MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Trump và bà Harris tranh giành một "chìa khóa" quyết định kết quả bầu cử Mỹ: TikTok là vũ khí

25-10-2024 - 12:10 PM | Tài chính quốc tế

Hiện nay, những người trong độ tuổi từ 18 - 27 chiếm hơn 13% tổng dân số Mỹ, họ được coi là nhân tố quan trọng góp phần xác định người tiếp theo sẽ vào Nhà Trắng.

Việc bỏ phiếu của giới trẻ sẽ một lần nữa trở nên quan trọng trong cuộc đua giành chức Ttổng thống Mỹ.

Cả ứng viên Tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ Kamala Harris và ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump đều nỗ lực thu hút nhóm nhân khẩu học đang phát triển này trong cuộc bầu cử thực sự đầu tiên của Gen Z.

Thế hệ Z, hay còn gọi là Gen Z, sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1997 - 2012, trùng với thời kỳ bùng nổ của Internet và các phương tiện truyền thông xã hội.

Chiến dịch đột phá của ông Bill Clinton

Trong những cuộc bầu cử trước đây, đặc biệt là trước năm 2016, các ứng cử viên đều thiếu các chiến lược hiệu quả để kết nối với cử tri trẻ tuổi ở cấp độ cá nhân. Bối cảnh truyền thông rất khác biệt; mọi người chủ yếu tiếp nhận tin tức thông qua các nguồn báo in, vốn thường được tin cậy. Mặc dù vậy, một số ứng cử viên Tổng thống trong lịch sử bầu cử Mỹ cũng như gần đây đã có những nỗ lực sáng tạo nhằm thu hút cử tri trẻ tuổi.

Chiến dịch năm 1992 của Bill Clinton là một ví dụ mang tính đột phá về một ứng cử viên cố gắng kết nối với cử tri trẻ tuổi bằng cách xuất hiện trên MTV để trả lời các câu hỏi về các vấn đề như ma túy, kiểm duyệt âm nhạc và mối quan tâm của giới trẻ. Khoảnh khắc nổi tiếng của ông khi chơi saxophone trong chương trình "The Arsenio Hall Show" cũng giúp ông kết nối với những cử tri trẻ tuổi, có sự đồng điệu về văn hóa.

Một trường hợp khác là Howard Dean thuộc Đảng Dân chủ. Năm 2004, dù không thành công, Howard Dean cho thấy ông vẫn là người tiên phong thực sự trong việc sử dụng internet để tiếp cận cử tri trẻ tuổi. Chiến dịch của ông là một trong những chiến dịch đầu tiên sử dụng rộng rãi các diễn đàn trực tuyến, blog và email để huy động cử tri trẻ tuổi và các nhà hoạt động. Chiến dịch của Dean đã tận dụng các nền tảng như Meetup.com để tổ chức các hội họp ở cấp cơ sở, khuyến khích những người ủng hộ trẻ tuổi gặp gỡ và thảo luận trực tiếp về các vấn đề chính trị.

Đến năm 2008 và 2012, internet đã trở thành một phần không thể thiếu. Chiến dịch của ông Barack Obama đã có một trang web chuyên dụng là my.barackobama.com (còn được gọi là MyBO) cho phép những người trẻ tuổi tạo hồ sơ, tổ chức các sự kiện và gây quỹ.

Ông Trump và bà Harris tranh giành một "chìa khóa" quyết định kết quả bầu cử Mỹ: TikTok là vũ khí- Ảnh 1.

 

Sự xuất hiện của ông Obama trong các chương trình như "The Daily Show" với Jon Stewart, cũng như mối quan hệ của ông với những người nổi tiếng và những người có ảnh hưởng trong giới trẻ đã khiến những người trẻ tuổi tìm được điểm tương đồng.

Những khẩu hiệu lạc quan của ông Obama như "Yes We Can" và "Hope and Change" đã gây được tiếng vang mạnh mẽ với khán giả trẻ tuổi, khẩu hiệu đầu tiên đã được nghệ sĩ will.i.am chuyển thể thành một bài hát ăn khách với 7,8 triệu lượt xem. Sự thành thạo các công nghệ mới này đã giúp ông dẫn đầu lịch sử về tỷ lệ ủng hộ của cử tri trẻ tuổi, với 66% và 60% những người dưới 30 tuổi bỏ phiếu cho ông trong cả hai chiến dịch thành công.

Ông Trump "oanh tạc" mạng xã hội

Kể từ năm 2016, trong phần lớn cuộc đời của bất kỳ người Mỹ nào thuộc Gen Z, không ai quên được những câu khẩu hiệu "Xây một bức tường!", "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại"... của ông Trump.

Kể từ thời điểm đó, ông Trump đã trở nên thành thạo trong việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để thu hút những cử tri trẻ tuổi.

Cuộc bầu cử năm 2020 là bước tiếp theo trong quá trình phát triển của hình thức này khi hầu hết nước Mỹ buộc phải sử dụng phương tiện truyền thông xã hội do thiếu các cuộc họp trực tiếp. Nền tảng mạng xã hội X, trước đây được gọi là Twitter, đã trở thành công cụ mà cựu Tổng thống đưa ra chính sách và thể hiện trạng thái cảm xúc mạnh mẽ, cũng như cuộc sống riêng tư của ông mỗi khi đăng một dòng tweet nào đó.

Người trẻ ủng hộ bà Harris nhưng liệu họ có đi bầu?

Một số thống kê cho thấy xu hướng những người trẻ tuổi ngày càng bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ kể từ năm 2004. Kể từ năm 1998, không có ứng viên Đảng Cộng hòa nào giành được sự ủng hộ của người Mỹ trẻ tuổi.

Hiện tại, cả 2 ứng viên đều rất tích cực trên môi trường mạng xã hội. Ông Trump đã và đang rất tích cực trên TikTok, gặp gỡ những người có sức ảnh hưởng và xuất hiện trên các podcast.

Với bà Harris, sự tham gia của bà đã đảo ngược cuộc đua tổng thống và mở ra một sức hấp dẫn mới cho Đảng Dân chủ, với tư cách là đảng của sự lạc quan, cơ hội và tuổi trẻ. Các video TikTok phổ biến và các meme được chia sẻ rộng rãi hiện nay tại Mỹ đều cho thấy sức hấp dẫn của một ứng cử viên lạc quan, vui vẻ như bà Harris có sức hút đối với các cử tri trẻ tuổi (có điểm tương đồng với chiến dịch của Obama).

Tuy nhiên, tất cả những yếu tố này không đồng nghĩa với việc những phiếu bầu của thanh niên sẽ là điều đương nhiên đối với Harris, vì nhiều số liệu cho thấy những người trẻ tuổi luôn có tỷ lệ đi bỏ phiếu thấp hơn so với nhóm nhân khẩu học lớn tuổi hơn. 

Trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022, chỉ có 25,5% cử tri từ 18-29 tuổi tham gia, so với 63,1% những người từ 60 tuổi trở lên. Mặc dù cuộc bầu cử năm 2020 chứng kiến sự gia tăng nhẹ về tỷ lệ tham gia của thanh niên ở mức 52,5%, nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với những cử tri lớn tuổi. 

Nghiên cứu nêu bật 2 rào cản chính đối với việc bỏ phiếu của thanh niên: thiếu hứng thú và khó khăn trong việc theo kịp tiến trình bầu cử. Chỉ có khoảng 77% thanh niên cho biết có ý định đi bỏ phiếu, trong khi với cử tri lớn tuổi thì con số này là 90% và họ nghiêng về ông Trump.

Theo Lưu Bình

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên