OTC dậy sóng
Thời gian qua một số tổng công ty giao dịch trên sàn Upcom thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư cũng đã thổi lửa cho các giao dịch OTC.
Cuối tuần trước, chị Ngọc Anh (Ba Đình) nhận được điện thoại từ một người tự xưng ở quỹ đầu tư muốn chào mua toàn bộ số cổ phần của một công ty thuộc lĩnh vực viễn thông chị đang nắm giữ. Không biết vì lí do nào, người này có được trong tay bản danh sách cổ đông của công ty, và có thể nói rành rọt số cổ phiếu chị đang nắm giữ. Một số bạn bè của chị Ngọc Anh đang nắm giữ cổ phiếu này cũng được gọi để chào mua. Được biết mục đích của quỹ này muốn tăng tỷ lệ sở hữu để có tiếng nói trong công ty, muốn đẩy nhanh quá trình niêm yết.
Trao đổi với một môi giới cổ phiếu OTC, anh này cho biết kể từ khi Bộ Tài chính ban hành thông tư 180 siết thời hạn giao dịch lên Upcom thị trường OTC đã có những chuyển dịch đáng kể. Thông tư 180 yêu cầu các công ty đã là công ty đại chúng phải hoàn tất thủ tục đăng ký giao dịch trên Upcom trong vòng 1 năm kể từ ngày 1/1/2016 là ngày Thông tư có hiệu lực. Một số nhà đầu tư đã bắt đầu gom mua các cổ phiếu OTC sau khi biết các doanh nghiệp này chuẩn bị lên Upcom hoặc các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh đột biến. Thời gian qua một số tổng công ty giao dịch trên sàn Upcom thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư cũng đã thổi lửa cho các giao dịch OTC.
Các cổ phiếu đang được săn đón nhiều nhất là cổ phiếu của Thaco với giá khoảng 74.000 – 80.000 đồng/cp, tuần trước, Thaco của Ô tô Trường Hải được chào mua ở vùng giá 60 – 64 nghìn đồng/cp do có các thông tin liên quan lợi nhuận trước thuế lớn gần 7400 tỷ. Ông lớn ngành ô tô này đã tăng quy mô tài sản lên 30.810 tỷ đồng, doanh thu năm 2015 xấp xỉ 2 tỷ USD. EPS cả năm tăng gấp đôi so với năm 2014, lên 18.758 đồng/cp. Mặc dù không đề cập gì đến việc niêm yết nhưng Thaco hiện tại vẫn đang là cổ phiếu được săn lung nhiều nhất trên thị trường OTC.
Hiện tại, trên website sàn OTC, giá cổ phiếu Thaco đang được chào mua ở mức giá 74.000 đồng/cp trong khi bên bán chào giá 80.000 đồng/cp.
Trong khi đó, các cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất chủ yếu là nhóm cổ phiếu ngân hàng dưới mệnh giá như VPBank (7.900 – 8.200 đồng/cp), Saigonbank (7.300 – 8.000 đồng/cp), AnBinhBank (4.000 – 5.000 đồng/cp), nhóm cổ phiếu xây dựng như công trình Viettel (11.000 – 13.000 đồng/cp)…
Cổ phiếu Techcombank được chào mua ở mức giá 10.500 đồng/cp. Techcombank lần đại hội cổ đông này xin ý kiến cổ đông về việc niêm yết cổ phiếu, ủy quyền HĐQT lựa chọn sẽ giao dịch cổ phiếu TCB trên sàn HSX, HNX hay Upcom. Sau thông tin này lượng chào mua cổ phiếu TCB khối lượng lớn cũng tăng vọt.
Cổ phiếu của CTCP Viễn Thông FPT đang được chào mua ở vùng giá 48.000 đồng/cp, cổ phiếu Thibidi của CTCP Thiết bị điện, công ty liên kết của GEX được chào mua giá 39.000 đồng/cp.
Cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang được thị trường chào bán với giá 19.000 – 20.000 đồng/cp, trong khi mức giá trúng bình quân trong phiên IPO của ACV cách đây 4 tháng chỉ ở mức 14.344 đồng/cp. Tại Đại hội cổ đông thường niên lần đầu năm 2016, đại diện ACV cho biết dự kiến đăng ký kinh doanh để CTCP đi vào hoạt động trong tháng 4 sau đó tháng 7 sẽ đăng ký UPCoM. Và theo luật định, trong 12 tháng ACV sẽ phải đăng ký niêm yết. ACV dự kiến chào bán 166,16 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược - Tập đoàn Aéroport de Paris (AdP) đến từ Pháp với giá khởi điểm 13.100 đồng/cp – là giá trúng thấp nhất trong đợt IPO. Với mức giá này, AdP sẽ phải chi gần 2.200 tỷ đồng để sở hữu 7,4% vốn điều lệ ACV. Toàn bộ cổ phần này hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 10 năm.
Năm 2015, ACV ước đạt doanh thu 11.876 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2014; LNTT ước đạt 2.155 tỷ đồng, lần lượt vượt 12% và 65% kế hoạch năm. Năm 2016, ACV đặt kế hoạch doanh thu 12.095 tỷ đồng, tăng 5% so với kết quả năm 2015; LNTT chưa tính chênh lệch tỷ giá dự kiến đạt 2.056 tỷ đồng. Cổ tức dự kiến 5%.
Những nỗ lực của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội trong việc tăng tính thanh khoản trên sàn Upcom đang được ghi nhận. Trong buổi trao đổi với báo giới, Phó Tổng giám đốc HNX ông Nguyễn Vũ Quang Trung cho biết trong năm 2016, thị trường UPCoM sẽ đón nhận hàng loạt các chính sách mới, trong đó tiêu biểu là việc thực hiện phân bảng, áp dụng bộ chỉ số riêng tiến tới việc thực hiện ký quỹ đối với một số cổ phiếu trên UPCoM và cơ chế giao dịch Pre-UPCoM. Việc cho vay ký quỹ đối với các cổ phiếu Upcom sẽ kích hoạt dòng tiền vào thị trường này. Thực tế có khá nhiều cổ phiếu trên sàn Upcom có kết quả kinh doanh tương đối tốt nhưng thanh khoản kém nên không được nhà đầu tư quan tâm.
Người đồng hành