Ông Trump dọa tăng thuế 10%, "chiến tranh tiền tệ" Mỹ-Trung có thể tái diễn: Quan điểm của ông Tập là gì?
Bắc Kinh có một công cụ mạnh mẽ để đáp trả chính sách thuế quan mới mà Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đe dọa áp dụng: đó là bắt đầu một cuộc chiến tiền tệ.
- 28-11-2024Điều gì xảy ra sau khi ông Trump đe dọa áp thuế hàng Trung Quốc?
- 27-11-2024Ông Trump chọn ứng viên 8X làm Đại diện Thương mại Mỹ
- 27-11-2024Ông Trump dọa áp thuế quan: Tiền tệ biến động, chứng khoán thấp thỏm, vàng giằng co
- Trung Quốc từng hạ giá đồng nhân dân tệ vào các năm 2018 và 2019;
- Nhân dân tệ yếu có thể tác động ngược lên nền kinh tế Trung Quốc;
- Chính sách tiền tệ có thể sẽ là ưu tiên trong chính quyền Trump mới.
Tờ New York Times (NYT) ngày 26/11 cho hay, để đồng nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá so với đồng đô la Mỹ là một biện pháp đã từng được Bắc Kinh áp dụng để đối phó với chính sách thuế quan.
Bắc Kinh từng làm như vậy vào năm 2018 và 2019, khi ông Trump áp đặt thuế quan trong nhiệm kỳ tổng thống Mỹ đầu tiên của mình.
Đồng nhân dân tệ yếu làm cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc trở nên rẻ hơn đối với người mua ở nước ngoài, giảm thiểu tác hại đối với khả năng cạnh tranh của Trung Quốc do chính sách thuế quan của chính quyền Trump gây ra.
Hạ giá nhân dân tệ có thể gây nguy hiểm cho nền kinh tế Trung Quốc
Theo NYT, đồng nhân dân tệ yếu hơn có thể bù đắp một phần hoặc toàn bộ tác động của mức thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa Trung Quốc mà ông Trump đã tuyên bố hôm 25/11 rằng sẽ ban hành vào ngày đầu tiên nhậm chức tổng thống Mỹ vào tháng 1 năm tới. Ông cũng tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế 25% đối với hàng hóa từ Canada và Mexico.
Vốn được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) kiểm soát chặt chẽ, việc phá giá đồng nhân dân tệ có thể cho phép Bắc Kinh tăng cường sức mạnh cho cỗ máy xuất khẩu hùng mạnh của mình. Tổng khối lượng xuất khẩu ra thế giới của Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm nay đã tăng gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc cũng đang sẵn sàng cho những bước tiến xa hơn nữa khi các ngân hàng thương mại của nước này tăng cường cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các nhà máy mới.
Tuy nhiên, NYT nhận định, việc hạ giá đồng nội tệ có thể gây nguy hiểm cho nền kinh tế Trung Quốc. Đối mặt với đồng nhân dân tệ yếu hơn, các công ty và gia đình giàu có tại Trung Quốc có thể ráo riết chuyển tiền ra nước ngoài thay vì đầu tư trong nước.
Tỷ giá hối đoái thấp hơn của đồng nhân dân tệ so với đô la Mỹ cũng có thể làm tổn hại niềm tin của công chúng Trung Quốc, làm suy yếu chi tiêu tiêu dùng trong nước và làm xói mòn giá cổ phiếu.
Đồng nhân dân tệ yếu cũng có thể gây ra tác động trái ngược với những nỗ lực gần đây của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nhằm vực dậy nền kinh tế, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự lao dốc của thị trường bất động sản.
"Không bên nào thắng trong cuộc chiến thuế quan"
Theo NYT, PBOC từng bị chỉ trích trên trường quốc tế khi đột ngột phá giá đồng nhân dân tệ vào tháng 8/2015, và đang cố gắng không để một động thái đột ngột như vậy tái diễn.
Tại cuộc họp báo hôm 22/11, người đứng đầu bộ phận quốc tế của PBOC Liu Ye cho biết, ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ "duy trì sự ổn định cơ bản của tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ ở mức cân bằng hợp lý".
Nhưng Trung Quốc cũng cực lực phản đối bất kỳ mức thuế bổ sung nào. Đáp lại lời đe dọa của ông Trump hôm 25/11, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết: "Trung Quốc tin rằng hợp tác kinh tế và thương mại Trung - Mỹ về bản chất là có lợi cho cả hai bên. Không bên nào có thể giành chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại hoặc một cuộc chiến thuế quan."
NYT đưa tin, các công ty Trung Quốc đã tăng cường đáng kể năng lực sản xuất của họ ở các quốc gia khác trong những năm gần đây, xây dựng các nhà máy lắp ráp những linh kiện từ Trung Quốc thành hàng hóa hoàn chỉnh để bán tại Mỹ và các nước khác. Điều này đã cho phép một số công ty Trung Quốc né thuế do chính quyền Mỹ áp đặt trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.
Nhiều chủ doanh nghiệp Trung Quốc đã chuyển tiền ra nước ngoài trong những tuần gần đây để tiếp tục tăng cường hoạt động ở nước ngoài và đảm bảo rằng có thể duy trì xuất khẩu mạnh mẽ ngay cả khi ông Trump áp dụng mức thuế bổ sung đối với Trung Quốc.
Tại cuộc họp báo hôm 22/11, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn đã cam kết sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho các nhà xuất khẩu của Trung Quốc. Ông cho biết chính phủ Trung Quốc sẽ cung cấp thêm tài chính thương mại và bảo hiểm xuất khẩu cho các công ty này.
Theo NYT, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ vẫn mạnh mẽ bất chấp thuế quan năm 2018 và 2019, vì nhiều công ty Trung Quốc đã chia nhỏ hàng xuất khẩu của mình thành các lô hàng đủ nhỏ để né thuế.
Trung Quốc cũng đã tăng nhanh xuất khẩu sang Đông Nam Á và Mexico - nơi hàng hóa sau đó thường được xử lý và vận chuyển sang Mỹ với mức thuế thấp hoặc không phải chịu thuế quan.
Trong tháng này, sau chiến thắng bầu cử của ông Trump, giá trị của đồng nhân dân tệ đã giảm khoảng 2% so với đô la Mỹ. Đồng nhân dân tệ đã ổn định trong tuần qua ở mức 7,25 nhân dân tệ đổi 1 đô la.
Nhiều loại tiền tệ khác cũng đã suy yếu so với đô la kể từ cuộc bầu cử Mỹ. Đồng peso Mexico và đô la Canada đã giảm mạnh sau khi ông Trump nhắm mục tiêu vào cả hai quốc gia này bằng các mức thuế bổ sung dự kiến.
Ông Tập Cận Bình: Cần duy trì đồng tiền mạnh
Thành viên sáng lập công ty nghiên cứu kinh tế Gavekal có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) Arthur Kroeber nhận định, đồng nhân dân tệ có thể giảm thêm 9 hoặc 10% nếu Mỹ áp thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là cần gần 8 nhân dân tệ để đổi 1 đô la, mức chưa từng thấy kể từ năm 2006.
Nhưng nhiều nhà phân tích khác tỏ ra nghi ngờ rằng Trung Quốc sẽ chấp nhận giảm mạnh đồng nhân dân tệ như vậy. Họ dự đoán mức sàn cho đồng tiền này là 7,3 đến 7,5 nhân dân tệ đổi 1 đô la.
Theo NYT, trong nhiều năm qua, Trung Quốc sẵn sàng để đồng nhân dân tệ yếu nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Nhưng tại một cuộc họp của Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 1, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có bài phát biểu mô tả tầm nhìn về "phát triển tài chính chất lượng cao".
Ông Tập nhấn mạnh việc duy trì đồng nội tệ mạnh là điều cần thiết để Trung Quốc trở thành một cường quốc tài chính, cùng với các yếu tố quan trọng khác như ngân hàng trung ương và các tổ chức tài chính vững mạnh.
Bài phát biểu đó đã được đưa vào một cuốn sách xuất bản dưới tên ông Tập, đưa đồng nhân dân tệ mạnh vào quan điểm chỉ đạo của ban lãnh đạo Trung Quốc.
Khi Trung Quốc cho phép đồng tiền của mình trượt giá trong chính quyền Trump đầu tiên, Nhà Trắng đã thảo luận về việc cố tình làm suy yếu đồng đô la vào năm 2019 như một động thái đáp trả, nhưng Tổng thống Trump đã kiềm chế không làm như vậy.
Theo NYT, chính sách tiền tệ có thể sẽ là ưu tiên trong chính quyền Trump mới. Scott Bessent - người được ông Trump lựa chọn làm Bộ trưởng Tài chính - là một nhà quản lý quỹ đầu tư có kinh nghiệm hàng chục năm trong lĩnh vực giao dịch tiền tệ. Nhưng ông Bessent được biết đến nhiều với việc giao dịch bằng đồng bảng Anh và đồng yên Nhật hơn là đồng nhân dân tệ.
Đời sống & pháp luật