MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Ông trùm" Phục vụ Mặt đất sân bay Tân Sơn Nhất lãi gấp 2,4 lần lên 72 tỷ, cổ đông lớn Vietjet chiếm một nửa các khoản phải thu ngắn hạn

25-10-2023 - 15:30 PM | Doanh nghiệp

"Ông trùm" Phục vụ Mặt đất sân bay Tân Sơn Nhất lãi gấp 2,4 lần lên 72 tỷ, cổ đông lớn Vietjet chiếm một nửa các khoản phải thu ngắn hạn

Vietjet Air hiện là đối tác lớn của SGN khi chiếm phân nửa phải thu khách hàng với gần 200 tỷ đồng. Ngoài ra, Vietjet Air còn đang là cổ đông lớn của SGN sở hữu hơn 9% cổ phần.

Hồi phục hoàn toàn về mốc trước đại dịch Covid-19

CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SGN) vừa công bố BCTC quý 3/2023 với doanh thu thuần 395 tỷ đồng, tăng 36% và lợi nhuận gộp 129 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận cải thiện mạnh lên xấp xỉ 33%, cao nhất từ năm 2020.

Doanh thu tài chính cũng tăng mạnh 147% lên gần 16 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, SGN lãi ròng hơn 72 tỷ đồng trong quý 3/2023, gấp 2,4 lần cùng kỳ và ngang mức lãi của giai đoạn trước dịch Covid-19.

Theo chia sẻ từ SGN, trong quý 3, sản lượng phục vụ đường bay quốc tế phục hồi mạnh, đồng thời Công ty ký thêm khách hàng mới và tăng phí dịch vụ cho một số khách hàng hiện tại. Ngoài ra, công ty con SAGS-CXR cũng lãi tốt so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, SGN ghi nhận doanh thu thuần 1.090 tỷ và lãi ròng 203 tỷ đồng, tăng 56% và 86% so với cùng kỳ. Với kết quả trên, Công ty đã thực hiện được 96% kế hoạch doanh thu và 86% kế hoạch lãi sau thuế 2023.

"Ông trùm" Phục vụ Mặt đất sân bay Tân Sơn Nhất lãi gấp 2,4 lần lên 72 tỷ, cổ đông lớn Vietjet chiếm một nửa các khoản phải thu ngắn hạn - Ảnh 1.

Tính đến thời điểm 30/9/2023, tổng tài sản Công ty vào mức 1.312 tỷ, trong đó tiền mặt và tiền gửi là 640 tỷ đồng. Khoản mục lớn kế tiếp là phải thu ngắn hạn ở mức 432 tỷ đồng, tăng gần 90 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ phải trả cuối kỳ là 326 tỷ, chủ yếu là nợ ngắn hạn (phải trả cho người lao động) với khoảng 307 tỷ đồng. SGN không vay nợ ngân hàng.

"Ông trùm" phục vụ mặt đất sân bay Tân Sơn Nhất

Được biết, SGN được chuyển đổi từ Trung tâm dịch vụ Hàng không theo quyết định ngày 30/12/2004 của Cục trưởng cục hàng không VN. Ngày 1/1/2015, Công ty chính thức hoạt động dưới hình thức CTCP.

Công ty nằm trong mạng lưới thuộc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (ACV, tỷ lệ sở hữu hiện 48,1% vốn). Nếu CTCP Phục vụ Mặt đất Hà Nội (HGS) hoạt động mạnh ở sân bay Nội bài, thì "miếng đất" của SGN màu mỡ hơn với quy mô và sự sôi động hơn ở sân bay Tân Sơn Nhất (Tp.HCM).

Hiện, SGN là đơn vị gần như thế chuyên khai thác kết cấu hạ tầng, trang thiết bị của Cảng hàng không, sân bay; cung ứng dịch vụ bảo dưỡng tàu bay, phụ tùng, thiết bị hàng không; cung ứng các dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất...

Đối tác lớn của hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air

Một trong các cổ đông lớn của SGN là Vietjet Air với tỷ lệ sở hữu hơn 9% cổ phần. Khoản phải thu đối với Vietjet Air chiếm 48% các khoản phải thu ngắn hạn của SGN với gần 200 tỷ đồng.

"Ông trùm" Phục vụ Mặt đất sân bay Tân Sơn Nhất lãi gấp 2,4 lần lên 72 tỷ, cổ đông lớn Vietjet chiếm một nửa các khoản phải thu ngắn hạn - Ảnh 2.

"Ông trùm" Phục vụ Mặt đất sân bay Tân Sơn Nhất lãi gấp 2,4 lần lên 72 tỷ, cổ đông lớn Vietjet chiếm một nửa các khoản phải thu ngắn hạn - Ảnh 3.

Năm 2019, VietJet Air gây chú ý khi có động thái xin phép Cục Hàng không cho hãng này được triển khai tự phục vụ mặt đất tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cam Ranh từ 1/1/2020.

Theo VietJet, hiện nay tại Nội Bài, hãng này đang khai thác 18 máy bay với 15 đường bay trong nước, 16 đường bay quốc tế với trung bình 150 chuyến bay/ngày. Số lượng máy bay và chuyến bay sẽ còn tăng trong thời gian tới. Do đó, VietJet xin được tự phục vụ mặt đất cho các công đoạn chuẩn bị chuyến bay như một số hãng khác thay vì thuê các đơn vị dịch vụ mặt đất.

Ngay sau khi Vietjet có đề xuất trên, cả HGS và SGN cùng có báo cáo "than vãn" với Cục Hàng không. Các công ty này cho rằng, nếu Vietjet được tự phục vụ mặt đất sẽ khiến doanh thu và lợi nhuận của họ bị sụt giảm dẫn đến cắt giảm 50% nhân sự.


Tri Túc

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên