MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PGĐ Bệnh viện Vạn Hạnh: Nỗi lo khi Tế bào gốc bị thổi phồng thành chữa bách bệnh và 'nguyên tắc' trong kinh doanh y tế

03-07-2024 - 08:26 AM | Doanh nghiệp

Là thế hệ đầu tiên nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc vào thực tế chữa bệnh tại Việt Nam, cho đến nay khi ngành này trở thành một 'mảnh đất màu mỡ', TS.BS Lê Thị Bích Phượng nói về nỗi đau chung của ngành y khi có nhiều doanh nghiệp quảng cáo tế bào gốc có thể chữa bách bệnh.

Năm 2013, Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh đã nghiên cứu và đưa vào ứng dụng tế bào gốc trong điều trị các bệnh lý thoái hoá khớp. Cho đến nay, đây vẫn là một trong số ít cơ sở y tế được nhà nước cấp phép sử dụng liệu pháp này tại Việt Nam.

Nếu như điều trị tại nước ngoài, một liệu trình thoái hoá khớp sẽ có giá từ 6.000-10.000 USD. Với sự thành công của công nghệ tế bào gốc tại Việt Nam, BV Đa khoa Vạn Hạnh đã đem lại mức chi phí khoảng 50 triệu đồng cho 1 liệu trình 3 lần tiêm.

Ít ai biết, 14 năm trước, TS.BS Lê Thị Bích Phượng (Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh) đã từ bỏ ước mơ trở thành bác sĩ tim mạch – chuyên khoa được gia đình lựa chọn, để độc hành trên con đường nghiên cứu về tế bào gốc ở điều kiện thực tế khi ấy tế bào gốc là một lĩnh vực hoàn toàn mới lạ của nền y học Việt Nam. TS.BS Phượng cũng chính là người thành lập đơn vị tế bào gốc, Giám đốc Trung tâm Y Khoa Vạn Hạnh - nơi nghiên cứu, ứng dụng đầu tiên của tế bào gốc.

PGĐ Bệnh viện Vạn Hạnh: Nỗi lo khi Tế bào gốc bị thổi phồng thành chữa bách bệnh và 'nguyên tắc' trong kinh doanh y tế- Ảnh 1.

TS.BS Lê Thị Bích Phượng - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh

Tế bào gốc được định nghĩa là những tế bào non trẻ, chưa được định danh về chức năng nên có khả năng biệt hóa thành tế bào có chức năng trong điều kiện nhất định.

Ngoài khả năng biệt hóa này, tế bào gốc còn nhiều tính năng như điều hòa hệ miễn dịch, tạo thông tin để tế bào tiền thân phát triển, tạo môi trường để tế bào không bị lão hóa…. Chính nhờ các tác dụng này cộng với khả năng biệt hóa mà tế bào gốc được nghiên cứu ứng dụng trong nhiều chuyên khoa và bệnh lý

Hiện nay, liệu pháp tế bào gốc được sử dụng thành công nhất là điều trị các bệnh lý liên quan đến hệ tạo máu; sau đó là tế bào gốc trung mô ứng dụng trong bệnh lý cơ xương khớp, một số bệnh lý miễn dịch như GvHD, SLE; rồi tế bào gốc trung mô trong điều trị các bệnh lý liên quan đến tim mạch, gan, thận và thẩm mỹ…

BƯỚC NGOẶT "TẾ BÀO"

14 năm trước, điều gì đã khiến bà quyết định từ bỏ con đường được gia đình định sẵn, để theo đuổi một đam mê "phi thực tế" trong thời điểm bây giờ?

TS.BS Lê Thị Bích Phượng: Tôi nghĩ tất cả là một cái duyên!

Trong suốt 5 năm thực tập tại các bệnh viện, tôi chưa từng nghe ai nhắc về tế bào gốc, tại trường đại học ở Việt Nam lúc ấy hầu như khái niệm vẫn còn rất mới, tôi chỉ có thể tham khảo qua sách báo nước ngoài. Thậm chí, tôi nhớ có một vài lần tham dự các buổi làm luận án tốt nghiệp của anh chị khóa trước, chưa có ai thực hiện về tế bào gốc.

Chính bản thân tôi, cuối cùng cũng quyết định kết thúc luận án về tim mạch. Tôi đã dự tính theo "nghiệp" truyền thống của gia đình tôi, thế nhưng tế bào và sinh học vẫn là một cái gì đó âm ỉ trong lòng.

Vào một ngày năm 2010, tôi đến gặp Giáo sư, Tiến sĩ Trương Đình Kiệt (Nguyên Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Dược -PV), khi ấy là 1 người thầy nổi tiếng về tế bào và mô bệnh học. Tôi bắt đầu nói lên băn khoăn của bản thân, thao thao bất tuyệt về sự mới mẻ lẫn hay ho về tế bào gốc.

"Thầy có thể hướng dẫn cho em được không?", tôi lấy hết can đảm lên tiếng.

Đáp lại, thầy chỉ bảo: "Hãy thử theo", rồi chỉ tôi theo 2 hướng, một là di truyền, hai là tế bào gốc.

Sau đó, Thầy Trương Đình Kiệt đã giới thiệu tôi qua trường ĐH Khoa học Tự Nhiên TPHCM (ĐH Quốc gia TPHCM). Bởi thời điểm đó, đây là cơ sở duy nhất ở Việt Nam sở hữu phòng thí nghiệm tế bào gốc.

PGĐ Bệnh viện Vạn Hạnh: Nỗi lo khi Tế bào gốc bị thổi phồng thành chữa bách bệnh và 'nguyên tắc' trong kinh doanh y tế- Ảnh 2.

Với một lĩnh vực mới mẻ với y học Việt Nam, bà đã gặp những khó khăn gì?

Thực tế, tôi đã phải thực hành những điều mà bản thân chưa bao giờ học.

Tôi tốt nghiệp y đa khoa, vì vậy khi quyết định theo đuổi con đường tế bào gốc, tôi đã dành hẳn 1 năm trong phòng lab, hoạt động như một nhà nghiên cứu. Mỗi ngày tôi làm việc với chuột, hoá chất, tế bào… nó hoàn toàn khác!

Thất bại đã trở thành chuyện đương nhiên! Đôi khi thầy đưa cho tôi một mô mỡ với yêu cầu tách ra được tế bào. Trái với mong đợi, sau nhiều ngày nuôi, nó bị nhiễm vi khuẩn!

Tôi thất bại đến mức nản lòng, stress bởi bản thân làm tiêu tốn vật tư, tiền bạc cũng như lòng tin của mọi người. Đôi lúc ngồi lại, tôi tự đặt câu hỏi rằng liệu công việc này có phù hợp với bản thân không?

Đổi lại, Giáo sư Trương Đình Kiệt biết tôi là một cô gái rất cá tính nên chỉ động viên, bố mẹ cũng chưa bao giờ tạo áp lực tôi phải thành công. Cứ vậy, mỗi lần thất bại, tôi lại tập trung hơn cho những lần tiếp theo.

CA BỆNH ĐẦU TIÊN

Cuối cùng thành công đã đến với bà như thế nào?

4 tháng trong phòng lab, tôi mới có thể thực hiện thành công ca tách mô mỡ đầu tiên ở người. Sau đó đến bước thứ hai là tách tế bào gốc từ mô tuỷ xương người. Có thể nói đây là mô khó nhất và cũng là luận án tốt nghiệp thạc sĩ sau này: Biệt hoá tế bào gốc từ mô mỡ thành tế bào sản xuất insulin để điều trị bệnh đái tháo đường.

Nhờ từng thí nghiệm, từng cột mốc dẫn tới thành công như vậy đã tiếp cho tôi thêm niềm tin, hiểu rõ hơn về tế bào.

