MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Phạm Quang Nghị: 'Tỉnh giấc là thấy áp lực giải quyết công việc'

23-07-2018 - 10:27 AM | Xã hội

“Là người đứng đầu Thủ đô thời điểm ấy, trừ những lúc ngủ, chứ còn tỉnh giấc là thấy khó, là bắt đầu nghĩ đến áp lực công việc phải giải quyết thế nào đây!”, ông Phạm Quang Nghị - nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.

Trao đổi với phóng viên Tiền phong, ông Phạm Quang Nghị - nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, việc mở rộng địa giới hành chính là yêu cầu khách quan, bởi thời điểm đó Hà Nội đang quá tải nhưng lại không đủ không gian để phát triển lâu dài.

Tuy nhiên, khi Trung ương và các Bộ ngành nêu vấn đề mở rộng địa giới hành chính thì có hai luồng dư luận. Ý kiến đồng tình, cho là nếu không mở rộng, có nhiều vấn đề Hà Nội không tự giải quyết. Còn ý kiến lo ngại, được ông Nghị cho là cũng có phần chính đáng, bởi trước đó nhiều tỉnh thành cũng đã sáp nhập nhưng tình hình sau đó không được như mong muốn.

Để lịch sử phán xét

PV - Thực tế, với nguồn thu ngân sách hàng năm rất lớn, nếu không mở rộng địa giới hành chính thì Hà Nội có nhiều nguồn lực đầu tư phát triển cũng như khắc phục những tồn tại của mình hơn là việc “gánh” thêm cả tỉnh Hà Tây và huyện Mê Linh của Vĩnh Phúc?

Ông Phạm Quang Nghị: - Trong quá trình thảo luận việc hợp nhất, ý kiến đó cũng được đặt ra. Bởi lẽ, nguồn lực của Hà Nội chưa phải là đã đủ cho riêng Hà Nội đừng nói đến lo cho các vùng miền khác. Giờ lại thêm khu vực dân cư nông thôn rất rộng như vậy thì nguồn lực bị phân tán. Việc tập trung cho nội thành, nội thị, khu vực TP Hà Nội cũ bị dàn mỏng ra.

Nhưng với nguồn lực như vậy, nếu không có không gian phát triển, không có nguồn nhân lực bổ sung, không có yếu tố phối kết hợp được để giải quyết những vấn đề khác thì bản thân Hà Nội muốn phát triển cũng không phát triển được. Cụ thể như Hà Nội muốn di dời các trường đại học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp ra khỏi nội đô… nhưng không có quỹ đất để thực hiện. Với tư duy không mở rộng thì Hà Nội phát triển tốt hơn - đấy là cách nghĩ rất gần. Nếu nghĩ lâu dài không mở rộng Hà Nội thì cũng không phát triển tốt được.

- Quá trình thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội, ông có trăn trở điều gì không?

- Trăn trở, lo lắng của tôi là sau khi hợp nhất, nếu mình không khắc phục, không giải quyết tốt được công việc thì không những làm cho cán bộ đảng viên, nhân dân ở những nơi hợp nhất về Hà Nội thất vọng mà Trung ương và cả nước cũng thất vọng.

Tôi cũng lo ngại với những ý kiến khi bàn chuyện hợp nhất, thì cứ nói rất nhiều cái hay, cái tốt, bao nhiêu triển vọng, bao nhiêu thuận lợi, rồi đấy bây giờ hợp nhất nó thế đấy.

Là người đứng đầu Thủ đô thời điểm ấy, khi chỉ đạo cấp dưới thực hiện Nghị quyết 15, lúc nào tôi cũng thấy khó khăn, trừ những lúc ngủ, chứ còn tỉnh giấc là thấy khó, là bắt đầu nghĩ đến áp lực công việc giải quyết thế nào đây.

- Ngoài việc trăn trở kể trên, quá trình thực hiện Nghị quyết 15, ông có lo ngại thế hệ sau sẽ phán xét việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội lần này?

- Tôi nghĩ chắc chắn họ sẽ phán xét. Nhưng tôi có cái nhìn tích cực và lạc quan. Mình hình dung được cái khó nhưng cũng dự liệu được phương pháp để khắc phục. Trên thực tế là đã khắc phục được. Điều đó thấy rất rõ.

Lúc đó tôi có trả lời báo chí là việc mở rộng hợp nhất Hà Nội là tầm nhìn hàng trăm năm chứ không phải cho 5 - 10 năm. Ý tôi nói một mặt có tầm nhìn xa rộng, nhưng cũng là để lịch sử đánh giá, phán xét. Chứ lúc bấy giờ đã nói ngay là thuận lợi thì rất chủ quan. Ngược lại, chẳng thấy khó khăn cũng rất chủ quan.

“Tôi bênh Hà Tây hơi nhiều”

- Ông có được nghe những tâm tư chia sẻ của người dân trong quá trình 10 năm qua khi thực hiện hợp nhất không?

- Tôi được nghe tương đối nhiều, thậm chí kể cả khi tôi vào miền Nam, nhiều anh em cán bộ có gia đình ở Hà Tây (cũ) gặp tôi nói sau khi hợp nhất tình hình phát triển hơn rất nhiều, đầu tư cho cơ sở tốt hơn trước.

Ông Phạm Quang Nghị: Tỉnh giấc là thấy áp lực giải quyết công việc  - Ảnh 1.
10 năm sau hợp nhất, tốc độ đô thị hóa Hà Nội phát triển nhanh với nhiều khu đô thị xuất hiện

Thực sự lúc đó, bản thân tôi cũng rất lo lắng nếu hợp nhất không ổn định được tình hình, trước hết là không ổn định được bộ máy, cán bộ thì không thể đổ lỗi cho ai được.

- Với người dân Hà Tây và huyện Mê Linh, 4 xã của Hòa Bình, thời điểm đó ông có kỳ vọng gì để đưa họ theo kịp Hà Nội, có đời sống cao hơn?

- Trong quá trình làm việc ở bất kỳ đâu chứ không riêng Hà Nội, lúc nào mình cũng nghĩ mình cố gắng làm tốt nhất vì cái chung, vì nhân dân, vì mọi người, kể cả khi tình hình phức tạp, khó khăn, áp lực.

Người này người khác có thể làm điều này, điều kia chưa hay, chưa phải với cái chung và thậm chí với riêng cá nhân mình, nhưng mình phải có suy nghĩ vượt qua được cái đó. Nên trong quá trình hợp nhất, thậm chí cũng có người đánh giá là tôi bênh Hà Tây hơi nhiều. Tôi thấy đó là vì cái chung để cho anh em tin tưởng, yên tâm công tác, đoàn kết.

- Trong giai đoạn đó ông có đặt mục tiêu lớn gì cho mình phải thực hiện không và đến bây giờ có băn khoăn gì với mục tiêu ấy?

- Nếu như nói mục tiêu, mong muốn và cái cố gắng làm tốt nhất, đó là công tác tổ chức, cán bộ. Và tôi đánh giá đấy là yếu tố có ý nghĩa quyết định rất then chốt. Việc khác yếu thì có thể khắc phục, nhưng công tác tổ chức, cán bộ mà không tốt thì dẫn tới rất nhiều cái không tốt khác. Làm lãnh đạo đứng đầu cấp ủy thì có muôn việc phải quan tâm, phải lo. Nhưng đó là việc chính của sự lãnh đạo.

- Nhìn lại bức tranh toàn cảnh của Hà Nội bây giờ so với 10 năm trước, ông có cảm thấy thở phào nhẹ nhõm với quyết định của mình và Trung ương không?

- Nói là nhẹ nhõm thì chưa nhẹ nhõm được vì lúc nào cũng áp lực công việc lúc nào cũng đứng trước những đòi hỏi lớn. Nhưng cảm thấy những việc thành phố đã làm được như thế cũng là đóng góp đáng kể cho cái chung.

Mong muốn tốt hơn nữa thì đương nhiên ai cũng mong như thế. Nhưng nói một cách công bằng, trong điều kiện như vậy thì Thủ đô đạt được như hiện nay là rất đáng mừng, bởi không phải ở đâu hợp nhất, sáp nhập cũng được như vậy. Còn nơi nào tốt hơn thì mình tiếp tục phải học hỏi.

Xin cảm ơn ông!

Theo Hà Thanh

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên