OPEC+ hoãn việc đàm phán tiếp đến 3/12 vì còn có bất đồng, giá dầu lao dốc
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh, trong đó có Nga (gọi là OPEC+) đã bước vào ngày đàm phán đầu tiên 1/12 về việc có hay không kéo dài việc cắt giảm sản lượng vào đầu năm 2021 do số ca nhiễm Covid-19 vẫn tăng nhanh gây lo ngại sụt giảm nhu cầu dầu.
Trong ngày đàm phán đầu tiên, các thành viên OPEC đã cơ bản đồng thuận về việc cần phải kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng thêm 3 tháng đầu của năm 2021, nhưng với điều kiện các nước đồng minh của họ ủng hộ điều này.
Việc OPEC+ chưa đi đến thỏa thuận cuối cùng đã gây áp lực giảm giá lên thị trường dầu mỏ trong phiên cuối cùng của tháng 11.
Giá dầu thô ngày 30/11 kết thúc đồng loạt giảm trên cả 2 sàn London và New York. Cụ thể, dầu Brent kỳ hạn tháng 1/2021 (đáo hạn ngày 30/11) đã giảm 0,59 USD hay 1,22% xuống 47,59 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao cùng kỳ hạn giảm 0,19 USD hay 0,42% xuống 45,34 USD/thùng.
Mặc dù giảm ở mấy phiên cuối tháng, song tính chung cả tháng 11, giá dầu đã tăng mạnh khoảng 25%, mức tăng theo tháng nhiều nhất kể từ tháng 5, do những tiến triển trong nghiên cứu các loại vắc xin Covid-19 làm dấy lên hy vọng đại dịch sẽ sớm chấm dứt và kinh tế thế giới sẽ nhanh chóng phục hồi.
Bộ trưởng Năng lượng Algeria, người giữ chức Chủ tịch luân phiên của OPEC, hôm qua cho biết, đã có "sự đồng thuận trong OPEC" về việc kéo dài thời gian áp dụng mức cắt giảm nguồn cung hiện tại (7,7 triệu thùng/ngày) thêm ba tháng nữa kể từ tháng 1/2021. Mức 7,7 triệu thùng tương đương khoảng 8% nhu cầu dầu toàn cầu.
Saudi Arabia đi đầu trong những nước ủng hộ việc kéo dài này.
Theo kế hoạch ban đầu, đến tháng 1/2020 lộ trình cắt giảm sản lượng sẽ giảm từ 7,7 triệu thùng/ngày còn 5,7 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, với diễn biến dịch bệnh hiện nay, trong khi mùa Đông đến có nguy cơ dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ hơn nữa, nhu cầu dầu mỏ thế giới có thể sụt giảm mạnh.
Trên thực tế, nhu cầu dầu ở Châu Á đã hồi phục, nhưng ở Châu Âu và Châu Mỹ vẫn còn rất yếu. Với sự hồi phục không đồng đều như vậy, các nhà phân tích nhìn chung dự báo giá dầu năm 2021 sẽ thấp.
OPEC+ đã quyết định hoãn việc đàm phán tiếp đến 13h00 GMT ngày thứ Năm (ngày 3/12) vì các thành viên đàm phán chính thức còn một số bất đồng về mức giảm sản lượng dầu.
Ở vòng đàm phán sơ bộ diễn ra hôm 29/11, Nga đề xuất việc OPEC+ bắt đầu nâng sản lượng thêm 0,5 triệu thùng/ngày kể từ tháng 1/2021. Trong khi đó, Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất cho biết họ sẵn sàng hỗ trợ kế hoạch trì hoãn nâng sản lượng nếu các thành viên của khối tuân thủ tốt hơn các quy định cắt giảm sản lượng.
Tại cuộc họp hôm 30/11, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết ông sẽ từ chức đồng chủ tịch Ủy ban giám sát cấp bộ, nhưng không nói rõ lý do.
Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, cho biết sự khác biệt giữa Nga và OPEC không còn nghiêm trọng như hồi đầu năm 2020, khi những bất đồng dẫn đến sự sụp đổ trong các cuộc đàm phán và sản lượng tăng vọt. Tuy nhiên, ông Peskov cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin không có kế hoạch gặp gỡ lãnh đạo Saudi Arabia trước cuộc họp OPEC +, một động thái mà trước đây đã giúp giải quyết được mọi tranh chấp giữa họ.
Quyết định của OPEC lúc này là rất khó khăn, vì phải cắt giảm sản lượng ở mức nào để đủ giúp cho ngân sách của họ không thiếu hụt quá nhiều, đồng thời có thể hỗ trợ giá dầu giữa bối cảnh sản lượng của các đối thủ, nhất là Mỹ, tăng mạnh.
Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ sẽ có xu hướng tăng mạnh nếu giá dầu tăng lên trên 50 USD/thùng.
Ngoài ra, một thách thức nữa trong quyết định của OPEC+ là khả năng về tài chính, khi mà Moscow chịu đựng giá dầu thấp tốt hơn Riyadh.