Đến năm 2013, sau khi thuần thục các kỹ thuật phòng lab, tôi quay về Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh, xây dựng một phòng thao tác tế bào gốc riêng biệt theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Cuối năm 2013, tôi lần đầu tiên kết hợp TS. Nguyễn Đình Phú (nay Thầy đã mất rồi -PV), cùng nhóm bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh và nhóm bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 triển khai đề tài về việc ứng dụng tế bào gốc trong bệnh lý cơ xương khớp.

May mắn, đề tài đó được TPHCM thông qua, cho phép ứng dụng tế bào gốc trong bệnh lý cơ xương khớp tại Việt Nam.

Đến tận giờ, tôi vẫn biết ơn sâu sắc đối với các bệnh nhân đầu tiên tham gia nghiên cứu, với những cộng sự đồng hành cùng mình nhằm đưa tế bào gốc trở thành cái gì đó rất thực tế ở Việt Nam.
PGĐ Bệnh viện Vạn Hạnh: Nỗi lo khi Tế bào gốc bị thổi phồng thành chữa bách bệnh và 'nguyên tắc' trong kinh doanh y tế- Ảnh 3.TS.BS Lê Thị Bích Phượng

Còn những ca bệnh đầu tiên?

Tôi rất nhớ bệnh nhân này, bởi cô là nhân viên lao công của BV Đa khoa Vạn Hạnh, bị đau khớp gối và thoái hóa nặng.

Sau khi thực hiện hết các tiêu chuẩn sàng lọc, cô đúng tiêu chuẩn để đưa vào nghiên cứu, ứng dụng liệu pháp tế bào gốc từ mô mỡ.

Phải nói lần đầu tiên ứng dụng trên người bệnh nên cả ekip vô cùng hồi hộp. Điều chúng tôi lo sợ nhất chính là tác dụng phụ không mong muốn trong tế bào gốc. Thế nhưng, sau 48 tiếng, cô ấy ổn, giờ đã hồi phục và khoẻ hơn rất nhiều.

Sau đó, lần thứ hai tôi tiếp tục ứng dụng tế bào gốc trong bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Loại tế bào được lấy từ loại trung mô của mô dây rốn, tức dùng tế bào gốc của người khác để điều trị cho bệnh nhân bằng cách truyền qua tĩnh mạch. May mắn, đã 2 năm trôi qua, bệnh nhân vẫn khoẻ, không cần đi tái khám thường xuyên vì ở xa.

Phải nói đến tận giờ, tôi vẫn biết ơn sâu sắc đối với các bệnh nhân đầu tiên tham gia nghiên cứu, với những cộng sự đồng hành cùng mình nhằm đưa tế bào gốc trở thành cái gì đó rất thực tế ở Việt Nam.

Bởi bạn biết không? Khi ấy, một ca điều trị tế bào gốc về khớp gối ở nước ngoài đã rơi vào khoảng 6.000 - 10.000 USD (tương đương 150 triệu - 250 triệu đồng-PV).

"TẾ BÀO GỐC KHÔNG PHẢI LÀ CÂY ĐŨA THẦN"

Chúng ta đã nói về những thành công, nhưng chắc chắn không có gì đảm bảo 100% trong y học. Bà đã trải qua những thất bại ấy chứ?

Thực ra, trong nghiên cứu chứ không riêng việc ứng dụng ca bệnh, thành công và thất bại luôn song hành nhau. Nhưng theo bản thân tôi, chính thất bại mới cho chúng ta kinh nghiệm vào chỉ định bệnh và chọn lọc bệnh nhân hiệu quả.

Thời điểm đó, tôi nhớ không dưới 2 lần khi thực hiện một ca thất bại, tôi đã vào trong kho hóa chất của đơn vị thao tác và khóc.

Đó là áp lực, mệt mỏi nặng nề kinh khủng!

Nhưng tôi có quy tắc, bản thân chỉ được xúc động thời gian ngắn, sau đó tôi phải quay lại công việc, đối diện thất bại mà học và thực hiện cho ca sau tốt hơn.

PGĐ Bệnh viện Vạn Hạnh: Nỗi lo khi Tế bào gốc bị thổi phồng thành chữa bách bệnh và 'nguyên tắc' trong kinh doanh y tế- Ảnh 4.

