MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PGĐ Bệnh viện Nội tiết Trung ương kể chuyện phẫu thuật cho nữ bệnh nhân 15 tuổi mắc u tuyến giáp: "Cố chịu đựng, tự nghe ngóng bệnh mới tốn kém"

30-03-2021 - 09:37 AM | Sống

PGĐ Bệnh viện Nội tiết Trung ương kể chuyện phẫu thuật cho nữ bệnh nhân 15 tuổi mắc u tuyến giáp: "Cố chịu đựng, tự nghe ngóng bệnh mới tốn kém"

Chúng tôi mang băn khoăn về số người trẻ tuổi mắc ung thư tuyến giáp (UTTG) ở Việt Nam đang ngày càng tăng đến gặp TS. BS Phan Hoàng Hiệp - PGĐ Bệnh viện Nội tiết Trung ương. TS Hiệp chia sẻ rằng chính các y bác sĩ đã từng giả định nếu bắt buộc phải mắc một bệnh ung thư trong cuộc đời này, xin hãy c

BỊ UTTG, VẪN LẤY CHỒNG VÀ SINH ĐƯỢC 3 CON

PV: Thưa bác sĩ, đang có khá nhiều lo lắng về tình trạng ngày càng có nhiều người trẻ được chẩn đoán mắc UTTG. Vì sao vậy thưa bác sĩ?

TS. Phan Hoàng Hiệp: Trước nhất chúng ta phải cùng hiểu với nhau rằng UTTG là căn bệnh xảy ra khi có sự bất thường trong quá trình phát triển của tế bào tuyến giáp. Cụ thể là sự xuất hiện của các tế bào ung thư tạo thành khối u ác tính ở vùng tuyến giáp.

Trước đây, bệnh nhân UTTG đến với bệnh viện Nội tiết TW thường là những ca để lâu lắm rồi. Có khi người bệnh biết rõ cổ xuất hiện u nhưng không chịu đi khám mà cứ để vậy qua rất nhiều năm. Không ít trường hợp còn tự khám cho bản thân. Họ cho rằng chắc là viêm họng, ra hiệu thuốc mua vài viên kháng sinh về uống. Thời gian sau đau rát lại cũng tự chỉ định, chắc là vừa cảm cúm. Đến khi phải thật khó chịu, thậm chí không thở được nữa người ta mới đến bệnh viện. Lúc đó không gọi là khám nữa, là cầu cứu. Vì phát hiện ra thì bệnh cũng ở giai đoạn 2, giai đoạn 3 mất rồi.

PGĐ Bệnh viện Nội tiết Trung ương kể chuyện phẫu thuật cho nữ bệnh nhân 15 tuổi mắc u tuyến giáp: Cố chịu đựng, tự nghe ngóng bệnh mới tốn kém - Ảnh 1.

TS. BS Phan Hoàng Hiệp - PGĐ Bệnh viện Nội tiết Trung ương, người đã có hơn 20 năm theo dõi, điều trị cho bệnh nhân tuyến giáp

Theo thống kê của Globocan 2018, ung thư tuyến giáp là một trong 10 loại ung thư phổ biến nhất trên toàn cầu ở cả hai giới, khoảng 6,7 triệu ca mắc mới. Tại Việt Nam, ung thư tuyến giáp đứng hàng thứ 9, khoảng 5.000 ca mắc mới mỗi năm.

Có thể thấy, với trên dưới 5.000 ca mắc mới mỗi năm UTTG được phát hiện ở Việt Nam không chỉ qua các trường hợp cấp cứu nữa. Ít nhất đã có sự chủ động từ cả bệnh nhân và y bác sĩ trong quá trình phát hiện căn bệnh này.

Đầu tiên đó là người dân, đặc biệt ở lứa tuổi từ 18 - 35 hiện đã được tiếp cận thông tin đa dạng hơn, cập nhật hơn về rất nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe. Từ đó đã có ý thức chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ. Số người đăng ký khám bệnh định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm đang tăng lên rõ rệt và có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giúp phát hiện bệnh, trong đó có bệnh về tuyến giáp. Cho nên nếu có ghi nhận số lượng chẩn đoán UTTT nhiều hơn so với trước đây cũng là điều không phải quá lo lắng.

Hơn nữa đội ngũ y bác sĩ chuyên về nội tiết ngày xưa rất ít thì bây giờ đã được đào tạo, bổ sung ngày một nhiều hơn. Rồi khoa học phát triển giúp cho ngành y có nhiều phương tiện, trang thiết bị để phát hiện, chẩn đoán chính xác bệnh lý về UTTG cao hơn.

Vậy là cả từ phía bệnh bệnh nhân, cả phía cán bộ y tế, cả về phương tiện chẩn đoán... đều tốt hơn thì lý do gì mà chúng ta không phát hiện ra nhiều ca bệnh từ giai đoạn mới xuất hiện chứ. Đó thật ra là một tín hiệu tốt.

PGĐ Bệnh viện Nội tiết Trung ương kể chuyện phẫu thuật cho nữ bệnh nhân 15 tuổi mắc u tuyến giáp: Cố chịu đựng, tự nghe ngóng bệnh mới tốn kém - Ảnh 2.

Ảnh minh họa về ung thư tuyến giáp

PV: Có nghĩa là nhờ tầm soát sớm, khám định kỳ thường xuyên nên chúng ta có thể gọi là "bắt được" nhiều ca bệnh chủ động hơn. Vậy bệnh nhân trẻ nhất được phát UTTG đến thời điểm này là bao nhiêu tuổi thưa bác sĩ?

TS. Phan Hoàng Hiệp: BV đã từng điều trị cho bệnh nhân trẻ nhất là cháu bé 3 tuổi, có tiền sử u máu ở vùng cổ, đã trải qua quá trình điều trị bằng chiếu tia xạ. Khi đến viện kiểm tra thì một bên tuyến giáp lồi hẳn lên. Sau rất nhiều xét nghiệm, các thông số đều dẫn đến chẩn đoán UTTG.

Tuy nhiên để phẫu thuật và điều trị cho bệnh nhân nhỏ tuổi như thế này đòi hỏi sự cân nhắc rất kỹ lưỡng. Bởi vì tất cả các bộ phận chức năng trong cơ thể trẻ nhỏ đều đang có tốc độ phát triển rất mạnh. Bản thân tổ chức bệnh cũng phát triển rất mạnh. Rất may mắn, sau quá trình điều trị em bé đến nay vẫn đang ổn định, đi học, sinh hoạt bình thường. Chỉ có điều cháu và gia đình sẽ luôn phải tuân thủ quy trình định kỳ 6 tháng/lần đến bệnh viện khám, kiểm tra, uống thuốc đầy đủ. Nhưng ta nên nhớ với một đứa trẻ việc uống thuốc đều đặn, trọn đời cũng là vấn đề lớn.

Ngoài ra bản thân tôi đã từng phẫu thuật cho những bệnh nhân 8 tuổi, rồi 13 tuổi với chỉ định UTTG. Và thực tế không vui đó là số lượng các ca bệnh UTTG ở độ tuổi thiếu niên đang có xu hướng tăng.

PGĐ Bệnh viện Nội tiết Trung ương kể chuyện phẫu thuật cho nữ bệnh nhân 15 tuổi mắc u tuyến giáp: Cố chịu đựng, tự nghe ngóng bệnh mới tốn kém - Ảnh 3.

UTTG khiếp vùng cổ của bệnh nhân phình to bất thường (Ảnh minh họa)

PV: Chúng ta nên lo lắng với xu hướng này không thưa bác sĩ?

TS. Phan Hoàng Hiệp: Tôi không nghĩ lo lắng có thể giải quyết được vấn đề trong bối cảnh này.

Cách đây hơn 10 năm tôi đã từng phẫu thuật UTTG cho một bệnh nhân nữ ở tuổi 15. Hồi đó, mẹ cháu lo lắng lắm, nhất định gặp bác sĩ để hỏi, liệu chữa được không?

Tôi bảo, chữa được!

