Ông Phan Văn Mãi: “TP.HCM cần cơ chế vượt trội để xây dựng 510 km tuyến metro”
Phát biểu tại Hội nghị Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam Bộ diễn ra sáng nay (10/8), Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, hiện thành phố đang nỗ lực để kịp trình đề án phát triển đường sắt đô thị TP.HCM theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị vào cuối năm nay.
- 10-08-2024Hà Nội: Xây dựng Nghị quyết thu hút nhân tài đến Khu công nghệ cao Hòa Lạc
- 10-08-2024Năm 2025 sẽ có thêm 1.200 km đường cao tốc
- 10-08-2024Tránh tạo “cú sốc” đối với đồ uống có cồn khi tăng thuế, Việt Nam có thể học hỏi gì từ kinh nghiệm thế giới?
Theo ông Phan Văn Mãi, thực hiện Kết luận 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Thành ủy TP.HCM đã thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án phát triển đường sắt đô thị Thành phố, mời tổ tư vấn là các chuyên gia trong và ngoài nước để góp ý cho Đề án này.
Theo Đề án, dự kiến đến năm 2030, TP.HCM sẽ xây dựng thêm 183 km đường sắt đô thị, lúc đó năng lực vận tải công cộng của đường sắt đô thị chiếm 15-20%.
Đến năm 2045, Thành phố có thêm 168 km, nâng tổng số đường sắt đô thị là 352 km, năng lực vận tải công cộng chiếm từ 40% - 50%. Đến năm 2060, hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị của TP.HCM với tổng chiều dài là 510 km, năng lực vận tải công cộng chiếm 50%-60%.
Để triển khai khối lượng hệ thống đường sắt đô thị này, ông Mãi nhìn nhận, TP.HCM xác định nguồn vốn trong nước và đầu tư công cũng là chủ yếu. Trong đó, thành phố xác định nhu cầu vốn ở các mốc đến năm 2035 cần khoảng 36 tỷ USD; đến năm 2045 cần 33 tỷ USD; năm 2060 cần 48 tỷ USD.
Số tiền này được huy động qua các nguồn đầu tư công của thành phố bằng cách bố trí hằng năm, tăng thu, tiết kiệm chi; nguồn từ khai thác quỹ đất; nguồn từ Trung ương hỗ trợ qua các dự án trọng điểm; nguồn từ vay trái phiếu chính quyền địa phương và sẽ trả từ các nguồn thu từ ngân sách thành phố.
Ông Phan Văn Mãi cũng cho biết, thành phố dự kiến trình cơ quan có thẩm quyền như Quốc hội, ban hành Nghị quyết với 16 cơ chế thuộc thẩm quyền Quốc hội và trình Chính phủ với 9 cơ chế thuộc thẩm quyền Chính phủ…
“Để triển khai Đề án này, thành phố đề nghị cần có cơ chế vượt trội trong xây dựng Đề án, trong giải phóng mặt bằng, trong huy động vốn và quản lý. Đây là một cụm rất quan trọng, nếu không gỡ chỉ làm theo quy trình đầu tư công, theo như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói, 20km làm trong 20 năm, nếu làm 500km này chắc phải kéo dài hàng thế kỷ”, Chủ tịch Phan Văn Mãi nêu.
Ông Phan Văn Mãi cho biết thêm, thời gian qua, TP.HCM đã trình Đề án này cho Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, trình HĐND thành phố. Hiện thành phố đang phối hợp với TP Hà Nội và Bộ Giao thông - Vận tải để hoàn thiện hồ sơ, dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay.
VOV