Bài học sau những thất bại sẽ được bà ghi nhớ như thế nào?

Tôi biết cách chỉ định sao cho đúng những ca bệnh nên thực hiện phương pháp tế bào gốc, ca bệnh nào không. Bởi lẽ, đã có các bệnh nhân rất nặng, không thể cứu chữa được nữa đến tha thiết tôi "còn nước còn tát". Tôi nhận họ vào, cũng mong muốn sức khỏe họ cải thiện, nên khi kết quả sàng lọc của bệnh nhân không như ý, bản thân tôi biết rằng giai đoạn đó không còn phù hợp với phương pháp điều trị này. Vì vậy, mỗi liệu pháp còn nằm ở giai đoạn bệnh, cách bác sĩ lựa chọn tế bào, liều lượng ra sao…

Đó mới là bài học vô cùng quý giá.

Có các bệnh nhân rất nặng, không thể cứu chữa được nữa đến tha thiết tôi "còn nước còn tát". Tôi nhận họ vào, cũng mong muốn sức khỏe họ cải thiện, nên khi kết quả sàng lọc của bệnh nhân không như ý, bản thân tôi biết rằng giai đoạn đó không còn phù hợp với phương pháp điều trị này.
PGĐ Bệnh viện Vạn Hạnh: Nỗi lo khi Tế bào gốc bị thổi phồng thành chữa bách bệnh và 'nguyên tắc' trong kinh doanh y tế- Ảnh 5.TS.BS Lê Thị Bích Phượng

THỊ TRƯỜNG TẾ BÀO GỐC: NHỮNG ĐIỀU KHÔNG PHẢI AI CŨNG BIẾT

Hiện tại, thị trường chữa trị bệnh bằng liệu pháp tế bào gốc đã phát triển như thế nào?

Về mặt doanh thu toàn cầu, ước tính trị giá ngành này đã đạt 286 triệu USD vào năm 2023 và sẵn sàng đạt 615 triệu USD vào năm 2028. Riêng tại Việt Nam, hiện tại đang có nhiều đơn vị đang đầu tư phát triển lĩnh vực ứng dụng tế bào gốc, bao gồm Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh, An Sinh, Tâm Anh, Vinmec…

Trong vòng 5 năm trở lại, việc chữa trị bệnh bằng tế bào gốc của nước ta đang phát triển với tốc độ vượt bậc thông qua con số tài trợ quốc tế về nghiên cứu, số lượng cơ sở sản xuất liệu pháp tế bào có chứng nhận GMP và số lượng thử nghiệm lâm sàng. Các mảng điều trị chính bao gồm: rối loạn cơ xương, bệnh tim mạch, vết thương và phẫu thuật, rối loạn thần kinh, bệnh phổi, trẻ hoá và nhiều ứng dụng khác…

Thế nhưng, chính tốc độ nhanh chóng này đang tạo ra sự cạnh tranh chính thống và không chính thống. Chính thống ở đây đến từ các tổ chức uy tín đang hoạt động trong lĩnh vực tế bào gốc như bệnh viện, trường đại học… điều này là tốt cho sự phát triển ngành, cá nhân nhà khoa học như tôi cũng học hỏi được nhiều từ đơn vị bạn. Riêng sự cạnh tranh không chính thống lại đến từ các mỹ phẩm, chế phẩm dán mác tế bào gốc trôi nổi, không kiểm định, giấy phép… tạo sự lo ngại, mối nguy hiểm cho người bệnh.

Ở Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh, công tác ứng dụng tế bào gốc đang được bà triển khai ra sao?

Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh được thành lập vào năm 2000, đã có 24 năm tuổi đời, trong đó đơn vị tế bào gốc cũng được ứng dụng từ ngày 5/9/2013 và trở thành mũi nhọn nhất của bệnh viện. Trên thị trường, Vạn Hạnh là một trong những đơn vị tiên phong, đầu tư bài bản về trang thiết bị, nhân lực cũng như công trình nghiên cứu khoa học cả trong nước lẫn quốc tế.

Hiện tại tôi đang giữ vị trí Phó Giám đốc bệnh viện, kiêm trưởng đơn vị tế bào gốc. Ngoài ra tôi còn là Giám đốc Trung tâm Y Khoa Vạn Hạnh - nơi nghiên cứu, ứng dụng đầu tiên tế bào gốc.

Ban đầu, từ năm 2016, chúng tôi chủ yếu ứng dụng tế bào gốc nhiều nhất trong bệnh lý cơ xương khớp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính… Còn từ 2017 đến bây giờ, ngoài các chuyên môn thành thương hiệu, chúng tôi còn điều trị bệnh tiểu đường, bệnh lý liên quan đến tim mạch, gan, thận và trong lĩnh vực thẩm mỹ…

PGĐ Bệnh viện Vạn Hạnh: Nỗi lo khi Tế bào gốc bị thổi phồng thành chữa bách bệnh và 'nguyên tắc' trong kinh doanh y tế- Ảnh 6.

Đúng là nhờ sự ứng dụng thành công này, hiện nay tế bào gốc được người dân biết rộng rãi, buôn bán tràn lan, thậm chí có ý kiến cho rằng tế bào gốc "chữa được bách bệnh"…

Ôi! Đó là nỗi đau chung của ngành! Tế bào gốc không phải là cây đũa thần, cứ đụng vô là sẽ hết bệnh đâu!

Chúng ta nên hiểu, sẽ chẳng có phương thuốc nào, phương pháp điều trị nào điều trị bách bệnh như thế cả. Hiện nay, tôi thấy nhiều cơ sở đã quảng cáo tế bào gốc có vai trò quá lớn so với thực tế, khiến người dân đặt quá nhiều kỳ vọng.

Tôi chỉ mong mọi người hãy đón nhận tế bào gốc đúng giá trị thật sự của nó. Đó là điều mà cả tôi, người bệnh, đồng nghiệp lẫn cơ quan quản lý lĩnh vực tế bào gốc đang thực hiện.

Vì vậy, tôi vẫn thường xuyên xuất hiện trên đài truyền hình để nói về vấn đề thật giả của tế bào gốc bán trên mạng xã hội, giao tiếp với các chuyên gia, tham dự những hội thảo có cơ quan quản lý nhà nước nhằm định nghĩa thế nào là tế bào gốc và truyền thông cho đúng về giá trị của nó.

Chẳng có phương thuốc nào, phương pháp điều trị nào điều trị bách bệnh. Hiện nay, tôi thấy nhiều cơ sở đã quảng cáo tế bào gốc có vai trò quá lớn so với thực tế, khiến người dân đặt quá nhiều kỳ vọng. Tôi chỉ mong mọi người hãy đón nhận tế bào gốc đúng giá trị thật sự của nó.
TS.BS Lê Thị Bích Phượng

Với vị trí một nhà điều hành doanh nghiệp y tế, việc quảng cáo không phải là sẽ mang lại giá trị con số cho bà sao?

"Đầu tư y tế là đầu tư nhân văn!", đó là quan điểm hành nghề của tôi. Vì vậy, khi tôi làm đúng, hiệu quả, tự khắc nó nhận được hiệu ứng và bệnh nhân tin tưởng nhiều hơn là khi thổi phồng.

Bạn thử nghĩ, người bệnh tìm đến mình nhưng chỉ nhận lại sự thất bại điều trị, thất vọng, thì đó mới là cái "chết" của kinh doanh y tế. Vì vậy, mỗi bệnh nhân đến với tôi, tôi đều tư vấn cơ chế điều trị ra sao, làm sao sẽ hiệu quả tốt nhất, không lạm dụng tế bào gốc như thế nào, thậm chí nhiều bệnh lý như ung thư, tôi hoàn toàn ngăn cấm điều trị bằng tế bào gốc… Nhờ vậy, đến giờ hiệu quả truyền miệng của Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh vẫn rất cao.

Như bà có chia sẻ, việc điều trị ở nước ngoài đã rơi vào khoảng 6.000 - 10.000 USD (tương đương 150 triệu - 250 triệu đồng), vậy còn ở cơ sở Vạn Hạnh, mức giá mà người bệnh phải bỏ ra là bao nhiêu?

Thực tế, 6.000 USD tôi nói với bạn là chỉ cho 1 liệu trình thôi, còn ở BV Đa khoa Vạn Hạnh chỉ khoảng 50 triệu đồng người bệnh sẽ được 3 lần tiêm.

Chúng tôi có nguyên tắc xây dựng chi phí hợp lý để toàn bộ người dân Việt Nam đều có thể tiếp cận công nghệ cao. Và tôi đảm bảo công nghệ của Vạn Hạnh hoàn toàn tương đương với công nghệ trên thế giới, cụ thể là châu Âu, Nhật Bản và Đài Loan.

Người bệnh tìm đến mình nhưng chỉ nhận lại sự thất bại điều trị, thất vọng, thì đó mới là cái "chết" của kinh doanh y tế.
TS.BS Lê Thị Bích Phượng

"TÔI MONG MÌNH MÃI CỐNG HIẾN TRÍ TUỆ CHO CON ĐƯỜNG NGHIÊN CỨU TẾ BÀO GỐC"

Trải qua một quá trình "tìm đường" trong lĩnh vực hoàn toàn mới này, theo bà điều quan trọng nhất của một nhà điều hành doanh nghiệp y tế là gì? Có sự mâu thuẫn giữa đạo đức y sĩ và lợi nhuận doanh nghiệp hay không?

Bạn nói đúng, những mâu thuẫn này sẽ luôn xuất hiện khi bạn xuất thân là một bác sĩ đi điều hành doanh nghiệp. Vì vậy, ngay từ đầu tôi nghĩ yếu tố quan trọng của doanh nghiệp y tế là sự tử tế và đừng làm sai!

Chúng tôi áp dụng sự tử tế này cho khách hàng, người bệnh, đối tác và cả nhân viên của mình. Đó đã là văn hoá mà tôi thực hành mỗi ngày. Còn trong y tế, tôi đang cố gắng đúng nhất ở từng giai đoạn chẩn đoán, điều trị, theo dõi tới tư vấn và động viên người bệnh.

PGĐ Bệnh viện Vạn Hạnh: Nỗi lo khi Tế bào gốc bị thổi phồng thành chữa bách bệnh và 'nguyên tắc' trong kinh doanh y tế- Ảnh 7.

Và cuối cùng, điều bà mong mỏi tiếp theo cho bản thân và những điều đã lựa chọn là gì?

So với 14 năm trước, hiện nay lĩnh vực tế bào gốc đang phát triển rất nhanh, trở thành mảnh đất được nhà nghiên cứu dấn thân. Thậm chí, giới trẻ bây giờ có internet, sự kết nối thế giới nên họ hiểu biết hơn, tìm hiểu sâu hơn.

Thế nhưng, chúng ta thừa biết, trên thế giới còn vô vàn bệnh lý người ta vẫn dùng từ nan y. Tôi chỉ mong sự hiểu biết của chúng ta, sự phát triển nhanh chóng của tế bào gốc có thể chiến thắng cuộc đua đó, giành giật lại sự sống cho con người.

Ngoài ra, ngành tế bào gốc phát triển nhưng vẫn còn các hiểu biết sai lệch tại Việt Nam, nên tôi mong sẽ có tiếng nói chung để ngành trở nên phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Còn riêng bản thân tôi, mỗi ngày tôi đều cầu cho bản thân giữ được sức khỏe, trí tuệ để theo đuổi con đường nghiên cứu về tế bào gốc. Một ngày nào đó, nếu có cơ hội, tôi sẽ truyền tải những kiến thức bản thân thu thập được cho các thế tiếp theo thông qua công việc giảng dạy.

Cảm ơn bà vì những chia sẻ này!


Minh Hậu

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên