PGS Trần Như Dương chỉ ra đúng 7 chữ giúp chặt đứt đường lây Covid-19
Theo PGS Trần Như Dương – Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương việc truy vết F1 vô cùng quan trọng đây là cách chặn mắt xích lây lan.
- 14-08-2020WHO khẳng định không có bằng chứng về việc COVID-19 lây lan qua thực phẩm
- 13-08-2020Nghẹn ngào giây phút bé 8 tháng tuổi ở Đà Nẵng chiến thắng COVID-19 về với gia đình
- 12-08-2020Bài học cuộc sống từ cụ bà 102 tuổi chiến thắng Covid-19, cúm Tây Ban Nha và 2 bệnh ung thư nguy hiểm
PGS Dương cho biết hiện nay Covid-19 chưa có vắc xin phòng bệnh, cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Chính vì vậy, một trong những biện pháp quan trọng nhất để phòng chống dịch Covid-19 là cắt đứt đường lây truyền. Để làm được điều đó thì phải cách ly , cô lập nguồn lây và không cho nguồn lây đó có cơ hội phát tán virus lây lan ra cộng đồng.
Đó là cơ sở cho việc tổ chức cách ly đối với các trường hợp có liên quan đến ca bệnh và ca bệnh nghi ngờ mắc Covid-19. Riêng đối với các trường hợp F1, trong hướng dẫn của Bộ Y tế, đây là những đối tượng tiếp xúc vòng 1 với bệnh nhân Covid-19 hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 cần có sự chú ý đặc biệt hơn.
F1 là chính là những người tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ trong vòng 2m, không kể là tiếp xúc trong thời gian bao lâu. Đã tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây nên F1 là người có nguy cơ rất cao bị lây bệnh. Có thể coi F1 chính là những bệnh nhân tiềm tàng.
Vì vậy, việc truy vết F1 ngay khi phát hiện ca bệnh Covid-19 hay ca bệnh nghi ngờ mắc Covid-19 là yếu tố cực kỳ then chốt, quyết định trong việc chống dịch.
PGS Dương nhấn mạnh chiến lược chống dịch tại cộng đồng, đó là: Phát hiện - phát hiện - phát hiện, cách ly - cách ly - cách ly. Muốn phát hiện sớm không có cách nào khác là phải giám sát và xét nghiệm. Và một trong cách quan trọng để phát hiện được F1 chính là phải truy vết.
Xét nghiệm cho người dân ở Đà Nẵng
Chính vì vậy, việc chống dịch trên mọi miền Tổ quốc, ở các địa phương, chúng ta phải tuân thủ nguyên tắc bất di bất dịch: "Truy vết F1 một cách thần tốc". Có nghĩa là phải nhanh, đồng thời phải kiên quyết không được bỏ sót F1.
Nếu F1 không được phát hiện ra và phát hiện nhanh, kịp thời, không được tổ chức cách ly ngay, bỏ lọt trong cộng đồng thì người này có nguy cơ cao trở thành người bệnh, phát tán virus.
Lúc đó nguy cơ lây lan trước hết là trong chính gia đình của họ, sau là lây lan ra cơ quan, cộng đồng, các nhóm họp, tập trung đông người. Lúc đó dịch sẽ không ngăn chặn được nữa.
Hiện nay, Bộ Y tế yêu cầu cách ly tập trung, bắt buộc đối với F1, kiên quyết không được cho F1 tự cách ly tại nhà.
Bởi vì, việc cách ly tại nhà là hoàn toàn không triệt để, khó kiểm soát. Chỉ cần người F1 đó lơ là, mất cảnh giác một chút thôi hoặc vi phạm quy định đi ra ngoài (mà lại là trường hợp nhiễm bệnh chưa được phát hiện ra) khi đó nguy cơ gieo rắc virus rất lớn, tạo thành lỗ thủng trong hệ thống phòng dịch của chúng ta.
Chính vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, đối với người F1, Bộ Y tế yêu cầu phải cách ly bắt buộc, tại cơ sở cách ly tập trung có sự quản lý theo dõi giám sát của nhân viên y tế tại cơ sở cách ly tập trung.
Đây vừa là quyền lợi cũng là nghĩa vụ công dân. Quyền lợi là được cách ly theo dõi y tế, được phát hiện ngay, chăm sóc y tế ngay nếu mắc bệnh, bảo vệ được sức khỏe, tính mạng. Còn nghĩa vụ là F1 cần tuân thủ các nội quy cách ly để bệnh không lây lan sang người khác, sang cộng đồng.
Pháp luật và bạn đọc