PGBank về HDBank, vì sao mãi chưa thành?
Câu chuyện sáp nhập PGBank vào HDBank đã kéo dài suốt hơn một năm nhưng đến nay chưa có kết quả.
- 27-04-2019Quý I, lợi nhuận HDBank vượt 1.100 tỷ đồng
- 25-04-2019Chủ tịch PGBank: “Sáp nhập với HDBank, những gì cần làm chúng tôi đã làm, còn lại phụ thuộc vào Ngân hàng Nhà nước”
- 23-04-2019ĐHĐCĐ HDBank: Đã nộp hồ sơ xin áp dụng Basel II trước hạn, năm nay sẽ trả cổ tức tỷ lệ tới 30%
Câu chuyện sáp nhập PGBank vào HDBank bắt đầu từ cách đây hơn một năm. Tại đại hội cổ đông của 2 ngân hàng tháng 4/2018, các thông tin được lãnh đạo hai bên gửi tới cổ đông cho thấy công cuộc sáp nhập gần như đã nằm trong lòng bàn tay những người trong cuộc. Đồng thời, cổ đông của cả hai bên cũng thống nhất sẽ uỷ quyền cho Hội đồng quản trị (HĐQT) xin phép các cơ quan chức năng và hoàn tất các thủ tục để sáp nhập trong năm 2018.
Mòn mỏi đợi chờ
Tuy nhiên đến hết năm 2018, câu chuyện sáp nhập vẫn chưa có kết quả.
Về phía HDBank là đơn vị nhận sáp nhập, hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường. Lợi nhuận năm vừa rồi đạt trên 4.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay.
Nhưng PGBank thì không thuận lợi như vậy. Chủ tịch PGBank Bùi Ngọc Bảo cho biết, việc sáp nhập với HDBank kéo dài hơn dự kiến đã ảnh hưởng đến công tác phát triển kinh doanh chung cũng như tăng trưởng dư nợ của ngân hàng trong năm qua. Tại thời điểm 31/12/2018, dư nợ toàn ngân hàng đạt 22.052 tỷ đồng, tăng 3% so với cuối năm 2017; trong đó cho vay khách hàng doanh nghiệp bị giảm 3%. Tổng nợ xấu của ngân hàng đến cuối năm 2018 là 675 tỷ đồng, giảm nhẹ 16 tỷ đồng so với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối năm là 3,06%.
Đáng chú ý, ảnh hưởng từ thông tin sáp nhập đã khiến 385 cán bộ nhân viên của nhà băng này, tương ứng với gần 24% tổng nhân sự, đã nghỉ việc.
Chia sẻ thêm, ông Bảo cho biết PGBank vốn là một trong những ngân hàng có nhiều tiềm năng phát triển. Sở dĩ có những lình xình về hướng đi trong vài năm gần đây xuất phát từ những thay đổi trong chính sách của Nhà nước, đặc biệt là quy định bắt buộc thoái vốn của cổ đông lớn Petrolimex tại ngân hàng.
"Đối với các hoạt động ngân hàng và các tổ chức tín dụng nói chung thì cần có sự định hướng trong vòng ít nhất 5 đến 10 năm. PGBank từng có những điều kiện hết sức thuận lợi để đứng vị trí hàng đầu trong một số lĩnh vực lựa chọn. Tuy nhiên, với cơ chế thoái vốn của doanh nghiệp Nhà nước, cổ đông lớn Petrolimex buộc phải cơ cấu lại hoạt động của ngân hàng theo chiều hướng giảm tỷ lệ chiếm giữ. Suốt 4 năm qua, Petrolimex chủ yếu tìm cách thoái vốn, tìm kiếm những đối tác, phương thức thoái vốn mà vẫn giữ nguyên được những giá trị cốt cõi của ngân hàng và cùng nhau phát huy những tiềm năng đó.
Còn PGBank, do 4-5 năm qua lúc nào cũng trong bối cảnh chuẩn bị sáp nhập, nên HĐQT, Ban điều hành không thể ra được chiến lược phát triển dài hạn mà chỉ đưa ra các chỉ tiêu ngắn hạn nhằm mục đích phát triển ổn định và an toàn" - ông Bảo trần tình với cổ đông tại phiên họp thường niên 2019 trong tuần trước.
Trước đó như chúng tôi đã thông tin nhiều lần, PGBank từng có một chặng đường dài tìm hiểu cùng VietinBank để về với ngân hàng này nhưng sau cùng lại "đứt gánh giữa đường". Sau VietinBank, PGBank cũng từng được sự quan tâm tìm hiểu của MB nhưng cũng không có kết quả.
Còn băn khoăn điều gì?
Trở lại câu chuyện giữa PGBank và HDBank. Không chỉ kết thúc năm 2018 mà đến hết quý 1 năm 2019, thông tin sáp nhập của hai ngân hàng vẫn chưa có gì mới. Mãi tới ngày đại hội cổ đông vào cuối tháng 4, người ta mới lại thấy người trong cuộc nhắc tới khi các cổ đông chất vấn.
Tại đại hội của HDBank ngày 23/4/2019 vừa qua, trả lời cổ đông, ông Nguyễn Hữu Đặng, Tổng giám đốc HDBank cho biết, hồ sơ sáp nhập vẫn đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xử lý, công tác chuẩn bị cho việc sáp nhập đang được HĐQT và Ban điều hành xúc tiến những bước tiếp theo liên quan đến kinh doanh, vận hành...
Ông Đặng cung cấp thêm thông tin, để thuận lợi cho quá trình sáp nhập, xử lý những tồn đọng tại PGBank, phía HDBank đã cử người tham gia quản trị điều hành ở PGBank và dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn tất sáp nhập. Và tại đại hội, cổ đông của HDBank cũng thông qua việc thôi nhiệm HĐQT đối với ông Lý Vinh Quang – đang là thành viên HĐQT độc lập – để ứng cử vào HĐQT của PGBank.
Nhưng đến đại hội của PGBank sau đó 2 ngày tức là 25/4, kế hoạch bầu bổ sung nhân sự vào HĐQT nhiệm kỳ 2019 - 2020 lại chưa thể thực hiện được như dự kiến ban đầu. Lý do theo lãnh đạo ngân hàng cung cấp là bởi chưa hoàn thành các thủ tục cần thiết nên tạm thời chưa thể tiến hành bầu lại tại cuộc họp này, mà có thể tiến hành trong cuộc họp bất thường, dự kiến vào tháng 5/2019.
Cũng như ở HDBank, cổ đông của PGBank đã chất vấn về việc sáp nhập vì sao mãi chưa thể thực hiện được, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch ngân hàng cho biết, NHNN đã chấp thuận nguyên tắc đề án sáp nhập giữa hai ngân hàng, nhưng muốn thực hiện thì phải chờ chấp thuận chính thức. "Về nguyên tắc, sau khi có chấp thuận về nguyên tắc thì sau 45 ngày sẽ có chấp thuận chính thức. Tuy nhiên, có lẽ NHNN cần có những đánh giá, hướng xử lý cụ thể, và phải ưu tiên cho một số TCTD nên quá trình đánh giá này chậm lại", ông Bảo nói với các cổ đông.
Chủ tịch PGBank cũng cho biết, hiện chưa rõ thời hạn cụ thể sáp nhập giữa hai ngân hàng. "2 ngân hàng vẫn đang triển khai các công việc chuẩn bị cho sáp nhập diễn ra một cách trơn tru nhất. HDBank cũng đã cử người sang hỗ trợ PGBank trong các hoạt động kinh doanh hàng ngày, việc sáp nhập đến nay không phụ thuộc vào HĐQT, Ban điều hành nữa. Những gì cần làm đều đã làm và chỉ chờ sự chấp thuận của NHNN".
Hai ngân hàng kỳ vọng lẫn nhau
Công cuộc sáp nhập giữa PGBank và HDBank có thực hiện được hay không cần có sự ủng hộ và cho phép của NHNN.
Còn với người trong cuộc, những gì họ nói với cổ đông thì cho thấy mọi sự đã sẵn sàng và đang trông chờ ở nhau khá nhiều.
Từ phía PGBank, dự kiến sau khi sáp nhập, ngân hàng sẽ hoạt động tốt hơn, vẫn giữ được cốt lõi là ngân hàng chứ không phải chuyển sang công ty tài chính như kế hoạch với VietinBank trước đó, quyền lợi của cổ đông cũng sẽ được bảo đảm hơn với tỷ lệ hoán đổi dự kiến 1:0,621 và chia cổ tức tỷ lệ 30% bằng cổ phiếu sau sáp nhập.
Còn HDBank thì ngay từ năm ngoái đã thể hiện sự lạc quan vào kịch bản sáp nhập, khi kế hoạch kinh doanh nếu sáp nhập thành công thì lợi nhuận tới 4.700 tỷ đồng, cao hơn 700 tỷ so với kịch bản của ngân hàng chưa sáp nhập dù chỉ có dự kiến vài tháng kinh doanh (dự định ban đầu là sáp nhập hoàn thành trong quý 3/2018). Sự lạc quan ấy đến từ khả năng xử lý nợ xấu cho PGBank và đặc biệt là tận dụng được hệ sinh thái khách hàng khổng lồ của Petrolimex – điều mà ban lãnh đạo HDBank không hề giấu diếm suốt thời gian qua đó là: sau khi hoàn thành việc sáp nhập PGBank vào HDBank sẽ giúp mở rộng mạng lưới, hệ sinh thái khách hàng của ngân hàng, đến từ tập đoàn Petrolimex.
MSB đã bán vốn tại PGBank
Trong một diễn biến khác có liên quan tới PGBank, tại đại hội của Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) diễn ra hôm 23/4 vừa qua, lãnh đạo ngân hàng này cho biết đã bán cổ phần sở hữu tại PGBank với giá 13.000 đồng/cổ phiếu.
Cổ đông ngân hàng chất vấn rằng, vì sao PGBank đang có kế hoạch sáp nhập HDBank với tỷ lệ 1:0,621 thì sao MSB không chờ sáp nhập xong rồi mới bán để có lợi nhất (giá cổ phiếu HDBank hiện trên 28.000 đồng), lãnh đạo MSB trả lời rằng cũng chưa biết khi nào thương vụ sáp nhập mới hoàn tất, hơn nữa MSB cần hoàn tất cả thủ tục, trong đó có thoái vốn khỏi PGBank, để thực hiện sớm việc nộp hồ sơ và niêm yết cổ phiếu trên HoSE vào quý 3.
Trí Thức Trẻ