Ông Philipp Rösler: Việt Nam đang đứng trước cơ hội hướng tới thịnh vượng
Ông Philipp Rösler - nguyên Phó Thủ tướng Đức cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội, thời điểm để tìm ra con đường hướng tới sự thịnh vượng.
- 31-03-2024Chuyển biến tích cực trong giải ngân vốn đầu tư công
- 31-03-2024Không thiếu điện trong năm 2024 và những năm tiếp theo
- 31-03-202420 năm thực hiện đề án phát triển Phú Quốc: Tăng trưởng gần 20% mỗi năm
Ông Philipp Rösler- Việt Nam đang đứng trước cơ hội hướng tới thịnh vượng
Tại sự kiện "Người Việt có tầm ảnh hưởng 2024" (VGLF) ở Pháp, ông Philipp Rösler - nguyên Phó Thủ tướng Đức, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Quỹ đầu tư VinaCapital Ventures, Thuỵ Sĩ trình bày chủ đề “ Có thể đạt thịnh vượng trong thời kỳ địa chính trị hỗn loạn?”.
Theo ông Philipp Rösler, trong thế giới đầy biến động, nhân loại phải chứng kiến nhiều cuộc xung đột diễn ra trên thế giới, những thay đổi, xáo trộn về chính trị vẫn tiếp diễn tại các nước trên thế giới và lúc này " chúng ta cùng phải cùng gắn kết để phát triển".
"Hơn lúc nào hết, đây là lúc chúng ta cần hợp sức lại với nhau và đó cũng chính là cách tốt nhất để phát triển. Nếu chúng ta nhìn lại lịch sử, trong mỗi cuộc xung đột thì luôn luôn có giải pháp, tiếng nói của hòa bình", ông Philipp Rösler nói.
Nhiều tín hiệu tốt cho Việt Nam trong bối cảnh ngày nay, đó là các quyết định chiến lược của Chính phủ Việt Nam đang có hiệu lực.
"Việt Nam đang đứng trước cơ hội, thời điểm để tìm ra con đường hướng tới sự thịnh vượng. Bên cạnh đó, Việt Nam là đất nước trung lập trong nhiều thế kỷ và tìm ra các giải pháp hòa bình.
Vì thế, Việt Nam có thể đóng vai trò lớn hơn vì lợi ích của nhân loại. Chúng ta hãy gắn kết mọi người lại với nhau, để cùng tìm giải pháp. Hãy thảo luận về cách chúng ta có thể duy trì và phát huy cách tiếp cận này, cách chúng ta có thể cùng nhau phát triển", ông Philipp Rösler nói.
Chia sẻ về chủ đề “ Thời đại kỹ thuật số có thể đảm bảo sự thịnh vượng của các quốc gia?”, ông Hamilton Mann - Phó Chủ tịch phụ trách số hoá, Thales (Pháp) cho rằng, nhân loại đang sống trong thời điểm chưa từng có trong tiền lệ. Điều này tạo ra nhiều nỗi sợ hãi, nhưng mang đến các cơ hội, và cơ hội thường đi đôi với trách nhiệm.
Vị chuyên gia này đề cập đến 4 thông điệp chính cho kỷ nguyên công nghệ. Thứ nhất, đổi mới sáng tạo sẽ không mang lại hiệu quả nếu không đi đôi với sự tiến bộ.
Mỗi quốc gia trên thế giới đều phải đối mặt với tình trạng người dân bị thiệt thòi, điều cốt lõi là sự đổi mới phải phục vụ sự tiến bộ cho chúng ta. Đây là trách nhiệm của các công ty tạo ra công nghệ nhưng cũng là trách nhiệm của tất cả công dân, trong việc suy nghĩ về cách công nghệ có thể phục vụ tất cả mọi người trong cộng đồng.
Thứ hai, sẽ không có tiến bộ nếu không có sự khám phá, tư duy của một nhà thám hiểm đặt vào con người, chứ không phải AI hay bất kỳ máy móc nào. Tận dụng công nghệ cần kết hợp con người với AI để giải quyết những vấn đề lớn nhất hành tinh. AI có thể là cơ hội để giải quyết những vấn đề lớn nhất của thế giới.
Thứ ba, đặt con người là ưu tiên hàng đầu. Sự nhìn nhận của con người rất quan trọng. Chúng ta cần tiếp tục giáo dục các thế hệ tiếp nối để hướng tới những điều tốt đẹp nhất khi nói đến trí thông minh của con người. Chúng ta cần biết điều gì xảy ra tiếp theo, điều đó không phụ thuộc vào công nghệ mà phụ thuộc vào chúng ta.
Thứ tư, ông Hamilton Mann cho rằng cần đặt lại vấn đề, làm rõ các tiêu chí, chuẩn mực để có những điều chỉnh về các vấn đề trên thế giới phù hợp với bối cảnh tình hình.
Tại hội nghị, ông Phạm Sanh Châu, CEO VinFast Ấn Độ trình bày về chủ đề “ Văn hóa và quan hệ quốc tế: Quyền lực mềm của tăng trưởng toàn diện và thịnh vượng?”
Theo ông Phạm Sanh Châu, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần sẵn sàng thích ứng để cùng phát triển, phát huy nguồn lực con người để hướng tới tương lai.
"Người Việt Nam nổi tiếng là chăm chỉ, sẵn sàng làm việc cho gia đình và đất nước, đặc biệt khi có thử thách. Khó khăn là cơ hội để mang lại con đường tái tạo thứ hai - đổi mới một lần nữa hoặc là chết. Chúng ta cần đứng lên lần nữa", ông Phạm Sanh Châu nói.
Ông Phạm Sanh Châu cũng cho rằng, người Việt Nam đều là một đại sứ cho quyền lực mềm của quốc gia. "Các bạn ở đây đại diện cho quyền lực mềm của Việt Nam, hiếm có quốc gia nào trên thế giới có dân số đông như vậy. Tất cả chúng ta đều là một phần của sức mạnh mềm của Việt Nam" , ông Phạm Sanh Châu chia sẻ.
VTC News