PGS. TS Trần Đình Thiên nói về điểm "bất thường" của kinh tế Việt Nam: Một ngôi sao ngược gió?
Trình bày tham luận “Khơi thông nguồn lực, phát huy năng lực nội sinh của doanh nghiệp và nền kinh tế”, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, cùng trong bối cảnh phát triển chung, Việt Nam ở trong một tình thế phát triển có nhiều nét khác biệt, thậm chí khác thường.
- 19-09-2023400 đại biểu bàn giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội
- 19-09-2023Sau khi bị 'bêu tên', nhiều doanh nghiệp thanh toán đủ các khoản thuế
- 19-09-2023Được các ông lớn Amkor, Intel… đầu tư hàng tỷ USD, Việt Nam có cơ hội trở thành cường quốc hàng đầu về sản xuất chip?
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 diễn ra vào 19/9/2023, PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết, điểm nhấn mạnh đầu tiên là sau 3 năm trải qua đại dịch Covid và vượt qua khó khăn, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững, tạo được đà và thế tăng trưởng – phát triển tích cực. Các con số phản ánh thành tích tăng trưởng – ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư nước ngoài, đặt trong sự so sánh quốc tế, là minh chứng tốt cho nhận định này.
Nền kinh tế của chúng ta tốt những lại rất có vấn đề. Khi nền kinh tế bất thường thì tư duy phải khác thường. Việt Nam giống như một ngôi sao nhưng là ngôi sao ngược gió.
Năm 2022, kinh tế Việt Nam đã có ký tích, nói kỳ tích cũng hơi quá, đó là tăng trưởng đạt 8,02%. Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam cũng có sự khác biệt, không bình thường, đó là tăng trưởng cao nhưng lạm phát thấp . Lạm phát thấp của Việt Nam đã diễn ra nhiều năm rồi.
Nhìn xuyên suốt quá trình thực tiễn, có những vấn đề lớn đặt ra. Trước hết, xu hướng suy giảm liên tục và kéo dài động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam thường chứa đựng “nghịch lý”: Doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành; Nền kinh tế “khát vốn” nhưng lại khó hấp thụ vốn; Tăng trưởng GDP cao nhưng lạm phát thấp; Lạm phát thấp nhưng lãi suất cao. PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, tình trạng ách tắc lưu thông các nguồn lực là căn nguyên “bất động hóa” các nguồn lực, làm cho chúng không thể chuyển hóa thành “động lực phát triển”, dẫn tới chỗ cơ thể kinh tế bị suy yếu, bị tổn thương và bất ổn.
Để bảo đảm lưu thông các nguồn lực trong nền kinh tế thị trường, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, cần hạn chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế “xin – cho”, “hành chính”; Ưu tiên thúc đẩy phát triển các thị trường, đặc biệt là các thị trường “đầu vào”, tạo cơ sở để việc phân phối các nguồn lực diễn ra theo đúng nguyên tắc thị trường (cạnh tranh). Các thị trường đầu vào càng đồng bộ, hiệu quả phát triển càng cao.
PGS.TS Trần Đình Thiên nêu rõ, cần đảm bảo hạ tầng thông suốt, cơ chế thông thoáng, vận hành thông minh. Đó là những đúc kết mang tính nguyên tắc – nguyên lý, nhưng thực chất là trực tiếp hướng tới giải quyết những vấn đề căn cốt đang đặt ra cho cho nền kinh tế Việt Nam ở khía cạnh tạo động lực và giải phóng năng lực phát triển.
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, có đủ căn cứ và cơ sở để nhận định rằng vấn đề mấu chốt của kinh tế Việt Nam hiện nay chính là “thông mạch, thông các nguồn lực” để giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mạnh và mới cho tăng trưởng và phát triển. Để giải quyết nhiệm vụ đó, định hướng ưu tiên được nhằm vào chính là phát triển đúng hướng và đúng cách các thị trường; xây dựng một bộ máy quản trị và điều hành phát triển thông minh, biết dựa vào thị trường và có trách nhiệm.
PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết, dưới những áp lực mạnh mẽ của thực tiễn, trong sự đồng thuận phối hợp của Quốc hội, trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã có những thay đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận chính sách và giải pháp để cải thiện tình hình. Nhiệm vụ là định hình một khung khổ chính sách định hướng “bình thường mới” để thích ứng. Trong những điều kiện đặc biệt khó khăn “hậu Covid” của nền kinh tế thế giới lẫn kinh tế Việt Nam, đây là nhiệm vụ có tính thách thức rất cao.
Nhịp sống thị trường