MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Ông trùm chứng khoán" kể chuyện làm nông sản sạch

"Năm 2000 nếu chúng ta nói về chứng khoán sẽ thấy tù mù hơn câu chuyện về an toàn thực phẩm hôm nay. Nhưng nếu không nói, 15-16 năm sau chúng ta sẽ không có gì cả, còn nếu lên tiếng có thể sẽ là một câu chuyện khác", ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán Sài Gòn chia sẻ.

Trong toạ đàm “Đường ra cho nông sản sạch” chiều ngày 20/7, ông Nguyễn Duy Hưng là người kể câu chuyện về nông sản sạch nhưng với tư cách là một người làm nông nghiệp (Chủ tịch HĐQT The Pan Group) chứ không phải là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Công ty chứng khoán Sài Gòn.

Thực tế, thời gian gần đây, vấn đề an toàn thực phẩm rất nóng bởi tâm trạng thắc thỏm của người tiêu dùng “ăn cũng chết mà không ăn cũng chết” hay “đường đến nghĩa địa thông qua cái dạ dày chưa bao giờ gần đến thế". Chính vì nhu cầu chính đáng về một bàn ăn sạch, ngày càng có nhiều doanh nghiệp chú ý hơn đến vấn đề an toàn thực phẩm. Các doanh nghiệp này đang trong quá trình tạo ra những nông sản sạch, có chất lượng, đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Tuy nhiên, đây là một công việc không hề dễ dàng. Làm thế nào để kiểm soát được thực phẩm qua các quy trình từ lúc mới bắt đầu sản xuất cho đến khi ra thành phẩm, đóng gói, vận chuyển rồi đến tay người tiêu dùng là một bài toán khó đối với các doanh nghiệp. Rồi các yếu tố liên quan đến vốn, công nghệ, con người,…đều là những khó khăn mà doanh nghiệp làm nông sản loay hoay, chưa có nhiều công ty giải được.

Thế nhưng, thành phẩm cũng chưa chắc được người tiêu dùng tiếp nhận ngay bởi yếu tố về giá – lúc này đã cao hơn rất nhiều so với những thực phẩm thông thường được bán ở chợ truyền thống. Niềm tin cũng là một yếu tố khác vì sau rất nhiều vụ scandal về thực phẩm, người tiêu dùng đã khó tính và nhạy cảm hơn trước rất nhiều.

“Làm nông sản này khó cực” – "ông trùm chứng khoán" Nguyễn Duy Hưng chia sẻ. Tuy nhiên, Chủ tịch The Pan Group cho rằng đây là việc phải “xới” lên vào thời điểm này, vì nếu không sẽ không bao giờ có nông sản sạch cả.

Con đường xây dựng chứng khoán 16 năm trước còn khó hơn xây dựng nông sản bây giờ nhiều vì hồi đấy không ai hiểu gì cả. Còn chuyện thực phẩm bây giờ ai cũng biết, nó là bữa ăn hàng ngày, và nếu bây giờ chúng ta đưa ra câu chuyện này sẽ là cách để hướng mọi người đến”, ông Hưng cho biết.

Hiện tại, chiến lược kinh doanh của The Pan Group là xuất khẩu để “nuôi dài”. Việc xuất khẩu vừa đảm bảo nguồn thu, vừa là một minh chứng cho nông sản có chất lượng cao.

Làm nông sản, theo ông Hưng, phải từ từ. Nhưng từ từ thì cũng dễ khiến cho doanh nghiệp “chết” nên "người chứng khoán" chọn cách làm song song, một mặt xuất khẩu, một mặt từ từ đưa vào thị trường để người tiêu dùng quen dần.

Ngoài việc kinh doanh cá nhân, ông Hưng còn có hẳn cả một Quỹ đầu tư cho startup trong lĩnh vực nông nghiệp khoảng 100 tỷ đồng. Trong buổi toạ đàm, ông hào hứng tuyên bố, cuối cùng cũng đã có một số tiền được giải ngân “nhờ” tìm được startup phù hợp.

Ông Hưng cũng nói thêm, thành công của con đường xây dựng nông sản sạch không phải là sự biến mất hoàn toàn của những scandal thực phẩm bẩn mà là việc giảm thiểu tối đa những rủi ro có thể có cũng như việc người tiêu dùng có thêm nhiều hãng thực phẩm uy tín để lựa chọn.

Hay như việc một ngày nào đó, Việt Nam sẽ có những thương hiệu quốc gia về nông sản được bày bán ở nước ngoài. Đấy là cách để giúp cho người tiêu dùng “khỏi phải bị ú tim như bây giờ”.

Đình Phương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên