khán giả những kiến thức, kỹ năng về quản lý tài chính cá nhân cũng như các vấn đề kinh tế - xã hội liên quan. Với sự tham gia trực tiếp của các bạn sinh viên (là đối tượng tiếp cận đến tiền nong, xu thế công nghệ và xanh hóa nhanh, trẻ trung, lan tỏa lớn...), chương trình cung cấp những nội dung chuyên sâu về quản lý tài chính, đồng thời giúp khán giả hiểu rõ hơn về các thức vận hành của thị trường và quản lý của Nhà nước, từ đó có những quyết định tài chính sáng suốt và hợp lý hơn.
Dưới góc nhìn các chuyên gia, trong những năm gần đây, nhu cầu giáo dục tài chính tại Việt Nam đã trở nên cấp thiết, nhất là khi quy mô thị trường tài chính (bao gồm ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) hiện đã gấp ba lần quy mô nền kinh tế, với mức tăng trưởng bình quân 14%/năm từ 2021 đến nay.
Dù vậy, các chương trình giáo dục tài chính tại Việt Nam còn khá muộn so với tốc độ phát triển của nền kinh tế và thị trường tài chính. Điều này đặt ra thách thức trong việc nâng cao hiểu biết và kỹ nâng của cộng đồng về quản lý tài chính cá nhân, trong đó có cả quản lý tài sản, đầu tư, kiểm soát rủi ro...
Hiện chỉ có khoảng 30% người Việt Nam trưởng thành có hiểu biết về tài chính, thấp hơn so với trung bình khu vực ASEAN là 38%. Giới trẻ, dù được tiếp xúc hằng ngày với internet, công nghệ, vẫn nằm trong nhóm bị lừa cao nhất trên không gian mạng.
Đây cũng là lực lượng bắt đầu tiếp cận nhiều với tiền (kiếm tiền, tiết kiệm, đầu tư). Song người trẻ, nhất là thế hệ Gen Z (12-27 tuổi) lại đang loay hoay với tiền, bị bủa vây bởi nạn tín dụng đen, tội phạm tài chính.
“Thực tế, SSI cũng học được nhiều từ các bạn. Bởi, hiện nay các bạn trẻ có nền tảng kiến thức tốt chứ không như ngày xưa. Lấy ví dụ thời anh, thế hệ 8-9X, thì học ngoại thương thương nhưng không được học nhiều về các bộ môn liên quan tài chính”, ông Hưng nói. Và GenZ có kiến thức tốt, song cái khó ở đây là chương trìng phải đem lại cho các bạn tính thực tế, được trải nghiệm để các bạn hiểu hơn về thị trường, và quan trọng là hiểu và kiểm soát được cảm xúc khi đầu tư.
Với chân dung nhà đầu tư GenZ, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cũng bổ sung rằng với Gen Z, khi gặp bất cập về tài chính cá nhân sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề, như mất tiền, đầu tư đa cấp, bị lừa đảo... Do đó, bản thân ông luôn kỳ vọng Việt Nam có nhiều chương trình giúp người dân kiếm tiền, tiêu tiền và đầu tư tiền thông minh hơn.
Dưới góc độ nhà làm chính sách, bà Lê Thị Thuý Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhận định khi có kiến thức về tài chính sẽ làm thay đổi hành vi, thói quen tài chính, cũng như tạo thói quen tài chính tốt cho cộng đồng. Từ đó, người dân sẽ có kiến thức tài chính đúng đắn hơn.
Nói là một chuyện, song khi thực thi không hề dễ. Thực tế, kiến thức đầu tư đã được phổ cập rất lâu và rất nhiều nhưng vẫn chưa đạt được kỳ vọng, chưa kể rất nhiều nhà đầu tư cá nhân còn thiếu kiến thức tài chính khi tham gia thị trường chứng khoán. Đại diện SSI cũng thừa nhận đó là thách thức với những người làm trong ngành, vì mọi thứ “simple but not easy”, lý thuyết thì đơn giản nhưng thực hiện để triển khai lại rất khó. Do đó, với thế hệ nhà đầu tư mới phải được phổ cập kiến thức từ sớm, khi tạo ra được một cộng đồng nhà đầu tư đủ kiến thức thì thị trường tự động sẽ trưởng thành theo.
Nhịp sống thị trường