MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PGS. TS. Trần Đình Thiên: "Thoát Trung" hậu Covid-19 có nghĩa là gì?

"Thoát Trung" theo quan điểm của PGS.TS. Trần Đình Thiên là thoát khỏi những trói buộc xã hội, tập tục kiểu phương Đông truyền thống, những sự lệ thuộc về phát triển… "Thoát Trung" cũng có hàm nghĩa là "thoát Ta".

Tại buổi nói chuyện Làm gì để kinh tế Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19, ông Trần Đình Thiên cho biết sẽ có 4 cơ hội lịch sử đang được mở ra cho đất nước.

Thứ nhất Việt Nam có thể thoát khỏi những tư duy phát triển, trói buộc cũ. Thứ hai là khả năng tiến vượt để đuổi kịp rồi đi cùng với thế giới.

Thứ ba là cơ hội để không còn lệ thuộc vào Trung Quốc nhiều quá, ví dụ như nhiều năm trở lại đây là vấn đề nguyên liệu đầu vào.

Thứ tư là tạo dựng đẳng cấp mới cho đất nước.

Ông Thiên cũng đề cập đến câu chuyện "thoát Trung" -  "thoát Ta" để đất nước càng tự cường, phát triển mạnh mẽ hơn.

"Thoát Trung" là một khái niệm rộng, có tính nhạy cảm cao, gây tranh cãi. Theo quan điểm của ông Thiên, "thoát Trung" được hiểu là thoát khỏi những trói buộc xã hội, tập tục, quy định kiểu phương Đông truyền thống. Đồng thời, thoát khỏi những sự lệ thuộc kinh tế, phát triển, bẫy nợ, bẫy đầu tư, thâm hụt thương mại nặng nề với Trung Quốc.

Dẫn ra câu chuyện của Nhật Bản thời Minh Trị, quốc gia này đã dùng khái niệm "thoát Á" để vươn lên. Nhưng lõi của "thoát Á", theo ông Thiên chính là Nho giáo – tức văn hoá Trung Quốc – tức nội hàm như trên.

"Nhật Bản vượt qua được nên họ bay lên, là đất nước đầu tiên của châu Á nhập vào danh sách 20 quốc gia phát triển nhất toàn cầu. Phải hàng chục năm sau mới đến Hàn Quốc", ông Thiên nói.

Nhưng thoát Trung cũng chính là hàm nghĩa "thoát Ta", PGS.TS. Trần Đình Thiên cũng nhấn mạnh với câu chuyện của Việt Nam.

Bởi hàng chục năm nay kinh tế Việt Nam đã bị phụ thuộc nhiều thứ từ nguyên liệu đầu vào, thâm hụt thương mại… với Trung Quốc nên muốn thoát khỏi bẫy lệ thuộc là không dễ, cần có thời gian. Điều này đúng với tất cả các quốc gia trước đó trong khu vực.

Và việc bứt ra, do vậy, sẽ phụ thuộc vào chính bản thân Việt Nam có dám bứt phá để vượt lên hay không.

Trong một bài phỏng vấn gần đây, ông Thiên nhận định: Phải "thoát Ta" để "thoát Trung" chính là như vậy. Đó cũng là cách hiểu "thoát Ta" với sắc thái nghĩa khác "thoát Trung". Ta phải chịu trách nhiệm với chính Ta. Phải biết cắn răng chịu đau, không hèn, không sợ, để có quyết sách vươn lên tự chủ thì mới được. Chỉ nói "thoát Trung", khi gặp khó, toàn đổ cho bên ngoài, còn mình đúng cả, e rằng nền kinh tế Việt chẳng bao giờ vươn dậy được.

Hà Thu

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên