MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Vũ Viết Ngoạn: “Tăng trưởng của Việt Nam đối mặt với nền kinh tế số, thương mại không biên giới”

Ông Vũ Viết Ngoạn cho rằng nền kinh tế số tạo ra sự cạnh tranh không biên giới, Việt Nam cần có tư duy đột phá, không câu nệ từ ngữ để “đi tắt đón đầu” mới mong phát triển.

Không còn dư địa cho tăng trưởng nhờ vốn

Tại buổi gặp gỡ giữa Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) và Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ về chủ đề: “Động lực tăng trưởng kinh tế”, ông Vũ Viết Ngoạn cho rằng Việt Nam cần đổi mới mô hình tăng trưởng.

Vì Việt Nam đã trở thành nền kinh tế đạt mức thu nhập trung bình từ năm 2010. Thách thức đối với các nền kinh tế có mức thu nhập trung bình là lợi thế cạnh tranh giảm dần.

Thực tế thế giới cho thấy trong 5 thập kỷ trở lại đây, chỉ có vài chục nước thoát khỏi đói nghèo và trở thành nền kinh tế có mức thu nhập trung bình, nhưng cũng chỉ có rất ít quốc gia thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” và trở thành nước có thu nhập cao.

Việt Nam với một nền kinh tế chủ yếu dựa vào đầu tư khi chính sách tiền tệ có dư nợ tín dụng đạt 130% GDP . Với tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện nay là 17-18%/năm, có nghĩa mỗi năm tiền “bơm” thông qua tín dụng cao hơn tăng trưởng GDP danh nghĩa là 7%, cộng với lạm phát lên khoảng 11%.

Ước tính đến năm 2020, dư nợ tín dụng đạt trên 150-160% GDP, cộng với nợ Chính phủ chiếm 50% GDP, tổng cộng là 200% GDP. Đây là “núi nợ” khá lớn nên dư địa không còn, việc tăng trưởng dựa vào yếu tố lượng sẽ không còn.

Việt Nam cần dựa vào 3 nhân tố để phát triển

Cuộc cách mạng công nghệ số đang tác động rất lớn vào nền kinh tế toàn cầu, nó đang định dạng lại mô hình tăng trưởng của mỗi quốc gia, không có quốc gia nào tăng trưởng mà không có yếu tố công nghệ.

Vậy chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam theo hướng nào?

Trong thời gian tới, mô hình tăng trưởng của Việt Nam phải nhấn mạnh tới 3 nhân tố.

Nhân tố đầu tiên là đổi mới công nghệ. Đây là nhân tố quyết định tạo ra sự đột phá.

Nhân tố thứ hai là kinh tế số, cạnh tranh không biên giới. Nếu trước đây giai đoạn WTO – toàn cầu hóa thương mại khiến hàng rào thuế quan, phi thuế quan được giảm dần. Nhưng nay, nền kinh tế số xóa nhòa biên giới giữa các lĩnh vực, tạo sự cạnh tranh hoàn toàn khác.

Nhân tố thứ ba là đổi mới sáng tạo cần thay đổi tư duy cả ở cấp thị trường và cấp chiến lược, tạo lập chính sách.

Việt Nam là nền kinh tế chuyển đổi từ nền kinh tế chỉ huy sang nền kinh tế thị trường, việc chuyển đổi tư duy rất quan trọng, chuyển đổi mô hình kinh tế dựa vào đầu tư sang mô hình đổi mới sáng tạo.

Ba thách thức cho Việt Nam đổi mới

Thách thức thứ nhất là đảm bảo sự đồng bộ về tư duy.

Cải cách phải vượt qua được rào cản tư duy. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN thì nội hàm cụ thể là gì?

Việc tiếp nhận nền kinh tế thị trường liệu có đầy đủ quy luật của nó không? Nền kinh tế thị trường hiện đại thì kinh tế thị trường tại Mỹ, Anh, EU có hiện đại không? Phải thoát ra được việc dùng từ ngữ mang tính hình thức, không làm rõ hội hàm cụ thể.

Bài học về sự chuyển đổi trong 30 năm qua, đó là đổi mới ngành nông nghiệp đã không thành công, chưa tạo được một nền sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn, tập trung, đất đai vẫn còn manh mún. Việt Nam cho đến giờ vẫn còn lúng túng, tranh luận “chế độ sở hữu” hay là “hình thức sở hữu”, làm mất nhiều thời gian.

Do vậy, những người làm chính sách, chiến lược phải tự thoát ra khỏi chính mình, tạo hệ tư tưởng mới, không còn quan trọng về từ ngữ.

Thách thức hai là di sản của mô hình tăng trưởng cũ.

Đó là, nền nông nghiệp chưa có sản xuất lớn, lực lượng doanh nghiệp với số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98% có công nghệ trung bình thấp. Bên cạnh đó, hệ thống tài chính chưa vững mạnh.

Thách thức thứ ba là công nghệ số.

Cách mạng công nghệ số sẽ tạo sự phân cực rõ nét. Sự phân cực là yếu tố nguy hiểm tạo ra sự mất cân đối cho phát triển, cũng như vấn đề an ninh quốc gia.

Nền kinh tế số sẽ tác động đến kinh tế vi mô nhiều hơn kinh tế vĩ mô. Nhà hoạch định chính sách phải đi từ góc độ thị trường để đưa ra chính sách phù hợp.

Cấu trúc thị trường bị đảo lộn. Hệ quả đó là “sáng tạo hủy diệt”. Nhiều doanh nghiệp nếu không tiếp cận được công nghệ mới phải “ra đi”. Thay vào đó là những doanh nghiệp mới, ngành mới.

