MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Trump “đòi lại công bằng” cho Mỹ

31-03-2017 - 22:10 PM | Tài chính quốc tế

Bắc Kinh nói sẽ tiếp tục hợp tác với Washington để đạt được sự cân bằng hơn trong quan hệ thương mại song phương

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 31-3 tiến hành bước đi tiếp theo trong cam kết tái định hình chính sách thương mại của Mỹ, với việc ký 2 sắc lệnh hành pháp nhằm chống lại sự bất công với Mỹ trong thương mại.

Giải quyết thâm hụt

Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, sắc lệnh thứ nhất yêu cầu hoàn tất một báo cáo quy mô lớn về vấn đề thâm hụt thương mại giữa Mỹ với một số đối tác lớn nhất. Báo cáo sẽ tìm hiểu xem những nguyên nhân - như gian lận, hành vi thương mại không công bằng, thao túng tiền tệ... - đóng góp đến đâu vào tình trạng này và tìm biện pháp xử lý. Các quan chức có 90 ngày để trình lên ông Trump bản báo cáo - được thực hiện trên từng quốc gia và từng sản phẩm. Báo cáo sẽ được dùng làm cơ sở để hoạch định chính sách trong tương lai đối với các vấn đề liên quan tới thương mại. Trong khi đó, sắc lệnh thứ hai tập trung đẩy mạnh quyền lực của các cơ quan của Mỹ để chống lại hành vi bán phá giá của doanh nghiệp nước ngoài, bị xem là một hình thức gian lận thương mại.

Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng đêm 30-3 (giờ địa phương) về những sắc lệnh trên, cả Bộ trưởng Ross và Giám đốc Hội đồng Thương mại quốc gia Peter Navarro đều cho rằng những biện pháp trên không nhằm đẩy sự chú ý vào Bắc Kinh ngay cả khi ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến gặp nhau trong ngày 6 và 7-4 tới. Tuy nhiên, cả hai nói rõ các sắc lệnh hành pháp mới sẽ giải quyết nguồn cơn gây thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Tổng thống Trump, theo CNN, xem đây là nguyên nhân khiến hàng triệu việc làm bị mất và kéo giảm lĩnh vực sản xuất ở Mỹ.

Theo ông Ross, hoạt động bán phá giá thép đang là vấn đề tác động lớn tới thâm hụt thương mại nước này. Nói như vậy cũng chẳng khác gì động chạm tới Trung Quốc bởi nền kinh tế số 2 thế giới bị cáo buộc là nguồn xuất khẩu thép bán phá giá tại Mỹ, tác động tiêu cực đến thị trường và các nhà sản xuất thép nội địa. Trong khi đó, ông Navarro lưu ý thêm Trung Quốc hiện là đối tượng của 1/3 vụ kiện chống bán phá giá.


Trung Quốc bị tố là bên bán phá giá thép chủ yếu ở Mỹ Ảnh: REUTERS

Trung Quốc bị tố là bên bán phá giá thép chủ yếu ở Mỹ Ảnh: REUTERS

Cuộc gặp khó khăn

Vấn đề thâm hụt thương mại cũng được Tổng thống Trump nhấn mạnh trong thông điệp đăng trên Twitter đêm 30-3, theo đó ông cho rằng cuộc gặp tuần tới với Trung Quốc sẽ rất khó khăn. “Chúng ta có thể không còn những thâm hụt thương mại khổng lồ và cũng không còn bị mất việc làm nữa. Các công ty Mỹ phải sẵn sàng tìm kiếm những lựa chọn khác” - ông Trump viết. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc trong năm 2016 là 347 tỉ USD, theo AP.

Tờ Guardian (Anh) đánh giá những lời lẽ này của ông Trump - người từng tuyên bố sẽ “gắn mác thao túng tiền tệ lên Trung Quốc ngay ngày đầu nhậm chức” - đánh dấu sự mở màn cho cuộc đối đầu Mỹ - Trung chỉ một tuần trước cuộc gặp thượng đỉnh nói trên tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida. Phản ứng của Bắc Kinh đối với thông điệp mới nhất của ông chủ Nhà Trắng có phần mang tính ngoại giao. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang ngày 31-3 nói với báo giới rằng cả hai bên đều mong cuộc gặp sẽ diễn ra thành công để có thể định hướng chính xác cho sự phát triển của quan hệ song phương. Ông Trịnh còn khẳng định Bắc Kinh sẽ tiếp tục hợp tác với Washington để thúc đẩy sự cân bằng hơn trong quan hệ thương mại.

Ngoài kinh tế, vấn đề Triều Tiên cũng đóng vai trò quan trọng trong chương trình nghị sự giữa hai nhà lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hôm 30-3, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley cho rằng Trung Quốc có thể và phải làm nhiều hơn để buộc Bình Nhưỡng ngưng chương trình tên lửa, hạt nhân giữa lúc có thông tin nước này chuẩn bị tiến hành vụ thử hạt nhân mới.

Theo Thu Hằng

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên