'Ông trùm thời trang' Christian Dior: Nhà mốt làm thay đổi thời trang thế giới
Dior là cái tên được ưa chuộng của rất nhiều người yêu thời trang bởi sự tinh tế, độc đáo trong từng mẫu thiết kế, sản phẩm. Thế nhưng ít ai biết rằng để đạt được thành công như ngày hôm nay, nhà sáng tạo của Dior cũng như thương hiệu này đã trải qua bao thăng trầm.
- 21-01-2023Ngày này năm xưa: 21/1, nhà thiết kế thời trang đình đám Christian Dior ra đời, một tay dựng nên đế chế huy hoàng trong ngành thời trang
- 21-07-2022Chiêm ngưỡng Sprint Justin Bieber x Vespa giá từ 115,8 triệu đồng tại Việt Nam: Tiếp nối cơn sốt 946 Christian Dior
- 06-04-2022Trang Nemo nói gì sau khi "nướng tiền" tậu xe Vespa 946 Christian Dior: Ai mua lại 1 tỷ hay 5 tỷ đều không bán nhưng 10 tỷ thì sẽ suy nghĩ
Trong suốt hơn 70 năm kể từ ngày thành lập, Dior vẫn luôn được biết đến như một cái tên dẫn đầu trong hệ thống phân cấp thời trang. Nhờ bộ óc thiên tài của Christian Dior, thương hiệu này đã ra đời và ảnh hưởng đến phong cách sống, phong cách thời trang của không ít người. Không ngoa khi nói sự ra đời của Dior đã thay đổi cuộc chơi của ngành thời trang.
Nhưng để đạt được danh hiệu là một trong những hãng thời trang lớn và uy tín nhất thế giới, Dior cũng đã trải qua không ít những thăng trầm.
Lịch sử mở đầu của một huyền thoại
Christian Dior sinh năm 1905 tại Granville, một thị trấn nhỏ nằm bên bờ biển Normandy của nước Pháp. Không giống như những nhân vật đi lên từ nghèo khó, Dior đã "ngậm thìa vàng" từ khi sinh ra nhờ vào sự thành công của công ty phân bón gia đình.
Khi còn bé, Dior có niềm đam mê mãnh liệt với nghệ thuật, ước muốn của ông là trở thành một kiến trúc sư khi lớn lên. Tuy nhiên, cha mẹ của ông lại không đánh giá cao những người làm nghệ thuật, vậy nên dưới áp lực của phụ huynh, Dior học và lấy bằng khoa học chính trị.
Mặc dù vậy, niềm đam mê nghệ thuật chưa bao giờ phai nhạt trong lòng của chàng trai trẻ. Sau khi tốt nghiệp năm 1928, Dior đã mở một phòng trưng bày nghệ thuật nhỏ với sự giúp đỡ về mặt tài chính từ cha mình.
May mắn đã không mỉm cười với ông, sau cuộc Đại suy thoái những năm 1930, anh trai và mẹ của Dior qua đời, công việc kinh doanh của cha ông sụp đổ và Dior buộc phải đóng cửa phòng trưng bày của mình. Những biến cố lớn liên tục ập đến khiến Christian bị trầm cảm nặng và mắc bệnh lao. Bạn bè của Dior đã góp tiền giúp ông tới Font-Romeu để chữa bệnh.
Năm 1937, ông bắt đầu dấn thân vào công việc thiết kế thời trang, nhưng Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra buộc ông phải gia nhập quân ngũ. Sau khi chiến tranh kết thúc, Dior rời quân đội và có cơ hội làm việc cho thương hiệu thời trang Pierre Balmain. Lúc này, nước Pháp bị tàn phá nghiêm trọng, nhưng đồng thời đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp thời trang mới. Dior quyết định hợp tác cùng người bạn thời thơ ấu của mình để xây dựng thương hiệu và phát hành bộ sưu tập đầu tiên.
Thành công rực rỡ của Dior
Thương hiệu thời trang Dior được thành lập vào tháng 12 năm 1946, và bộ sưu tập đầu tiên mang tên "La Ligne Corolle" cũng được ra mắt vào 1 năm sau đó. Buổi ra mắt thành công đến nỗi Tổng biên tập Carmel Snow của tạp chí Harper's Bazaar phải thốt lên: "Christian thân mến, đây thật sự là một cuộc cách mạng. Những chiếc váy của anh trông thật mới mẻ làm sao".
Cứ như vậy, những thiết kế của Dior đã trở thành thương hiệu và tạo nên một xu hướng mới trong thị trường thời trang của những năm 1940. Dựa trên sự đổi mới trong từng thiết kế và phong cách kinh doanh của mình, Christian Dior được biết đến là một trong những nhà thiết kế thời trang thành công nhất thời bấy giờ.
Những bộ trang phục của ông luôn hướng đến việc tôn vinh vẻ đẹp thanh lịch của người phụ nữ, với phần eo thắt nhỏ, phần hông của váy được làm phồng và dài đến giữa bắp chân, giúp làm nổi bật thân hình đồng hồ cát. Với những thiết kế tinh tế này, Dior đã thay đổi thành công cục diện thời trang Pháp, dẫn dắt nhiều nhà thiết kế khác đi theo phong cách của mình.
Sự thành công vang dội của lần ra mắt đòi hỏi Dior phải mở rộng cửa hàng để phục vụ hơn 25.000 người đến xem các bộ sưu tập mới mỗi mùa. Chưa hết, để củng cố danh tiếng của mình, Dior quyết định trưng bày sản phẩm ở nước ngoài, bắt đầu bằng một buổi diễn ở Sydney và mở cửa hàng đầu tiên tại New York.
Thời điểm này được xem là một dấu mốc vang dội của Dior khi gần 75% kim ngạch xuất khẩu của thời trang Paris và 5% tổng doanh thu xuất khẩu của pháp đều được tạo ra bởi một mình thương hiệu Dior.
Từ năm 1952 đến 1953, thương hiệu thời trang này tiếp tục mở rộng sang thị trường các nước khác, doanh thu cũng ngày càng tăng mạnh. Đến năm 1955, dòng son môi đầu tiên của Dior được tung ra thị trường.
Ngay giữa lúc công ty đang vươn lên mạnh mẽ, Dior đột ngột qua đời vì đau tim trong một chuyến nghỉ dưỡng ở Ý. Người ta nói rằng có đến hơn 2.500 người tham dự đám tang của ông, trong đó có cả người kế vị do chính ông đích thân chọn lựa - Yves Saint Laurent.
Những hướng đi mới của thương hiệu
Sau khi Christian Dior qua đời vào năm 1957, Yves Saint Laurent chính thức trở thành giám đốc nghệ thuật của thương hiệu Dior. Trên thực tế, ông đã bắt đầu làm việc ở đây từ năm 1955 với vai trò là trợ lý của nhà sáng lập thương hiệu.
Để duy trì di sản của người thầy đáng kính, Laurent vẫn giữ nguyên vẹn tầm nhìn sáng tạo ban đầu. Tuy nhiên, ông cũng tìm cách đưa vào thương hiệu những nét đặc sắc cá nhân bằng cách nới lỏng phần eo và thay đổi một vài yếu tố. Những điều này kết hợp với sự ra đi của Dior đã khiến sự đón nhận của công chúng không còn được ổn định như thời điểm trước đó.
Đến năm 1960, Yves Saint Laurent được gọi đi phục vụ trong quân đội Pháp, đó cũng là lúc Marc Bohan lên tiếp quản vị trí giám đốc nghệ thuật. Dưới sự lãnh đạo của mình, Bohan đã làm cho các thiết kế quay về với phong cách cổ điển mà Christian Dior theo đuổi, đồng thời tinh giản để nó mang khuynh hướng hiện đại hơn. Với sự thay đổi này, Dior dần lấy lại vị trí thương hiệu được yêu thích trên toàn thế giới.
Bohan gắn bó với Dior hơn một thập kỷ và khiến thương hiệu ngày càng thành công trên thị trường quốc tế. Ông tung ra những dòng quần áo may sẵn cho trẻ em, khiến cái tên xa xỉ trở nên dễ tiếp cận hơn bao giờ hết. Các cửa hàng của Dior bắt đầu mọc lên ở nhiều thành phố như London và Hong Kong.
Tuy nhiên, vào năm 1978, công ty mẹ của Dior là Tập đoàn Boussac tuyên bố phá sản. Christian Dior được mua lại bởi Bernard Arnault, tỷ phú đứng sau LVMH Moët Hennessy. Vị trí giám đốc nghệ thuật cũng được thay thế bởi Gianfranco Ferre - người đã nâng thương hiệu lên một tầm cao mới, đưa vào tầm nhìn sáng tạo của riêng mình và tạo ra bộ phận trang phục nam đầu tiên trong lịch sử Dior.
Kể từ đó, Dior ngày càng phát triển và "qua tay" nhiều nhà thiết kế khác nhau như John Galliano, Raf Simons và Maria Grazia Chiuri. Mỗi một người đều mang đến cho Dior những phong cách độc đáo và khác biệt, chẳng hạn như Galliano đã tạo ra chiếc túi Lady Dior được Vương phi Diana yêu thích, Simons hướng thiết kế của mình đến hướng nữ tính và cổ điển hơn, còn Chiuri đã đưa nữ quyền vào trong từng sản phẩm của mình.
"Đừng nghĩ lớn, hãy nghĩ đến những điều khổng lồ", đó là lời mà CEO Pietro Beccari - vị giám đốc điều hành hiện tại của Dior vẫn thường nói với nhân viên của mình. Có lẽ chính tư duy dám nghĩ, dám làm đó đã giúp Dior phát triển ngày càng rực rỡ ở mảng thời trang và phụ kiện.
Theo số liệu của ngân hàng Stifel, doanh thu của Dior đã tăng từ 2,9 tỷ euro (2020) lên 6,2 tỷ euro chỉ sau một năm. Chỉ riêng doanh thu từ kinh doanh nước hoa và mỹ phẩm cũng đã mang lại hơn 3,2 tỷ euro cho Dior trong năm 2021.
Từ một cửa hàng nằm ở góc nhỏ trên đường phố Paris, Dior đã dần trở thành một đại diện của nền thời trang cao cấp nước Pháp. Dù trải qua bao nhiêu lần thay đổi giám đốc sáng tạo, bao nhiêu thăng trầm trên thị trường, thì Christian Dior vẫn như vậy, vẫn là một trong những thương hiệu đi đầu của nền thời trang thế giới.
Phụ nữ Việt Nam