MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Pan Farm nhận 400 tỷ đồng đầu tư, ông Nguyễn Duy Hưng muốn đối tác góp cả của và công

04-05-2017 - 18:58 PM | Doanh nghiệp

IFC, thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, và một số đối tác trong nước và quốc tế đã đầu tư 400 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Pan Farm để hỗ trợ mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trong lễ ký kết đầu tư chiều 4/5, tổ chức tài chính quốc tế IFC (thành viên của nhóm Ngân hàng thế giới), Quỹ Đầu tư tăng trưởng Việt Nam Daiwa-SSIAM (đồng quản lý bởi Daiwa Corporate Investment, thuộc Daiwa Securities Group và Công ty quản lý quỹ SSI), Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã ký thoả thuận đầu tư 400 tỷ cho Công ty Cổ phần PAN Farm (thuộc Tập đoàn PAN - The PAN Group).

Riêng IFC đã đầu tư 230 tỷ đồng, tương đương 10,2 triệu USD vào PAN Farm để hỗ trợ mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh giống cây trồng hiện tại cũng như phát triển sang các lĩnh vực mới như sản xuất hoa, rau và quả đạt chất lượng xuất khẩu, góp phần tăng cường an toàn thực phẩm và tạo thêm hàng trăm việc làm. Ngoài ra, với 230 tỷ đồng, IFC nắm giữ 10,4% cổ phần của PAN Farm.

Bà Nguyễn Thị Trà My, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PAN Farm, nhấn mạnh việc huy động vốn thành công cho thấy sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài với tiềm năng trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam nói chung và PAN Farm nói riêng. Bên cạnh đó, quá trình hợp tác sẽ xây dựng và củng cố nền tảng công nghiệp của Tập đoàn PAN.

Lễ ký kết hợp đồng đầu tư giữa PAN Farm và các đối tác trong và ngoài nước.

Lễ ký kết hợp đồng đầu tư giữa PAN Farm và các đối tác trong và ngoài nước.

Ông Kyle Kelhofer, giám đốc Quốc gia của IFC tại Đông Dương, khẳng định: “Ưu tiên của chúng tôi là hỗ trợ ngành nông nghiệp Việt Nam để canh tác các loại cây trồng có năng suất tốt, hiệu quả và có khả năng chống chịu với những thay đổi về khí hậu, môi trường. Với sự hỗ trợ của IFC, các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và môi trường cũng như xã hội của PAN Farm sẽ theo kịp tiêu chuẩn quốc tế đồng thời góp phần nâng cao tiêu chuẩn ngành ở Việt Nam”.

Góp của và góp công

Chia sẻ về quá trình hợp tác với IFC và Quỹ Đầu tư tăng trưởng Việt Nam Daiwa-SSIAM, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Tập đoàn PAN – công ty mẹ của PAN Farm, nhấn mạnh tiền đầu tư chỉ là một phần trong thoả thuận vừa đạt được.

“IFC là tên tuổi lớn trên toàn cầu, đầu tư khắp thế giới nên có khả năng chắp nối thị trường một cách dễ dàng. Ngoài ra, họ còn có đội ngũ chuyên gia làm việc hiệu quả, sẵn sàng hỗ trợ. Nếu cần thị trường, họ cũng có thể hỗ trợ được nhanh chóng. Nếu cần sự hỗ trợ để phát triển, IFC là lựa chọn cực tốt”, ông Hưng nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Hưng cũng khẳng định PAN Farm muốn đi theo mô hình làm nông nghiệp của một công ty Nhật Bản với tiêu chuẩn chất lượng cao đã được cả thế giới biết đến. Khi làm việc trực tiếp, PAN Farm chỉ có thể gọi được một vài đối tác. Tuy nhiên, thông qua Daiwa, công ty có thể tiếp cận được rất nhiều đối tác ở thị trường Nhật đồng thời nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình cả về vốn và công nghệ từ phía họ.

“400 tỷ đồng không phải là lớn. Mô hình nông nghiệp thực phẩm rất thu hút các nhà đầu tư nhưng kiếm được một địa chỉ tin cậy để gửi tiền không phải dễ. Trong khi đó, chúng tôi hoạt động với chiến lược rõ ràng, dễ dàng gây dựng sự tin tưởng của các nhà đầu tư”, ông Hưng khẳng định sự hấp dẫn của PAN Farm.

Không lấy đất khỏi tay nông dân

Chia sẻ bên lề sự kiện, bà Nguyễn Thị Trà My, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PAN Farm, nhấn mạnh công ty đang hoạt động theo hình thức hợp tác với nông dân, để người nông dân có thể thu được lợi ích trên chính mảnh ruộng của mình thay vì mua lại quyền sở hữu đất của họ. Bản thân bà Trà My cũng khẳng định thị trường Việt Nam là mục tiêu hướng tới của PAN Farm sau 3 năm thành lập.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Duy Hưng cũng chỉ rõ những khó khăn khi tiếp cận thị trường trong nước thay vì sản xuất để xuất khẩu như hiện nay. Cụ thể, trong giai đoạn đầu, cần tạo ra sản phẩm chuẩn chất lượng. Sau đó, cần đào tạo nguồn nhân lực trước khi tìm kiếm các kênh tiêu thụ. Không thể đốt cháy giai đoạn bởi cần tính tới thói quen của người tiêu dùng.

"Với mặt hàng hoa của PAN Farm, sản phẩm của chúng tôi có thể cắm được tới 3 tuần. Bí quyết nằm ở công nghệ trồng và thu hoạch nên mặt hàng này rất hợp với thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, người Việt thích thay mới trong khi người Nhật sẵn sàng trả giá cao gấp nhiều lần để đổi lấy sự bền. Chúng tôi cần phát triển sản phẩm trên cơ sở thói quen tiêu dùng của người Việt để có thể phù hợp với thị trường Việt Nam thay vì duy ý chí là phải làm để phục vụ người Việt", ông Hưng khẳng định.

Ngoài ra, PAN Farm cũng đang có cơ chế hợp tác với nông dân dựa theo mô hình chuẩn mà công ty đưa ra. Hiện tại, mô hình này đã được áp dụng ở 60 tỉnh thành và PAN Farm bao tiêu sản phẩm mà người nông dân tạo ra theo đúng quy trình. Với sự bảo lãnh của công ty, các ngân hàng cũng dễ dàng chấp thuận các khoản vay cho người nông dân để có kinh phí sản xuất.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên