Ông Trịnh Văn Quyết: Nhiều tài sản đang thế chấp ở ngân hàng, nếu bán được 30% vốn FLC có thể sớm khắc phục hậu quả
Đáng chú ý, Trịnh Văn Quyết cho rằng trong số tài sản riêng có giá trị nhất là 30% cổ phần tại Tập đoàn FLC. Ông đã đề nghị bán cổ phần FLC để khắc phục hậu quả nhưng vẫn chưa được chấp thuận.
- 24-07-2024Bị hại trong vụ ROS: Người đề nghị ông Trịnh Văn Quyết mua lại cổ phiếu, người xin cho bị cáo sớm về giải quyết hậu quả
- 23-07-2024Ông Trịnh Văn Quyết sẵn sàng dùng gần 5.000 tỷ đồng tài sản tích luỹ trong hơn 20 năm lập nghiệp để khắc phục hậu quả
- 23-07-2024Nhóm cựu lãnh đạo HOSE tiết lộ mối quan hệ với Trịnh Văn Quyết
Sáng 25/7, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tiếp tục phiên xét xử bị cáo Trịnh Văn Quyết và đồng phạm về các tội Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Nội đề nghị tiếp tục phần xét hỏi với bị cáo Trịnh Văn Quyết để làm rõ hơn vụ việc.
VKS hỏi, đến thời điểm hiện tại bị cáo mới nộp hơn 5% giá trị thiệt hại của vụ án, phương án khắc phục tiếp theo là gì?
Bị cáo Quyết cho biết, kể từ khi bị bắt vào ngày 29/3/2022 về tội "Thao túng thị trường chứng khoán", bị cáo đã xác định số tiền bồi thường có thể lên đến gần 700 tỷ đồng. Trong khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo xin sớm dùng tài sản để khắc phục hậu quả.
Sau đó, bị cáo đã quyết định bán "đứa con tâm huyết nhất" là hãng hàng không Bamboo Airway. Số tiền hơn 200 tỷ thi được đã được gia đình khắc phục, còn 500 tỷ sau khi được đối tác thanh toán cũng sẽ được nộp ngay vào tài khoản tạm giữ của cơ quan chức năng.
Như vậy, bị cáo xác định sau khi bán xong hãng hàng không Bamboo Airway đã khắc phục được hậu quả cho tội "Thao túng thị trường chứng khoán".
Tuy nhiên, trong năm 2023, bị cáo tiếp tục bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Do đó, bị cáo quyết định sẽ dùng toàn bộ tài sản cá nhân ước tính gần 5.000 tỷ đồng đang bị phong toả để khắc phục hậu quả. Trịnh Văn Quyết cho biết đây là toàn bộ tài sản tích luỹ trong hơn 20 năm lập nghiệp của bị cáo.
Đáng chú ý, Trịnh Văn Quyết cho rằng trong số tài sản riêng có giá trị nhất là 30% cổ phần tại Tập đoàn FLC. Ông đã đề nghị bán cổ phần FLC để khắc phục hậu quả nhưng vẫn chưa được chấp thuận.
"Theo ước tính của tôi, giá trị thực (không tính giá trị cổ phiếu) của FLC là rất lớn vì Tập đoàn sở hữu nhiều tài sản có giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng, trong đó 5.000-6.000 phòng khách sạn 5 sao của FLC cũng giá trị hàng tỷ USD. Nếu bán 30% cổ phần có thể thu được tiền khắc phục hậu quả", ông Quyết cho hay.
Khi được VKS hỏi, tài sản của FLC có thế chấp tại ngân hàng không, Trịnh Văn Quyết cho biết có tài sản thế chấp, nhưng cơ bản là tài sản thuộc sở hữu của FLC.
Tính đến thời điểm hiện tại, bị cáo cho biết đã khắc phục được 240 tỷ đồng. Ông Quyết cũng trình bày bản thân luôn đau đáu tìm mọi biện pháp để khắc phục hậu quả. Bị cáo cũng nhiều lần xin và thông qua luật sư gửi đơn nhưng chưa được giải quyết. Với tài sản tích luỹ trong 20 năm cùng với sự thành khẩn, bị cáo mong muốn được HĐXX tạo điều kiện.
Sau khi lắng nghe ý kiến của bị cáo, HĐXX cho biết sẽ xem xét những đề xuất trên.