MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Petrolimex nói gì về lợi nhuận quý 1/2019 tăng 30% so với cùng kỳ năm trước

07-05-2019 - 08:35 AM | Doanh nghiệp

Công ty được hạch toán khoản ghi giảm giá vốn hàng bán hơn 2.565 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước giảm 827 tỷ đồng) dẫn đến biên lợi nhuận tăng vọt.

Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa có giải trình về kết quả sản xuất kinh doanh quý 1/2019. Theo đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Tập đoàn đạt gần 1.295 tỷ đồng, tăng 29% cùng kỳ năm trước và hoàn thành 29% kế hoạch năm.

Petrolimex nói gì về lợi nhuận quý 1/2019 tăng 30% so với cùng kỳ năm trước - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh quý 1 của Petrolimex

Diễn giải của Petrolimex cho rằng trong quý 1/2019, do tác động của giá xăng dầu thế giới đã tăng trở lại sau chu kỳ giảm mạnh vào quý IV/2018 (giá dầu thô thế giới WTI tăng liên tục từ 45,41 USD/thùng tại thời điểm đầu quý lên 68,38 USD/thùng vào thời điểm cuối quý), đồng thời hoàn nhập khoản trích lập dự phòng về giảm giá hàng tồn kho tại thời điểm 31/12/2018 theo quy định (gần 520 tỷ) vào kết quả kinh doanh trong kỳ.

Petrolimex nói gì về lợi nhuận quý 1/2019 tăng 30% so với cùng kỳ năm trước - Ảnh 2.

Tại thời điểm cuối tháng 3/2019, hàng tồn kho của PLX hơn 11.500 tỷ, trong khi đầu năm 2019 hàng tồn kho gần 10.300 tỷ đồng. Công ty được hạch toán khoản ghi giảm giá vốn hàng bán hơn 2.565 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước giảm 827 tỷ đồng), do đó biên lợi nhuận trong kỳ đã tăng nhẹ từ 7% lên 9%.

Sản lượng bán ra trên toàn hệ thống của Petrolimex tăng 4,7% so với cùng kỳ và chi phí tài chính thấp hơn so với cùng kỳ do không phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá (quý 1/2019 tỷ giá giao dịch liên ngân hàng tăng khoảng 0,02% trong quý 1/2018 tỷ giá tăng khoảng 0,37%) và chi phí lãi vay giảm so với cùng kỳ vì dòng tiền gia tăng sau khi bán thành công cổ phiếu quỹ.

Theo giải trình của ban lãnh đạo Petrolimex, với sản lượng bán nội địa 9 triệu m3 một năm nên Petrolimex tính giá vốn theo phương pháp nhập trước xuất trước, không bán theo lô. Do đó giá vốn của Petrolimex tiệm cận với giá cơ sở của nhà nước, trên cơ sở đó PLX đặt ra giá mua của các đầu mối nước ngoài cũng như Nghi Sơn và Bình Sơn. PLX cũng kiểm soát tồn kho nên kết quả kinh doanh tốt.

Petrolimex hiện vẫn đang giữ thị phần lớn nhất trong mảng xăng dầu tại Việt Nam (trên 50%), đứng đầu về quy mô tài sản và mạng lưới với hơn 2.500 cửa hàng xăng dầu trực thuộc sở hữu và gần 3.000 đại lý trải dài khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tập đoàn vẫn đang nghiên cứu triển khai cửa hàng tiện lợi tại các cây xăng và tìm đối tác phối hợp hiệu quả nhất. Hiện nay PLX mới triển khai các dịch vụ trong ngành như bán gas, bán bảo hiểm dầu nhớt. Mỗi năm PLX dành ra 1.200 -1.500 tỷ phát triển các cửa hàng xăng dầu.

PLX tiến tới trở thành tập đoàn năng lượng hàng đầu Việt Nam khi hợp tác với EVN để triển khai dự án cung cấp nhiên liệu LNG (Khí thiên nhiên hóa lỏng) cho nhà máy điện của EVN, giá trị đầu tư dự án này khoảng 700 triệu USD, trong thời gian 5 năm.

Năm nay PLX sẽ dành 1.200 tỷ xây lại trụ sở mới tại số 1 Khâm Thiên.

Petrolimex hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, giai đoạn 2019 - 2020, Tập đoàn dự kiến giảm vốn nhà nước xuống 51% thông qua phát hành thêm cổ phần (cân nhắc các phương án hoặc phát hành riêng lẻ cho đối tác mới hoặc chào bán cho cổ đông hiện hữu và Nhà nước bỏ quyền mua) thay vì bán cổ phần Nhà nước nắm giữ.

Phương Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên