Ông Vũ Tiến Lộc: Cần ban hành 'luật sống chung với dịch'
Ông Vũ Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch VCCI đề xuất, muốn trợ thở cho doanh nghiệp thời điểm hiện tại cần chính sách mở cửa kiên định và nhất quán; phải có Luật sống chung với dịch để các địa phương cứ thế mà làm không phải xin phép Trung ương và doanh nghiệp cũng cứ thế mà làm không phải xin phép chính quyền.
- 12-10-2021Báo Anh: Chuỗi cung ứng toàn cầu liên tục tắc, doanh nghiệp vận tải sẵn sàng rút ngắn các tuyến chở hàng
- 11-10-2021Ứng dụng Việt Cốc Cốc vẫn hoạt động ổn định trên Windows 11 sau khuyến cáo của Microsoft
- 07-08-2018Ông Vũ Tiến Lộc: Vui vì vốn cho DNNVV chuyển từ "may sẵn" sang "may đo"
Ngày 11/10 báo Kinh tế & Đô thị phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội (Hanoisme) đã tổ chức buổi tạo đàm trực tuyến "Doanh nghiệp Việt bản lĩnh, sáng tạo và trách nhiệm trước đại dịch".
Phát biểu tại buổi tọa đàm, TS. Vũ Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch VCCI cho biết, doanh nghiệp trên cả nước đang rất khó khăn, 'mở cửa' là nhân tố quan trọng đầu tiên để "trợ thở" cho doanh nghiệp thời điểm hiện tại.
Ông Lộc chia sẻ, khi doanh nghiệp đối mặt với COVID-19, khó khăn lớn nhất là giãn cách xã hội. Khi đó toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp ngưng trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, người lao động không thể quay trở lại nơi sản xuất. Doanh nghiệp cố duy trì sản xuất thì chi phí tăng, hàng hóa tồn đọng không thể giao thương, buôn bán được.
"Doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản, mất khả năng thanh toán. 9 tháng đầu năm 85.000 doanh nghiệp thành lập mới nhưng 90.000 doanh nghiệp đã rời khỏi thị trường - đây là lần đầu tiên số doanh nghiệp rời bỏ thị trường lớn hơn số doanh nghiệp mới thành lập. Khảo sát mới đây cho thấy, phần lớn doanh nghiệp không thể tiếp tục trụ vững trong 3-6 tháng tới nếu tình hình phòng chống dịch không có gì thay đổi", ông Lộc nói.
TS. Vũ Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch VCCI. Ảnh: Internet.
Ông Lộc cho biết, theo phản ánh của doanh nghiệp, trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp vẫn có đơn hàng nhưng khoảng 20% hợp đồng đã chuyển đi nơi khác do các nước xung quanh phục hồi nhanh hơn.
Để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới, nguyên Chủ tịch VCCI khuyến cáo, Chính phủ cần thực hiện bằng được “5T”.
Thứ nhất là trợ thở cho doanh nghiệp, tức là mở cửa một cách kiên định, nhất quán. "Phải có Luật sống chung với dịch để các địa phương cứ thế mà làm không phải xin phép Trung ương và doanh nghiệp cũng cứ thế mà làm không phải xin phép chính quền", ông Lộc nói.
Thứ hai là giải pháp tiếp máu cho doanh nghiệp liên quan tới các chính sách tài khoá, tiền tệ, an sinh xã hội. Dù đã có những gói hỗ trợ được ban hành nhưng doanh nghiệp cần nhiều hơn thế để có thêm nguồn lực bổ sung mới, cùng với đó là sự cộng hưởng của chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ. "Ngay cả việc giải ngân các gói hỗ trợ đã ban hành cũng đang còn nhiều dư địa khi giải ngân đầu tư công, giải ngân gói hỗ trợ mới đạt lần lượt 50% và 47%".
Thứ ba là cần thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Doanh nghiệp không chỉ cần mở cửa, mà cần tăng sức cạnh tranh, nâng cao năng lực của doanh nghiệp bằng các khóa đào tạo, tập huấn miễn phí, hiệu quả trên quy mô toàn quốc.
Thứ tư là cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường cạnh tranh. Mục tiêu của Việt Nam là trở thành nền kinh tế có môi trường kinh doanh tốt nhất trong khu vực Asean. Vì vậy, nếu không nhanh chóng cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường cạnh tranh thì không thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và vực dậy nền kinh tế.
Thứ năm là tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối lại thị trường theo phương thức mới. Trong bối cảnh dịch bệnh không thể làm trực tiếp thì có thể làm trực tuyến.
Riêng đối với các doanh nghiệp, ông Lộc khuyến nghị, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực, nâng cao hiệu quả, khả năng chống chịu với mọi nghịch cảnh bằng chuyển đổi số. Tiếp đến là xanh hóa, xây dựng mô hình kinh doanh bảo vệ môi trường. Cuối cùng là hướng tới "xã hội hóa doanh nghiệp". Đây là định hướng chiến lược mà doanh nghiệp cần tính đến.
"Giá trị của doanh nghiệp, doanh nhân hiện nay không chỉ đơn thuần là có bao nhiêu tài sản. Trong bối cảnh mới, doanh nghiệp không đặt còn đặt mục tiêu lợi nhuận làm tối thượng mà phụng sự xã hội mới là giá trị bền vững, cốt lỗi. Giá trị doanh nhân không nằm ở việc có bao nhiêu tiền mà ai là người tiên phong mang lại hạnh phúc cho xã hội; tầm vóc doanh nhân được đánh giá bằng việc cống hiến bao nhiêu cho xã hội", ông Lộc nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh cho rằng, doanh nghiệp cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ từ Chính phủ.
Ông Nghĩa dẫn kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước đang tung những gói hỗ trợ nền kinh tế lên tới hàng nghìn tỷ USD để tạo sức bật và phục hồi nhanh chóng.
"Mỹ đã tài trợ cho người dân khoảng 5.800 tỷ USD, tương đương khoảng 1/4 GDP năm 2020. Nhật Bản cũng đã dành trên 60% GDP với mục tiêu duy trì lực lượng lao động, đồng thời cho doanh nghiệp lớn vay, bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ vay qua ngân hàn. Hay GDP châu Âu vào khoảng 15.000 tỷ USD thì các nước này cũng đã dùng tới 6.000 tỷ USD hỗ trợ nền kinh tế", ông Nghĩa nói.
Theo đó, ông Nghĩa cho rằng, nếu Việt Nam chỉ dành khoảng 1/4 GDP là khoảng 100 tỷ USD thì doanh nghiệp và người dân sẽ được hưởng lợi rất lớn, cùng với đó sẽ tạo sức bật cho doanh nghiệp đang cần hà hơi, thổi ngạt.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh cho biết, đơn vị này đang đưa đề xuất tới Chính phủ, nên có cơ chế để vay tiền của NHNN, tức là NHNN phát hành trái phiếu khoảng vài chục tỷ USD để phục hồi nền kinh tế. Giải pháp hỗ trợ là tài trợ thẳng cho doanh nghiệp để chi trả lương cho công nhân. "Đây là thời điểm Chính phủ cần tin tưởng vào doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển thay vì lo sợ tiêu cực, thất thoát ngân sách. Các giải pháp cần làm nhanh và mạnh", ông Nghĩa nói.
Cuối cùng, ông Nghĩa đề xuất, hiện doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch tài chính cho năm 2022. Điều mong mỏi đầu tiên của doanh nghiệp là giãn, hoãn nợ, các loại thuế cho đến năm 2023; Các ngân hàng thương mại muốn có sự đảm bảo về thanh khoản từ NHNN khi hỗ trợ cho doanh nghiệp vay. Tức trong bất cứ hoàn cảnh nào, khi người gửi tiền tới rút tiền thì các ngân hàng đều đảm bảo thanh khoản, có tiền để trả cho người dân.
Nhà đầu tư