Mổ xong tuân thủ theo phác đồ điều trị và định kỳ 6 tháng thăm khám một lần. Đến năm cháu 20 tuổi, bố mẹ mới hỏi, vậy lấy chồng được không?

Tôi lại bảo, lấy được!

Thế là cháu lấy chồng. Rồi 2 vợ chồng mới hỏi, có con được không?

Tôi vừa khuyên vừa đùa, có được nhưng đừng đẻ nhiều quá! Thế mà bây giờ vợ chồng nhà ấy đã đẻ 3 đứa.

Điều đó có nghĩa là gì? Cơ hội cho bệnh nhân UTTG điều trị khỏi, quay về với cuộc sống bình thường sau điều trị hiệu quả đến mức như thế. Cho nên nếu không may có chỉ định nghi ngờ UTTG thì điều đầu tiên tôi muốn khuyên tất cả mọi người là bình tĩnh, tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, tư vấn và điều trị.

PGĐ Bệnh viện Nội tiết Trung ương kể chuyện phẫu thuật cho nữ bệnh nhân 15 tuổi mắc u tuyến giáp: Cố chịu đựng, tự nghe ngóng bệnh mới tốn kém - Ảnh 4.

NẾU CUỘC ĐỜI PHẢI BỊ MỘT LOẠI UNG THƯ, HÃY CHỌN BỊ UTTG!

PV: Thưa bác sĩ điều đấy có nghĩa chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm khi bị UTTG?

TS. Phan Hoàng Hiệp: Điều ấy có nghĩa chúng ta cần phải coi khám sức khỏe định kỳ như là một tiêu chuẩn cần thiết để bảo vệ sức khỏe mỗi người. Bởi vì với mỗi giai đoạn bệnh khác nhau sẽ dẫn đến các giải pháp điều trị khác nhau và đương nhiên, kết quả điều trị cũng hoàn toàn khác nhau.

Rất may mắn là việc phát hiện ra bệnh lý tuyến giáp không quá phức tạp. Đối với người dân, nên đi khám định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần và mỗi lần đó đều đăng ý kiểm tra tuyến giáp. Đối với y bác sĩ khi bệnh nhân đến khám tổng quát, khám định kỳ thì nên chỉ định kiểm tra tuyến giáp. Y lệnh này phải nói rất đơn giản. Siêu âm vùng cổ là chỉ định xét nghiệm đầu tay vừa không có hại gì lại không hề tốn kém, ở đâu nhân viên y tế cũng làm được. Tại Việt Nam, kỹ thuật này đã được phổ cập đến tận tuyến xã/phường khắp cả nước.

Trên thực tế, UTTG nếu được phát hiện và điều trị sớm tại các cơ sở y tế chuyên khoa thì có thể nói, đến 98% tỷ lệ bệnh nhân thỏa mãn mục tiêu chữa trị. Đến thời điểm này, phác đồ điều trị UTTG đã đạt được hiệu quả điều trị đích. Thậm chí y văn đã viết chẳng may bị ung thư, hãy mong ước đó là UTTG. Và các thầy thuốc cũng đã từng ví von nếu cuộc đời phải bị một loại ung thư thì hãy chọn UTTG.

PGĐ Bệnh viện Nội tiết Trung ương kể chuyện phẫu thuật cho nữ bệnh nhân 15 tuổi mắc u tuyến giáp: Cố chịu đựng, tự nghe ngóng bệnh mới tốn kém - Ảnh 5.

Ảnh minh họa

PV: Bác sĩ có thể cụ thể hơn về các bước điều trị UTTG nếu được phát hiện kịp thời?

TS. Phan Hoàng Hiệp: Để điều trị UTTG đầu tiên bác sĩ sẽ phải thăm khám và chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh ở thể gì. Về mặt giải phẫu bệnh, hiện UTTG đang được chia thành 3 thể: biệt hóa, không biệt hóa và thể tủy.

Với thể biệt hóa, UTTG có thể hiểu gần như là một khối u, phát triển chậm và tương đối an toàn. Thể biệt hóa chiếm tới 98% trong tổng trường hợp mắc UTTG. Thể không biệt hóa thì tế bào ung thư có xu hướng phát triển rất nhanh, đôi khi phát hiện ra đã to lắm rồi. Tuổi thọ của bệnh nhân mắc dạng bệnh này rất ngắn. May mắn là thể không biệt hóa được ghi nhận với tỷ lệ rất ít, chỉ chiếm 1% trong tổng số ca bệnh UTTG. Với UTTG thể tủy, đây là dạng do đột biến gen gây nên. Tương tự với thể không biệt hóa, dạng bệnh này hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 1%. Suốt 20 năm làm nghề tôi mới gặp 3 ca UTTG thể tủy do di truyền. Với 98% bệnh nhân UTTG ở thể biệt hóa, cơ hội cứu chữa, điều trị khỏi là rất lớn nếu được phát hiện kịp thời.

Trong điều trị UTTG thể biệt hóa, phẫu thuật loại bỏ tổ chức ung thư là phương pháp mang lại hiệu quả tối ưu. Cắt 1 bên thùy chứa khối u hay cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp kết hợp với nạo vét hạch cổ là do bác sĩ chuyên khoa chỉ định cho từng trường hợp bệnh cụ thể.

Bước vào giai đoạn 2, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng phóng xạ Iod 131.

Phương pháp này có điểm hay là giúp điều trị UTTG đạt đến ngưỡng điều trị đích.

Trong bối cảnh các bệnh ung thức khác vẫn phải điều trị bằng hóa chất khiến cả tế bào ung thư lẫn tế bào lành của cơ thể bị hủy hoại gây ra nhiều biến chứng, tác dụng phụ rất nặng nề. Giống như nông dân dùng thuốc diệt cỏ trên đồng ruộng, nguy cơ diệt cả lúa lẫn cỏ là rất lớn.

Iod 131 nói môn na dễ hiểu, chỉ diệt tế bào UTTG. Tức là tế bào ung thư ở đâu thì Iod gắn đồng vị 131 sẽ tìm diệt đúng tế bào đó, không làm hại đến các tế bào lành tính, mạnh khỏe xung quanh. Chúng tôi gọi đây là phương pháp hủy diệt tế bào ung thư không dao. Quá trình điều trị này giúp xóa hết các mô giáp còn sót lại mà phẫu thuật bằng mắt thường không nhìn thấy. Đồng thời Iod 131 cũng rất hiệu quả với các trường hợp UTTG di căn xa. Chúng sẽ di chuyển đến tận nơi, tiêu diệt được tận gốc.

Vậy là bước 1, phẫu thuật đã góp phần loại bỏ hầu hết các tổ chức UTTG, kết hợp với bước 2 - điều trị Iod 131 nữa thì gần như xóa sạch các tế bào ác tính. Đây là hai mũi tấn công rất hữu hiệu trong điều trị UTTG. Chưa hết, phác đồ điều trị còn thêm bước thứ 3, bổ sung các hocmon tuyến giáp với 2 mục tiêu: vừa thay thế tuyến giáp đã bị cắt bỏ; vừa góp phần ức chế không cho tế bào ác tính tuyến giáp phát triển.

Tuy nhiên tôi vẫn phải nhắc lại một lần nữa, để quá trình điều trị UTTG đạt được hiệu quả đúng như bệnh nhân và bác sĩ mong muốn đòi hỏi chúng ta phải tuân thủ kế hoạch khám sức khỏe định kỳ. Trường hợp bệnh nhân không biết hoặc chủ quan đến mức UTTG được phát hiện ở giai đoạn đã di căn sang phổi, sang xương, sang rất nhiều bộ phận trong cơ thể thì không thể nói trước một điều gì.

PGĐ Bệnh viện Nội tiết Trung ương kể chuyện phẫu thuật cho nữ bệnh nhân 15 tuổi mắc u tuyến giáp: Cố chịu đựng, tự nghe ngóng bệnh mới tốn kém - Ảnh 6.

Khi thấy có các dấu hiệu của UTTG cần đi khám chữa bệnh kịp thời

CỐ CHỊU ĐỰNG, TỰ NGHE NGÓNG BỆNH MỚI TỐN KÉM

PV: Sẽ có những khó khăn nào tác động đến quá trình điều trị UTTG thưa bác sĩ?

TS. Phan Hoàng Hiệp: Phẫu thuật tuyến giáp là một trong những kỹ thuật ngoại khoa khó. Bởi nó liên quan đến các cơ quan lân cận của tuyến giáp. Nếu ca mổ diễn ra không hoàn hảo, các bước điều trị tiếp theo chắc chắn khó khăn. Thậm chí, có những trường hợp vì mổ chưa hết nên đành phải mổ lại thì càng khó khăn hơn. Do đó, chúng tôi luôn lưu ý với tất cả phẫu thuật viên UTTG ở bệnh viện nhiều vấn đề.

Đầu tiên phải đảm bảo an toàn cho các cấu trúc xung quanh. Ví dụ như mạch máu, có rất nhiều mạch máu ở vùng cổ đi nuôi não bộ. Rồi dây thần kinh thanh quản quặt ngược có tác dụng quyết định cơ chế phát âm được hay không của cơ thể người. Nếu phẫu thuật viên không vững tay nghề cộng thêm thiếu tận tâm và tập trung sẽ rất dễ gây tổn thương dây thanh quản quặt ngược. Đấy là một trong những thảm họa đối với bệnh nhân UTTG. Rồi các tuyến cận giáp, mổ mà không vững tay có thể khiến cho bệnh nhân bị tê tay chân, quá trình sinh hoạt sau này rất khó khăn. Đấy là những điểm cần lưu ý có liên quan đặc biệt trong phẫu thuật tuyến giáp.

Thứ 2, phải cắt bỏ được hết các tổ chức ung thư. Lưu ý này đòi hỏi phẫu thuật viên nắm chắc chỉ định phẫu thuật.

Thứ 3, phẫu thuật UTTG sẽ trở nên rất nguy hiểm khi bệnh nhân có bệnh lý kèm theo. Bởi vì đặc thù căn bệnh này là u vùng cổ, nếu để quá lâu u phát triển quá lớn sẽ chèn ép đúng đường thở, mất hết giải phẫu. Đặt nội khí quản rất khó mà mở khí quản cũng không được. Nó tác động rất lớn đến quá trình gây mê hồi sức. Các cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới thường rất lo lắng khi đối diện với những ca bệnh như thế này.

PV: Chi phí cho một ca phẫu thuật UTTG có phải là nỗi lo của bệnh nhân không thưa ông?

TS. Phan Hoàng Hiệp: Trên thực tế chi phí phẫu thuật UTTG đang ở mức vừa phải và được bảo hiểm chi trả theo quy định. Trung bình một ca phẫu thuật có tổng chi phí khoảng 10 triệu đồng. Tùy các giai đoạn bệnh, các thể bệnh khác nhau mà mức chênh lệch sẽ khác nhau.

Cho nên tôi mới nói rằng, chi phí rẻ nhất cho tất cả chúng ta là thực hiện khám sức khỏe định kỳ một cách nghiêm túc đúng lịch. Ở thành thị, nơi đang có tỷ lệ phát hiện bệnh nhiều hơn các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa ngoài tỷ lệ điều trị đạt hiệu quả cao đã đành thì chi phí điều trị cho các ca bệnh phát hiện sớm vẫn thường có xu hướng bớt tốn kém hơn rất nhiều so với việc điều trị bệnh trong tình trạng cấp cứu hoặc các giai đoạn UTTG đã di căn.

Tâm lý cố chịu đựng, tự nghe ngóng bệnh và ngại không đi khám sức khỏe định kỳ của nhiều người ở các vùng nông thôn khó khăn lại là nguyên nhân không nhỏ dẫn đến nhiều tốn kém trong điều trị bệnh.

PV: Xin cảm ơn những thông tin quý báu bác sĩ vừa chia sẻ!

Theo An Nguyễn

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên