“Ông trùm” thức ăn chăn nuôi Thái Lan tại Việt Nam: Tổng doanh thu vài tỷ USD/năm, nhà máy CPV Bình Phước được cấp phép xuất khẩu sang Hàn và Anh từ quý 3/2024
Riêng nhà máy CPV Food Bình Phước, được khánh thành tháng 12/2020 với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD, đi vào vận hành và có lô gà xuất khẩu đầu tiên từ năm 2020, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia sản xuất thực phẩm từ gia cầm lớn trên thế giới.
“Năm 2023, doanh thu ước tính của CPV Food Bình Phước tăng hơn 10% so với 2022 mặc dù nền kinh tế kó khăn. Theo kế hoạch, từ năm 2024, nhà máy tại Bình Phước này sẽ hướng tới mục tiêu nâng giá trị xuất khẩu ”, chia sẻ của đại diện C.P. Việt Nam trong chuyến tham quan nhà máy mới đây.
C.P. Việt Nam đang làm việc với cơ quan nhà nước để xin giấy phép xuất khẩu đi Hàn Quốc và Anh. Hai thị trường này hiện tại đã tiến hành đánh giá vào năm ngoái và dự kiến trong năm nay sẽ có giấy phép và C.P. Việt Nam có thể xuất khẩu trong quý 3/2024.
Được biết, C.P. Việt Nam là công ty thành viên của Tập đoàn Charoen Pokphand (C.P. Group, thành lập năm 1921 tại Bangkok, Thái Lan), hoạt động kinh doanh đa ngành trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm.
Sau chính sách mở cửa của Việt Nam, năm 1988 C.P. Group mở văn phòng đại diện tại Tp.HCM. Đến năm 1993, Tập đoàn thành lập Công ty TNHH Chăn Nuôi C.P. Việt Nam (C.P. Việt Nam Livestock Co.,Ltd) và xây nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Khu Công nghiệp Biên Hòa 2, Tp. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, đồng thời là trụ sở chính của Công ty cho tới ngày nay.
C.P. Việt Nam hiện là doanh nghiệp có doanh thu ‘khủng’ nhất, vượt xa các doanh nghiệp cùng ngành. Dữ liệu từ Vietdata cho thấy doanh thu của C.P. Việt Nam ổn định ở mức trên 80.700 tỷ đồng trong 2 năm 2020 và 2021 và tăng mạnh vào năm 2022, đạt gần 84.400 tỷ, tăng 4,5 % so với doanh thu 2 năm trước.
Mức doanh thu 84.400 tỷ của C.P. Việt Nam trong năm 2022 bỏ xa các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi xếp thứ 2 và thứ ba như Cargill Việt Nam (gần 28.5 nghìn tỷ đồng) hay De Heus (gần 25 nghìn tỷ đồng)…
Đến nay, sau hơn 30 năm hoạt động tại Việt Nam, Công ty đang có 21 nhà máy tại Việt Nam, trong đó:
+ Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi: C.P. Việt Nam có 8 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm (Hà Nội, Hải Dương, Bình Định, Bình Dương, Biên Hòa - Đồng Nai, Tiền Giang, Bàu Xéo – Đồng Nai, Bình Phước), nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản (Đồng Nai, Bến Tre, Cần Thơ, Cà Mau).
+ Trang trại: C.P. Việt Nam đang hợp tác với hơn 2.500 trang trại tại Việt Nam. Hàng năm C.P. Việt Nam cung cấp đa dạng hàng hóa cho thị trường: heo thịt gồm cả heo hơi, heo mảnh, heo đóng gói thương hiệu CP, trứng gà cả đóng gói sỉ và đóng hộp bán lẻ, gà thịt cả sản phẩm gà lông và gà nguyên con, gà pha lóc đóng gói thương hiệu và gà chế biến chín, cá tươi và cá chế biến chín, tôm tươi và tôm chế biến.
+ Nhà máy sản xuất thực phẩm chế biến: C.P. Việt Nam tham gia mảng này khoảng 10 năm trở lại đây với 2 nhà máy chế biến thủy sản tại TP. Huế và tỉnh Bến Tre và 7 nhà máy chế biến thịt tại Hà Nội, Đồng Nai, Bình Phước và TP. Hồ Chí Minh… Các sản phẩm của Tập đoàn rất đa dạng từ xúc xích, lạp xưởng, đến các sản phẩm chế biến sâu có thể ăn ngay hoặc tẩm ướp sẵn để người tiêu dùng mua về làm chín như thịt heo nướng sa tế, bánh bao nhân thịt heo BBQ, cơm gà Singapore… C.P. Việt Nam đang đẩy mạnh kênh bán lẻ trong siêu thị và mở các cửa hàng riêng như: C.P. Fresh Mart, C.P. Fresh Shop, Shop by C.P. (hệ thống phân phối của đối tác).
Riêng nhà máy CPV Food Bình Phước, được khánh thành tháng 12/2020 với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD, đi vào vận hành và có lô gà xuất khẩu đầu tiên từ năm 2020, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia sản xuất thực phẩm từ gia cầm lớn trên thế giới. Công suất tối đa của nhà máy Bình Phước hiện tại (2023) là 50 triệu con gà thịt và 19.200 tấn thịt gà chế biến/năm, trong tương lai nhà máy mở rộng thị trường xuất khẩu sang các thị trường khó tính hơn như châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông…
Nhịp sống thị trường