MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ớt Việt Nam có gì đặc biệt mà Trung Quốc thu mua mạnh? Hóa ra có vô vàn tác dụng

19-10-2024 - 14:36 PM | Sống

Ớt Việt Nam có gì đặc biệt mà Trung Quốc thu mua mạnh? Hóa ra có vô vàn tác dụng

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ớt Việt Nam. Lâu nay, ớt được biết đến là gia vị, các dược tính quý của ớt lại ít người biết tới.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), 6 tháng đầu năm nay, sản lượng ớt Việt Nam xuất khẩu đạt 7.326 tấn với tổng kim ngạch đạt 17,9 triệu USD, tăng mạnh gần 32% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Cũng theo VPA, xuất khẩu ớt của Việt Nam sang Trung Quốc nửa năm nay tăng mạnh hơn các năm. 

Giải thích lý do vì sao Trung Quốc tăng thu mua ớt Việt Nam trên báo Tuổi Trẻ, ông Hà Anh Tuấn (đơn vị thu mua ớt xuất khẩu ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cho hay: “Ớt Việt có độ cay cao và có nhiều loại khác nhau, chẳng hạn ớt chỉ thiên, ớt hiểm, ớt sừng vàng, ớt ngọt… đều rất cay”.

Ớt Việt Nam có gì đặc biệt mà Trung Quốc thu mua mạnh? Hóa ra có vô vàn tác dụng- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Tác dụng chữa bệnh của ớt

Nói về tác dụng dược lý của ớt, BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược (Cơ sở 3) cho hay, quả ớt có nhiều tên gọi khác nhau như lạt tiêu, lạt tử, ngưu giác tiêu, hải tiêu... Ớt có tên khoa học là Capsium frutescens L; Capsium annuum L., thuộc họ Cà Solanaceae. Ớt có thể được trồng hoặc mọc hoang. Các bộ phận của cây ớt như quả, rễ và lá đã được dùng làm thuốc từ nhiều đời nay.

Theo y học cổ truyền, ớt có vị cay, nóng, tác dụng tán hàn, kiện tỳ, tiêu thực, chỉ thống (giảm đau), kháng nham (chữa ung thư...). Trong dân gian, ớt thường được dùng để chữa đau bụng do lạnh, tiêu hóa kém, đau khớp, dùng ngoài chữa rắn rết cắn...

Nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy trong ớt có chứa một số hoạt chất như Capsicain. Đây là một alkaloid chiếm tỷ lệ khoảng 0,05-2%. Bác sĩ Vũ cho hay, Capsaicin có tác dụng kích thích não bộ sản xuất ra chất Endorphin (chất Morphin nội sinh) có đặc tính như những thuốc giảm đau, đặc biệt có ích cho những bệnh nhân bị viêm khớp mạn tính và các bệnh ung thư.

Ớt còn có tác dụng giúp máu lưu thông tốt, tránh được tình trạng đông vón tiểu cầu dễ gây tai biến tim mạch. Ngoài ra, ớt cũng có tác dụng ngăn ngừa tình trạng huyết áp tăng cao.

Theo bác sĩ Vũ, ớt có nhiều vitamin C, sắt, canxi, phốt pho và vitamin nhóm B… Do đó, loại quả này có thể khống chế bệnh tim mạch, xơ cứng động mạch và làm giảm cholesterol.

Đối với những bệnh như cảm cúm, cảm lạnh và những bệnh liên quan đến đường hô hấp thì ớt và các thức ăn cay là “thuốc ngừa” hiệu quả.

Bác sĩ Vũ nói thêm, các nhà khoa học của Viện Đại học Pittsburgh (Mỹ) đã chứng minh ớt có thể làm chậm quá trình phát triển của các tế bào ung thư, đặc biệt là ung thư tuyến tụy.

Một số bài thuốc từ ớt

Theo bác sĩ Vũ, quả ớt và các bộ phận khác của cây ớt có thể được sử dụng trong một số bài thuốc dưới đây:

Bài thuốc với quả ớt:

- Chữa rụng tóc do hóa trị liệu: Ớt trái 100g, ngâm với rượu trắng trong 10-20 ngày. Dùng rượu này bôi lên da đầu có tác dụng kích thích mọc tóc.

- Chữa ăn uống chậm tiêu: ớt trái dùng làm gia vị, ăn hàng ngày.

- Chữa đau dạ dày do lạnh: ớt trái 1-2 quả, nghệ vàng 20g, tán bột uống ngày 2-3 lần.

- Chữa viêm khớp mạn tính: ớt trái 1-2 quả; dây đau xương, thổ phục linh (củ khúc khắc) mỗi vị 30g. Sắc uống ngày 1 thang.

- Chữa đau lưng, đau khớp: ớt trái 15 quả, lá đu đủ 3 cái, rễ chỉ thiên 80g. Tất cả đem giã nhỏ, ngâm cồn với tỷ lệ 1/2, dùng để xoa bóp sẽ mau khỏi.

Bài thuốc với lá ớt:

- Chữa bệnh chàm (eczema): lá ớt tươi 1 nắm, mẻ chua 1 thìa. Hai thứ giã nhỏ, lấy vải sạch gói lại, đắp lên nơi bị chàm đã rửa sạch bằng nước muối.

- Chữa rắn rết cắn: lá ớt giã nhỏ, đắp vào nơi bị thương, băng lại. Ngày làm 1-2 lần cho đến khi hết đau, 2-3 giờ là khỏi.

- Chữa bệnh vẩy nến: lá ớt cay 1 nắm to, đem sao chín nhưng không cháy, tinh tre đằng ngà cạo lấy 1 bát, lá sống đời (lá thuốc bỏng) 7-9 lá, thiên niên kiện khoảng 300g. Tất cả cho vào nồi với 2 lít nước, đun sôi kỹ, uống dần thay nước chè, uống chừng 3 ấm là khỏi.

- Chữa mụn nhọt: lá ớt giã nát với ít muối, dùng đắp vào nhọt đang mưng mủ sẽ bớt đau nhức, dễ vỡ mủ, mau lành.

Bài thuốc với rễ cây ớt:

- Đau bụng kinh niên: rễ cây ớt, rễ chanh, rễ hoàng lực, mỗi thứ khoảng 10g, sao vàng, sắc uống ngày 1 thang.

Bác sĩ Vũ lưu ý, khi dùng ớt làm thuốc cần có sự tư vấn của người có chuyên môn để biết về mức độ an toàn, liều lượng thích hợp. Đặc biệt, cần sử dụng ớt có nguồn gốc rõ ràng và loại bỏ trái hỏng, mốc.

Theo Ngọc Minh

Đời Sống Pháp Luật

Trở lên trên