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2025, các doanh nghiệp hệ có sinh thái sẽ có doanh thu 60.000 tỷ USD, chiếm 30% tổng doanh thu của tất cả các doanh nghiệp trên toàn cầu.

Có sự phân hóa rất lớn giữa các doanh nghiệp, 20 doanh nghiệp trong nhóm đầu chiếm tới 90% lợi nhuận, gấp 30 lần của 3 nhóm tiếp theo, nhóm cuối hầu như không có lợi nhuận.

Trong Top 10, có 2 doanh nghiệp có mức lợi nhuận bằng tổng của 8 doanh nghiệp còn lại, tạo ra những “người khổng lồ”, những “con khủng long” và sẽ là một sự cạnh tranh cực kỳ khốc liệt.

Ranh giới thị trường sẽ bị xóa nhòa. Tạo ra ngành mới, đó là ngành đa ngành, hay là ngành tích hợp chỉ phục vụ cho một nhóm đối tượng khách hàng. Họ chỉ cần một cổng dữ liệu, rất nhiều ngành có thể sử dụng chung dữ liệu này.

Chính sách cho Việt Nam: “Phát triển hay là chết”?

Để thực hiện mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào đổi mới sáng tạo, Việt Nam cần phải tạo ra xung lực mới cho tăng trưởng. Công nghệ đột phá đòi hỏi tư duy đột phát, vượt qua rào cản hệ tư tưởng. Vấn đề này phải được đặt ra ở cả cấp quốc gia và doanh nghiệp. Phải nhận thức được sâu sắc “Phát triển hay là chết”.

Ở cấp quốc gia phải nhận thức được vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” hay chấp nhận sự đói nghèo?

Cuộc cách mạng số không phủ nhận vai trò của Chính phủ. Các nhà kinh tế đã nghiên cứu cho thấy các mô hình kinh tế của các nước Đông Nam Á thì sức mạnh được ảnh hưởng bởi Chính phủ. Mỗi khi có sự chuyển tiếp một thể chế đều phải có vai trò quan trọng của Chính phủ.

Tại Mỹ cũng vậy. Cuộc cách mạng công nghệ máy tính thế hệ 1 của Mỹ với sự ra đời của IBM… là những “đứa con” của Chính phủ. Chính phủ Mỹ đã đầu tư rất nhiều, nuôi dưỡng và tạo điều kiện cho những doanh nghiệp này phát triển. Đến thế hệ thứ 2 với sự ra đời của Microsoft, nếu công ty này không có “mảnh đất màu mỡ” từ Chính phủ là sử dụng gần như toàn bộ các thiết bị, phần mềm, dữ liệu từ các công ty công nghệ này.

Việt Nam cần “đi tắt đón đầu” trong công nghệ, xây dựng Chính phủ số, tạo dựng kho dữ liệu, đây là một tài nguyên quốc gia quý giá.

Đối với ngành công nghiệp truyền thống, nếu lực nào đột phá được thì cho đột phá, những lĩnh vực công nghiệp mới cần tiệm cận ngay.

Do đó, phải xây dựng được văn hóa sáng tạo, ứng dụng và truyền bá công nghệ, phải có khát vọng ở cả Chính phủ và doanh nghiệp. Ở Việt Nam việc truyền bá công nghệ còn rất chậm. Nếu doanh nghiệp nào có ý tưởng thì sợ lộ.

Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy nếu 75% doanh nghiệp nhóm dưới của Anh có sức truyền bá công nghệ như doanh nghiệp Đức, GDP của Anh có thêm 100 tỷ bảng mỗi năm. Điều này cho thấy doanh nghiệp Đức truyền bá công nghệ rất tốt.

Nhận thức về vấn đề này, Tổ tư vấn đã trình Chính phủ xây dựng một Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động, để tạo lập văn hóa chuyển giao ý tưởng.

Khung khổ thế chế cần tránh cú sốc về chuyển đổi, khi cấu trúc thị trường bị đảo lộn. Rất nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được công nghệ có thể bị phá sản. Cuộc cạnh tranh mới hết sức khốc liệt, kể cả những ông lớn cũng có thể sụp đổ.

Năm 2017, có 20 doanh nghiệp hoạt động về thương mại điện tử thì có đến 18 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có vốn đầu tư từ Trung Quốc. Các startup sau khi thành công, nếu được giá 2-3 triệu USD thì muốn bán. Nhà nước không thể đứng ngoài chuyện này.

Ngoài ra, đầu tư vào R&D (nghiên cứu và phát triển) của Việt Nam hiện chỉ có 0,4% GDP/năm, chưa nói đến hiệu quả. Trong khi đó, nền kinh tế hàng đầu về R&D là Hàn Quốc, Israel đầu tư 5-6% GDP vào R&D, các nền kinh tế khác khoảng 4% GDP. Trung Quốc năm 2017, đã đầu tư gần 400 tỷ USD cho R&D, Mỹ khoảng gần 500 tỷ USD.

Trong điều kiện Việt Nam phải kết nối được 3 nhà: Nhà hoạch định chính sách – Doanh nghiệp – Nhà khoa học. Không thể nhà nào nói tiếng nói riêng rẽ.

Cuối cùng, Việt Nam cần thiết ban hành Dự thảo luật về An toàn hệ thống hoặc ghép vào các luật hiện hành để có điều khoản “An toàn hệ thống”, Chính phủ cần chú ý tới việc mua bán vốn có yếu tố của nước ngoài.

Theo Lan Anh

BizLive

Trở lên trên