PAN Group đặt mục tiêu LNST tăng trưởng 48% lên 755 tỷ, tặng cổ đông 100kg gạo cùng nước mắm
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, PAN dự kiến trình cổ đông về việc không chi trả cổ tức năm 2022 để dành nguồn lực cho các kế hoạch M&A và kế hoạch tăng trưởng.
Ghi nhận trên Website Công ty, nhằm tri ân sự chia sẻ và đồng hành của các Quý Cổ đông, CTCP Tập đoàn PAN tiếp tục triển khai chương trình quà tặng dành cho những cổ đông nắm giữ từ 25.000 cổ phiếu PAN trở lên. Quà tặng bao gồm các sản phẩm nông nghiệp - thực phẩm chất lượng cao của Tập đoàn hiện được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao, bao gồm: 100kg gạo Vinaseed và 12 chai nước mắm thượng hạng 584 Nha Trang.
Thông qua chương trình này, PAN không chỉ khẳng định chất lượng những sản phẩm của Tập đoàn sản xuất, mà còn hiện thực hóa mong muốn giúp những cổ đông gắn bó lâu dài – người chủ thực sự của Công ty sẽ được thụ hưởng các sản phẩm cao cấp do mình đầu tư và góp phần kiến tạo.
Chương trình áp dụng cho các cổ đông nắm giữ 25.000 cổ phiếu PAN trở lên tại thời điểm chốt danh sách tham dự ĐHĐCĐ thường niên 2022 của Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) ngày 21/3/2022.
Năm 2022, PAN lên kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất đạt 14.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 755 tỷ đồng, lần lượt tăng 54,6% và tăng 48% so với mức thực hiện năm 2021. Lợi nhuận cổ đông công ty mẹ (lãi ròng) mục tiêu đạt 355 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng ở mức 20%. Trong đó, cụ thể các mảng gồm:
+ Mảng giống cây trồng, lương thực (Vinaseed) và thuốc bảo vệ thực vật, khử trùng: Sẽ hưởng lợi từ việc điều kiện thực hiện sản xuất kinh doanh bán hàng không còn bị cản trở do dịch bệnh, dãn cách năm 2022. Nhu cầu lương thực thiết yếu tăng cao cũng thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh Giống và sản phẩm bảo vệ thực vật.
+ Mảng thực phẩm bánh kẹo (BBC): Sẽ có phục hồi tốt cùng với sự tăng lên của sức cầu nội địa sau dịch, kỳ vọng doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng về mức trước dịch.
+ Mảng xuất khẩu thủy sản (FMC, ABT): Sẽ hưởng lợi từ nhu cầu lớn từ các thị trường Mỹ, Châu Âu, Nhật… khi các nước này đã mở cửa trước Việt Nam và đang trong giai đoạn phục hồi mạnh của nền kinh tế.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, PAN dự kiến trình cổ đông về việc không chi trả cổ tức năm 2022 để dành nguồn lực cho các kế hoạch M&A và kế hoạch tăng trưởng.
Trong năm 2021, Công ty cho biết đã không phát sinh hoạt động M&A lớn, một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây khó khăn cho công tác tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư. Phần lớn các khoản đầu tư mới trong năm của PAN là đầu tư mua để tăng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Khử trùng Việt Nam (VFC), góp vốn vào Thực phẩm Khang An.
Kết thúc năm qua, PAN ghi nhận doanh thu 9.972 tỷ đồng (tăng 19,7% so với năm 2020); lợi nhuận sau thuế 510 tỷ đồng (tăng 53,2% cùng kỳ). Tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản của PAN đạt 15.024 tỷ đồng, tăngmanhj 132% so với thời điểm đầu năm. Tổng nợ phải trả ghi nhận 7.444 tỷ đồng, tương đương 49% tổng tài sản. Trong đó nợ ngắn hạn là 5.993 tỷ đồng, nợ dài hạn là 1.451 tỷ đồng.
Nhịp sống kinh tế