Ông Trump ký sắc lệnh trừng phạt lãnh đạo cao nhất của Iran
Trong khi đó, Iran vẫn thể hiện quyết tâm không đàm phán tay đôi với Mỹ...
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24/6 áp biện pháp trừng phạt lên lãnh tụ tối cao của Iran, đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei, cùng 8 chỉ huy quân đội cấp cao của nước này.
Đây là một động thái gia tăng sức ép của ông Trump đối với Tehran trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng mạnh thời gian gần đây.
Theo tin từ Bloomberg, trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng, ông Trump nói rằng biện pháp trừng phạt đưa ra trong sắc lệnh mà ông vừa đặt bút ký sẽ khiến ông Khamenei và văn phòng của vị đại giáo chủ không thể tiếp cận với các nguồn lực tài chính.
"Lãnh tụ tối cao của Iran chính là người phải chịu trách nhiệm cuối cùng cho những hành vi thù địch của chính thể" ở Tehran, ông Trump nói.
Tuần trước, ông Trump đã quyết định không kích Iran để trả đũa việc lực lượng của Tehran bắn rơi một thiết bị bay không người lái (drone) của Mỹ. Tuy nhiên, sau đó ông Trump đã hủy kế hoạch tấn công này. Ngoài ra, chính quyền ông Trump cũng cáo buộc Iran gây ra các vụ tấn công tàu chở dầu trong tháng 5 và tháng 6 ở vùng Vịnh - cáo buộc mà Tehran bác bỏ.
Lãnh tụ tối cao Iran, đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei.
Theo giới phân tích, các biện pháp trừng phạt mà ông Trump vừa đưa ra sẽ không có nhiều ảnh hưởng đối với Iran, quốc gia vốn đã chìm trong suy thoái kinh tế dưới sức ép từ lệnh trừng phạt ngặt nghèo trước đó của Washington. Tuy nhiên, việc ông Trump siết trừng phạt Iran thể hiện sự đáp trả đối với các vụ tấn công nói trên.
Song song với việc gây sức ép tối đa lên Iran, ông Trump cũng để ngỏ khả năng đàm phán với Tehran. Tuy nhiên, cho đến nay, Iran vẫn chưa phát tín hiệu nào cho thấy họ muốn đàm phán với Mỹ.
Phát biểu tại Liên hiệp quốc hôm thứ Hai, đại sứ Iran Majid Takht Ravanchi bác bỏ khả năng đàm phán 1-1 với Mỹ, đồng thời kêu gọi Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres giúp tổ chức các cuộc đàm phán khu vực.
"Bạn không thể đàm phán với một ai đó đang đe dọa bạn", ông Ravanchi nói với các nhà báo.
Các nước châu Âu vẫn đang kêu gọi Mỹ-Iran xuống thang căng thẳng và tìm giải pháp ngoại giao cho vấn đề. Đại sứ Pháp tại Liên hiệp quốc Francois Delattre nói "sức ép tối đa chỉ mang lại hiệu quả nếu đi cùng với ngoại giao tối đa".
Theo ước tính của đại sứ quán Mỹ ở Iraq, ông Khamenei sở hữu khối tài sản lên tới 200 tỷ USD.
Trong một cuộc họp báo ở Washington, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết sẽ sớm đưa thêm Ngoại trưởng Iran Javad Zarif vào danh sách trừng phạt.
Ông Zarif được xem là nhà ngoại giao xuất sắc nhất của Iran, và là người đứng đầu đoàn Iran đàm phán thỏa thuận hạt nhân 2015 - thỏa thuận mà Tehran đã ký với các cường quốc, trong đó có Mỹ thời Tổng thống Barack Obama. Năm ngoái, ông Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này và tái áp trừng phạt lên Iran, khiến căng thẳng giữa hai bên liên tục gia tăng.
Trước đợt trừng phạt mới này, Mỹ đã áp trừng phạt lên khoảng 1.000 thực thể Iran, bao gồm các ngân hàng, cá nhân, tàu bè và máy bay. Hồi tháng 5, chính quyền ông Trump ban lệnh cấm mua sắt, thép, nhôm và đồng của Iran.
VnEconomy