Peter Tuchman, môi giới chứng khoán được chụp ảnh nhiều nhất ở phố Wall với nguyên tắc không bao giờ đầu tư cổ phiếu
Tuchman cho biết ông chưa từng sở hữu cổ phiếu trong đời mình. "Tôi không ăn thức ăn tôi nấu. Nếu tôi bắt đầu lo lắng về chuyện lời lỗ của bản thân, thì đồng nghĩa tôi sẽ bớt tập trung cho sự sinh lời của khách hàng." – Tuchman nói. Ðiều này nghe có vẻ khá lạ lùng với một người luôn nắm giữ nguồn tin sớm về sự tăng giảm cổ phiếu như Tuchman.
Một trong những nhà môi giới chứng khoán được chụp ảnh nhiều nhất ở Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) chính là ông Peter Tuchman. Năm nay 63 tuổi, mái tóc bạc giống nhà bác học lừng danh Albert Einstein và những biểu cảm thú vị trên khuôn mặt đã khiến Tuchman được xem như là khuôn mặt đại diện của phố Wall.
Các nhiếp ảnh gia thường xuyên tìm đến ông để cho ra những bức ảnh lột tả cảm xúc trong ngày của nhà đầu tư. Tuchman sẽ giơ tay lên che miệng đầy kinh ngạc và tiếc nuối khi sắc đỏ bao phủ thị trường hoặc là sẽ nhảy lên vì sung sướng như khi thị trường đạt một mức điểm cao mới.
Tuchman bắt đầu tham gia NYSE vào năm 1985 với tư cách là một nhà phân tích từ xa và sau đó là một nhà môi giới độc lập với phong cách riêng. Sự nổi tiếng của ông đến khá muộn khi phải đến năm thứ 20 làm việc thì hình ảnh của ông mới hiện lên trang nhất của hàng loạt tờ báo. Đây chính là thời điểm năm 2008 với cuộc khủng hoảng tài chính trên toàn cầu. Sau đó, biểu cảm của nhà môi giới này ngày càng được dùng phổ biến để minh họa chiều xanh đỏ của cổ phiếu.
Sắc thái cảm xúc của Peter Tuchman (New York Post)
Tính cách của Tuchman là một người sôi nổi và hài hước. Ông cũng đặc biệt thích phát triển thương hiệu cá nhân. Trong phần tiểu sử trên tài khoản Twitter, ông đã miêu tả bản thân là "Einstein của phố Wall". Ông cũng thường xuyên trả lời phỏng vấn và xuất hiện trên truyền hình.
Nguyên tắc vàng của Tuchman: Không đầu tư cổ phiếu
Trong một lần chia sẻ với Washington Post, Tuchman cho biết ông chưa từng sở hữu cổ phiếu trong đời mình. "Tôi không ăn thức ăn tôi nấu. Nếu tôi bắt đầu lo lắng về chuyện lời lỗ của bản thân, thì đồng nghĩa tôi sẽ bớt tập trung cho sự sinh lời của khách hàng." – Tuchman nói. Ðiều này nghe có vẻ khá lạ lùng với một người luôn nắm giữ nguồn tin sớm về sự tăng giảm cổ phiếu như Tuchman.
"Khi là một nhà giao dịch, đừng bao giờ để cảm xúc lấn át trong vấn đề tiền bạc". Đó là lý do vì sao ông Tuchman không sở hữu cổ phiếu.
Ông còn thẳng thừng từ chối làm việc với nhiều nhà đầu tư nếu họ thiếu nghiêm túc, hoặc chọn Tuchman để giao dịch chỉ vì ông là khuôn mặt đại diện cho phố Wall. Ông có thể mang khuôn mặt hài hước, nhưng luôn nghiêm túc với công việc của mình. Điều duy nhất Tuchman tập trung vào đầu tư chính là gia đình và con cái.
Ngày nay, giao dịch điện tử ngày càng trở nên phổ biến và đã lấy đi nhiều không gian làm việc của các môi giới, từ hàng nghìn người trong những năm 1990 đã giảm về khoảng chưa tới 400 người thực sự làm việc trên sàn NYSE hiện tại. Tuy nhiên, nhu cầu về môi giới trên thị trường chưa bao giờ biến mất – về cả phương diện chuyên môn cũng như vấn đề hình ảnh miêu tả cho thị trường. Tuchman vẫn tự hào khẳng định rằng: "Nếu các môi giới viên dần biến mất, ông sẽ là người trụ lại cuối cùng."
Bắt đầu một ngày mới, nhà môi giới này sẽ hỏi thăm nhà đầu tư trước khi bắt tay vào làm việc. Trước cảnh giá cổ phiếu lên xuống ngoài tầm kiểm soát, Tuchman cũng không bao giờ quên hỏi họ đang cảm thấy thế nào. Đây là điểm nhà đầu tư thích làm việc với ông, bởi lẽ ông luôn hành động như một con người, chứ không hoàn toàn biến đổi theo sự vận động của máy móc.
Tuchman còn có một người con trai cũng là môi giới làm việc trên sàn giao dịch. Ông cảm thấy mình phải có trách nhiệm nhắc nhở cho công chúng biết rằng bản thân ông và những người đồng nghiệp sẽ không bị thay thế bởi công nghệ. Chính những biểu cảm hằng ngày của Tuchman là một trong những lý do giúp những người môi giới còn lại tiếp tục theo nghề.
“Bí quyết hạnh phúc của tôi rất đơn giản, đó là làm công việc mình yêu thích. Với tôi, đó là vị trí của một nhà môi giới chứng khoán”, Tuchman chia sẻ. Ông không thích làm việc với không khí lặng lẽ của phòng bệnh như nghề nghiệp bác sĩ của cha mình; thay vào đó là những nơi huyên náo và sôi động. Ðó là lý do Tuchman tìm đến sàn chứng khoán New York - nơi được ví như một “cái chợ” đích thực của thị trường tài chính thế giới.