MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Park Geun Hye - Bà chủ Nhà Xanh bất lực chờ đợi số phận được định đoạt

18-12-2016 - 18:00 PM | Tài chính quốc tế

Theo giới phân tích, cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã lãnh đạo đất nước theo cách nghiêm khắc nhưng lại không hề hiệu quả.

Khi bà Park Geun Hye chạy đua vào Nhà Xanh vào năm 2012, những người ủng hộ bà khẳng định nữ chính khách độc thân này đã “kết hôn cùng quốc gia”. Tuy nhiên, quốc gia đã quyết định “nộp đơn li dị”.

Những nhà lập pháp trong Quốc Hội Hàn Quốc đã nhất quyết bỏ phiếu bãi nhiệm bà Park sau khi vụ bê bối giật gân gây rúng động toàn quốc của bà được tiết lộ nhiều tuần trước.

Trước quyết định này, bà Park đã lên tiếng xin lỗi người dân: “Tôi thực sự xin lỗi vì đã gây ra tình hình hỗn loạn này”; đồng thời, bà cũng cam kết sẽ phối hợp với cơ quan điều tra về cáo buộc khẳng định bà âm mưu chiếm đoạt hàng chục triệu won của các tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc.

Là con gái của nhà lãnh đạo Park Chung Hee, bà Park sinh ra trong tình cảnh đất nước bị tàn phá do chiến tranh vào năm 1952. Phần lớn thời niên thiếu của bà Park là trốn sau những bức tường cao và những tiền đồn an ninh trong Phủ Tổng Thống ở trung tâm Seoul.

Khi còn trẻ, bà Park yêu thích học ngoại ngữ. Tuy nhiên, vào năm 1974, việc học tiếng Pháp tại Grenoble của bà đột ngột kết thúc sau khi mẹ bà bị ám sát. Thủ phạm là một người ủng hộ Bắc Hàn sinh ra tại Nhật Bản; mục tiêu của vụ ám sát vốn là ông Park Chung Hee.

Sau cái chết của mẹ mình, bà Park tiếp nhận nhiệm vụ của đệ nhất phu nhân Hàn Quốc, để kiểu tóc giống mẹ và giành được sự đồng cảm của cả một thế hệ mà sau này đã giúp bà đắc cử tổng thống.

Sự đồng cảm giành cho bà Park càng lớn hơn sau khi cha của bà bị chính giám đốc tình báo ông tín nhiệm ám sát trong Nhà Xanh vào năm 1979. Quá sốc trước vụ ám sát, bà Park lui về ở ẩn. Và phải tới 20 năm sau đó, phe bảo thủ mới có thể thuyết phục bà tham gia giới chính trị.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính hỗn loạn tại Châu Á vào năm 1997, bà Park cam kết khởi động lại nền kinh tế của một quốc gia vốn đã là một cường quốc trong khu vực. Lời hứa này đã giúp bà Park giành được một ghế trong Quốc Hội, và 15 năm sau đó, giúp bà trở thành tổng thống.

Theo giáo sư chính trị học Lee Joon Han từ trường Đại học Quốc Gia Incheon, “bà ấy đắc cử tổng thống bởi bà ấy đã xây dựng thành công hình ảnh một chính khách đáng tin cậy, một người tuân thủ nguyên tắc và luôn giữ lời hứa”. Dù vậy, “bà ấy đã không đạt được bất kỳ thành tựu nào. Nền kinh tế suy thoái. Nền văn hoá quốc gia không còn hưng thịnh như trước. Tự do dân chủ và tự do báo chí cũng suy giảm”. Ngoài ra, ông Lee cũng cho biết ông cảm thấy vô cùng bất ngờ trước những hành động bê bối mới được công bố của bà Park.

Với người dân Hàn Quốc, bà Park đã kế thừa toàn bộ những khuyết điểm của cha mình. Bà lãnh đạo đất nước một cách nghiêm khắc, nhưng rõ ràng, điều đó không đem lại lợi ích nào cho Hàn Quốc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm xuống còn 2,7% trong quý ba năm nay. Nợ hộ gia đình tăng vọt; xuất khẩu giảm mạnh.

Trước vụ bê bối, bà Park luôn được đánh giá cao nhờ đời sống trong sạch. Năm trong số sáu cựu lãnh đạo của Hàn Quốc đều vướng phải các vụ tham nhũng, nguyên nhân thường là do các thành viên trong gia đình họ lạm dụng đặc quyền của tổng thống. Khác với những vị lãnh đạo đó, bà Park không hề thân thiết với họ hàng, và cũng không thiếu tiền. Trong mắt người dân Hàn Quốc, bà là một chính khách trong sạch hiếm có.

Tuy nhiên, hình ảnh trong sạch này đã bị phá huỷ hoàn toàn vào tháng trước, khi các công tố viên cáo buộc bà Park có liên quan đến một âm mưu phạm tội do những người bạn tâm giao của bà đứng đầu.

Người bạn thân lâu năm của bà Park, “pháp sư cố vấn” Choi Soon Sil, bị truy tố lợi dụng vị trí của mình nhằm chiếm đoạt hàng chục triệu won của các tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc. Đồng thời, nhiều người tin rằng bà Choi còn đưa ra nhiều quyết định quan trọng thay tổng thống, bao gồm cả vấn đề trang phục.

Trước suy nghĩ tổng thống chỉ là một con rối, người dân Hàn Quốc nổi giận. Họ đã tiến hành biểu tình liên tục trong vòng sáu tuần nhằm yêu cầu bà Park từ chức. Số lượng người tham gia biểu tình đã đạt tới con số kỷ lục. Sau khi biểu tình thất bại, các nhà lập pháp nước này quyết định “phế truất” bà Park.

Giáo sư chính trị học Shin Yul từ trường Đại học Myongji cho biết: “Người dân nổi giận vì họ cảm thấy bị bà ấy phản bội. Thật khó để bàn về đóng góp của bà bởi chẳng ai biết đâu là ý kiến và chính sách của bà Park và đâu là của bà Choi”.

Bãi nhiệm tổng thống Park Geun Hye hiện là nhiệm vụ của toà án hiến pháp; trong vòng 180 ngày, toà án phải đưa ra phán quyết cuối cùng về vấn đề này. Khi toà án còn đang cân nhắc, bà Park chỉ có thể bất lực nép mình sau những bức tường cao của ngôi nhà thời thơ ấu, chờ đợi số phận của mình.

Quỳnh Mai

FT

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên