MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Petrovietnam 'kêu' khó: EVN nợ gần 23.000 tỷ đồng gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và cân đối dòng tiền

14-07-2023 - 16:27 PM | Doanh nghiệp

Trong 6 tháng đầu năm, có nhiều yếu tố bất lợi tác động đến hoạt động kinh doanh của Petrovietnam.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam - PVN) vừa mới công bố kết quả hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm.

Theo đánh giá của PVN, 6 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế thế giới và trong nước hết sức khó khăn, thị trường năng lượng giảm sâu so với cùng kỳ và xu hướng tháng sau giảm so với các tháng trước; giá dầu thô, giá khí, biên lợi nhuận xăng dầu, lọc dầu giảm mạnh, nhu cầu điện tăng không cao so với cùng kỳ; bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới 6 tháng đầu năm giảm từ 25 – 27% so với cùng kỳ; giá phân bón ở mức thấp, tiêu thụ khó khăn;….

PVN cho biết, một trong những vướng mắc, khó khăn lớn là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang nợ trong toàn Petrovietnam lên đến gần 23.000 tỷ đồng, trong đó nợ đến hạn thanh toán là hơn 14.000 tỷ đồng, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, cân đối dòng tiền của Tập đoàn.

Cũng theo thông tin từ PVN, việc ưu tiên huy động điện từ nguồn năng lượng tái tạo nhưng với tính ổn định không cao dẫn đến các nhà máy nhiệt điện khí huy động lên xuống máy liên tục làm xác suất sự cố các tổ máy tăng cao, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất điện cũng như tính sẵn sàng để đảm bảo mục tiêu kế hoạch sản lượng điện của Tập đoàn.

Petrovietnam kêu khó: EVN nợ gần 23.000 tỷ đồng gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và cân đối dòng tiền - Ảnh 1.

Giàn khai thác mỏ Sư Tử Trắng

Trước những khó khăn đó, PVN đã có những nỗ lực, điều chỉnh linh hoạt, quyết liệt, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra. Kết quả là Petrovietnam duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn, ổn định, đạt kết quả cao, tăng trưởng qua các tháng.

Hoạt động sản xuất kinh doanh trong toàn Tập đoàn được đảm bảo an toàn, ổn định, tháng sau cao hơn tháng trước, quý 2 có sự tăng trưởng rất tích cực so với quý 1 và cùng kỳ 2022.

Thông qua áp dụng triệt để các giải pháp kỹ thuật – công nghệ, năng suất, hiệu suất, công suất các nhà máy trong toàn tập đoàn đạt trên 110%. Sản lượng khai thác dầu thô đạt 2,7 triệu tấn, tăng 3,8% so với quý 1 và tăng 0,1% so với cùng kỳ. Sản lượng khai thác khí đạt 2,19 tỷ m3, tăng 11,3% so với quý 1 và tăng 3,7% so với cùng kỳ.

Sản xuất điện đạt 7,01 tỷ kWh, tăng 24,1% so với quý 1 và tăng 85,7% so với cùng kỳ; sản xuất sản phẩm xăng dầu (không bao gồm sản phẩm NSRP) đạt 1,79 triệu tấn, tăng 3,2% so với quý I và tăng 2,6% so với cùng kỳ;… Do đó, mặc dù giá xuất bán thấp hơn, nhưng tổng doanh thu toàn Tập đoàn trong quý 2 cao hơn so với quý 1.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Petrovietnam đạt sản lượng khai thác dầu thô 5,3 triệu tấn, vượt 14,3% so với kế hoạch 6 tháng. Trong đó, khai thác dầu thô trong nước đạt 4,4 triệu tấn, vượt 16,9% kế hoạch 6 tháng và khai thác dầu thô nước ngoài đạt 900 nghìn tấn, vượt 3% kế hoạch 6 tháng; sản lượng khai thác khí đạt 4,16 tỷ m3, vượt 27,1% kế hoạch 6 tháng; sản xuất điện đạt 12,66 tỷ kWh, vượt 4,5% kế hoạch 6 tháng; sản xuất đạm đạt 877,5 nghìn tấn, vượt 10,6% kế hoạch 6 tháng; sản xuất sản phẩm xăng dầu (không bao gồm sản phẩm NSRP) đạt 3,53 triệu tấn, vượt 16,6% kế hoạch 6 tháng.

Tổng doanh thu toàn PVN 6 tháng đầu năm ước đạt 420,1 nghìn tỷ đồng, vượt 24% kế hoạch 6 tháng; nộp ngân sách nhà nước (không bao gồm Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn - NSRP) ước đạt hơn 66 nghìn tỷ đồng, vượt 63% kế hoạch 6 tháng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất vượt cao so với kế hoạch 6 tháng.

Đối với công tác đầu tư của PVN được tập trung trọng điểm. Công ty đã hoàn thành đầu tư và vận hành với công suất cao Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 từ ngày 27/4/2023, góp phần tham gia cung ứng điện cho đất nước trong bối cảnh thiếu điện vừa qua, đặc biệt là ở miền Bắc; Thử vỉa thành công và cho kết quả tốt giếng khoan thẩm lượng Đại Hùng Nam-4X, lưu lượng khoảng 6.350 thùng dầu/ngày và 4,5 triệu bộ khối khí/ngày, đảm bảo đủ điều kiện để phát triển thương mại, đưa vào khai thác trong thời gian sớm nhất.

Chuỗi dự án Lô B hiện đang tổ chức đánh giá hồ sơ, chào thầu phần kỹ thuật EPC, các gói thầu khác đang triển khai tích cực để chào thầu đồng bộ với tiến độ dự án; Tổ chức ký biên bản bàn giao hồ sơ Dự án Nhà máy điện Ô Môn III và Ô Môn IV giữa EVN và Petrovietnam vào ngày 29/6/2023.

Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã được Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư ngày 5/5/2023, hiện chủ đầu tư BSR đang sớm hoàn thành đấu thầu lập FS; Dự án LNG Thị Vải đã cơ bản hoàn thành, đã tiếp nhận thành công chuyến tàu LNG nhập khẩu đầu tiên vào ngày 10/7/2023, sẵn sàng cho công tác chạy thử và tiến tới vận hành thương mại.

Các công tác khác đều được triển khai tích cực: Ước thực hiện tiết giảm chi phí trong 6 tháng đầu năm toàn PVN đạt 1.152 tỷ đồng, bằng 51,4% kế hoạch năm 2023; thực hiện công tác an sinh xã hội với tổng trị giá 80,47 tỷ đồng...

Petrovietnam kêu khó: EVN nợ gần 23.000 tỷ đồng gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và cân đối dòng tiền - Ảnh 2.

Chuyến tàu nhập khẩu LNG đầu tiên của Việt Nam cập bến kho cảng Thị Vải

Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 của EVN, công ty này ghi nhận khoản lỗ sau thuế 20.747 tỷ đồng, trong khi năm 2021 doanh nghiệp lãi 14.725 tỷ đồng. Lỗ ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ là 22.256 tỷ đồng.

Ngoài kết quả lỗ 22.256 tỷ đồng của công ty mẹ EVN, báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất của EVN còn ghi nhận các khoản công nợ tiềm tàng liên quan đến dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, tiền thu đất của hệ thống truyền tải và các khoản chi phí vận chuyển, thu gom khí.

Tính đến cuối năm, EVN lỗ lũy kế 13.336 tỷ đồng. Điều này khiến vốn chủ sở hữu giảm gần 10% còn 225.396 tỷ đồng. Nợ vay tài chính ở mức 324.265 tỷ đồng, trong đó 86% là nợ dài hạn.

Tính đến ngày 31/12/2022, lượng tiền mặt và tiền gửi của doanh nghiệp này đạt mức 101.527 tỷ đồng. Tổng tài sản của EVN đạt 666.165 tỷ đồng tỷ đồng, giảm 5,6% so với đầu năm.

PV

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên