PGS Bệnh viện K nhắn nhủ tới các bạn trẻ: "Hãy bỏ ngay lối sống đón bệnh!"
Ung thư đang trẻ hoá, nhiều bệnh ung thư ở Việt Nam có người mắc trẻ hơn thống kê của thế giới hàng chục tuổi. Nếu các bạn trẻ không thay đổi ngay hôm nay thì nguy cơ rất lớn.
Ung thư ở Việt Nam trẻ hoá
PGS Vũ Hồng Thăng - Phó Trưởng Bộ môn Ung thư Đại học Y Hà Nội, Phó Trưởng khoa điều trị nội - Bệnh viện K cho biết ung thư hiện nay đang trẻ hoá. Nhiều năm gần đây ngày càng gặp bệnh nhân ung thư trẻ dưới 40 tuổi. Số người mắc ung thư ở người trẻ ở Việt Nam so với trên thế giới trẻ hơn nhiều.
PGS Thăng lấy ví dụ, chỉ riêng ung thư vú ở Việt Nam trẻ hơn so với người da trắng khoảng 10 năm. Nhiều cháu nhỏ chỉ hơn 10 tuổi đã mắc bệnh ung thư ở những người tuổi trên 50.
Giải thích cho hiện tượng ung thư đang trẻ hoá, PGS Thăng cho rằng rất khó đưa ra nguyên nhân cụ thể nhưng các yếu tố thì ai cũng nhìn ra và luôn rình rập tất cả mọi người.
Ở trẻ em, ung thư do thời kỳ mang thai như gen, đột biến nhiễm sắc thể gây ra các bệnh ung thư không liên kết như ung thư máu, ung thư não.
Còn các bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư dạ dày, đại trực tràng, gan, phổi… cũng liên quan tới các bất thường như gen, nhiễm sắc thể nhưng nếu ở trẻ từ 10 tuổi trở lên, PGS Thăng chỉ thẳng do do lối sống góp vào thêm.
Ung thư ở người trẻ tăng do lối sống góp phần vào
Hiện nay, người trẻ mắc thừa cân béo phì đang hiện hữu nhất là các thành phố lớn. Ngoài ra, nguyên nhân có thể do lây truyền vi rút viêm gan B, bệnh truyền nhiễm khác.
Theo PGS Thăng ở người trẻ cũng có tác động ảnh hưởng của môi trường. Những người trẻ dễ nhạy cảm với yếu tố gây bệnh hơn người già như thực phẩm chứa chất bảo quản, hoá chất, viêm nhiễm, vi khuẩn, vi rút.
Một yếu tố do gia đình ở những gia đình có nhiều người mắc ung thư như ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư buồng trứng…
Hãy bỏ ngay lối sống "đón bệnh"
PGS Thăng cho biết, trên thực tế bức tranh của bệnh ung thư trẻ hoá người ta có thể nhìn thấy, đó là lối sống công nghiệp. Lối sống này ảnh hưởng từ môi trường ô nhiễm, ô nhiễm không khí, nguồn nước.
Thậm chí, cách sinh hoạt hàng ngày "theo kiểu công nghiệp" như ăn nhiều thức ăn sẵn, ít rau xanh, ít hoa quả, ăn nhiều thức ăn nướng, chiên rán, thức ăn công nghiệp đóng gói sẵn khác.
Hãy bỏ bữa ăn công nghiệp thay vào nhiều thực phẩm rau xanh, trái cây.
Trẻ nhỏ đã ăn các loại đồ ăn đóng gói, nước ngọt và nhiều trẻ trở thành nghiện thức ăn này, đây là cách ăn uống cực kỳ nguy hiểm tạo nguy cơ gây bệnh.
PGS Thăng chỉ ra thêm thói quen thức khuya, lười vận động cũng là yếu tố gây ung thư. Ông khuyến cáo lớp trẻ cần tập thể dục 2,5 giờ/ tuần, ăn thức ăn nguyên hạt, ăn hoa quả nhiều, giữ chỉ số cơ thể BMI dưới 25, hạn chế thức ăn độc hại.
Việt Nam chưa có nghiên cứu nào trong cộng đồng về ung thư trẻ hoá để đưa ra thời điểm nào nên sàng lọc ung thư. Tuy nhiên, thực tế người Việt Nam nên sàng lọc và phát hiện sớm so với người nước ngoài khoảng 5 đến 10 năm.
Mặc dù thời gian gần đây nhiều bạn trẻ quan tâm tới sức khoẻ của mình hơn, họ tới khám chữa bệnh nhiều hơn, chủ động đi khám nhưng PGS Thăng cho rằng ung thư đều có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào. Các bạn trẻ đừng nghĩ mình trẻ không sợ mắc ung thư đó mà cần quan tâm tới sức khoẻ của mình hơn.
Bất cứ ai cũng cần lắng nghe cơ thể mình thấy bất thường nên đi khám ngay. Tốt nhất có thể khám sức khoẻ 1 năm một lần để được tư vấn dinh dưỡng, luyện tập sức khoẻ, hạn chế nguy cơ và dự phòng ung thư.
Cùng quan điểm, PGS Lê Văn Quảng – PGĐ Bệnh viện K trung ương cho rằng phòng ung thư bằng cách thay đổi lối sống chính là cách dự phòng ung thư rẻ tiền nhất. Lối sống ăn uống nhiều chất phụ gia, chất bảo quản, cách chế biến nướng, chiên rán, đồ hộp đóng gói chính là tác nhân gây ra 1/3 bệnh ung thư.
Có thể tránh ung thư được bằng cách ăn uống khoa học, tăng cường rau xanh, thực phẩm nguyên hạt, hạn chế chiên, nướng.
PGS Quảng cũng cho rằng thực hiện tập thể dục không chỉ phòng ung thư mà phòng rất nhiều bệnh khác.
Các dấu hiệu dự báo ung thư: Sờ thấy u bất thường, hạch cổ bất thường, đau đầu ù tai, thay đổi thói quen đại tiểu tiện, đi ngoài nhiều, đau bụng, phân có máu không lý giải được nên đi khám sớm.
Đi tiểu ra máu có thể là ung thư thận, ung thư bàng quang.
Vết loét lâu liền ở da nên đi khám có thể là ung thư da.
U lồi trên da có thể là ung thư xương, ung thư phần mềm.
Người trẻ hay bị đau đầu, lác mắt, khó ngủ có thể là u não.
Trí thức trẻ