PGS.TS Mai Hoài: Giới hạn chịu đựng của hành tinh đã bị loài người vượt qua, doanh nghiệp nào đi trước, làm thật để giải quyết thách thức sẽ có lợi thế
PGS.TS Bùi Thị Mai Hoài, Viện trưởng Viện Tài chính Bền vững, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng việc chuyển đổi mô hình kinh doanh từ truyền thống sang bền vững không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, trong thách thức vẫn có cơ hội và doanh nghiệp nào "đi trước", "làm thật" sẽ có lợi thế.
- 10-07-2024GDP/đầu người cao nhất Đông Nam Á, đạt tới hơn 2 tỷ đồng/năm, quốc gia này vừa cho phép ăn côn trùng để tăng cường an ninh lương thực
- 09-07-2024HSBC cấp vốn gần 600 tỷ đồng cho một dự án điện mặt trời tại Việt Nam
- 09-07-2024Điều hòa không còn là "thuốc tiên" đặc trị những đợt nắng nóng khủng khiếp: "Kịch bản ác mộng" sẽ xảy ra ngày một nhiều
Trong cuốn sách "Những gã khổng lồ xanh", tác giả E.Freya Williams nhắc tới một quan điểm tồn tại suốt nhiều thập niên qua cho rằng sự bền vững và lợi ích xã hội về cơ bản là lực lượng đối lập với lợi nhuận. Điều này thậm chí còn ăn sâu vào tâm trí của đại đa số các vị lãnh đạo trong giới kinh doanh.
Quan niệm này ngày càng được củng cố hơn nữa bởi ý kiến của các chuyên gia phân tích tài chính tại phố Wall, khiến giới kinh doanh từng rất lắng nghe và tin tưởng.
Thế nhưng, mọi thứ đều đang thay đổi. Không giống với suy nghĩ của nhiều người, tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững vào hoạt động sản xuất, kinh doanh không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng mà còn là chìa khoá để đảm bảo sự tồn tại lâu dài và bền vững của doanh nghiệp.
Trên cả phương diện của người làm nghiên cứu lẫn nhà tư vấn cho các doanh nghiệp, PGS.TS Mai Hoài đã chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng cũng như lợi thế mà doanh nghiệp có thể có được khi chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh doanh bền vững, đặc biệt là trong bối cảnh nhận thức của người dân, của khách hàng, của xã hội về phát triển bền vững đang thay đổi mạnh mẽ.
- Những con số nào cho thấy phát triển bền vững đang trở thành yêu cầu bắt buộc với các quốc gia trên toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng?
PGS.TS Mai Hoài: Tôi nghĩ điều đó bắt nguồn từ các rủi ro và thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt. Nghiên cứu của Bell (2016) cho thấy nếu chúng ta tiếp tục sản xuất và tiêu dùng như hiện tại thì đến năm 2050, chúng ta sẽ cần khoảng 2,3 Trái đất để duy trì tài nguyên, năng lượng và xử lý chất thải cho dân số 9 tỷ người. Mà thực tế chúng ta chỉ có một Trái đất thôi!
Hậu quả của việc bước qua các giới hạn chịu đựng của hành tinh là chúng ta đang ngày càng phải gánh chịu nhiều rủi ro hơn. Chỉ riêng tác động kinh tế của biến đổi khí hậu, dù tính theo kịch bản trung bình cũng đã rất đáng lo ngại.
Việt Nam không phải ngoại lệ. Theo báo cáo của WB năm 2022, Việt Nam là một trong năm quốc gia bị tổn thất nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Các tính toán cho thấy: Việt Nam mất 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP do những tác động này. Nếu không có các biện pháp thích ứng và giảm nhẹ thích hợp, ước tính biến đổi khí hậu sẽ khiến Việt Nam thiệt hại khoảng 12% đến 14,5% GDP mỗi năm từ năm 2050.
Hệ luỵ của biến đổi khí hậu có thể khiến 1 triệu người rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực vào năm 2030. Các lĩnh vực và khu vực ở Việt Nam bị tác động nghiêm trọng nhất là nông nghiệp, giao thông vận tải, thương mại và công nghiệp, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long và khu vực duyên hải miền trung.
Nếu không có biện pháp thích ứng hiệu quả, nhiệt độ tăng 1°C và 1,5°C có thể gây thiệt hại lần lượt khoảng 1,8% GDP và 4,5% GDP mỗi năm giai đoạn 2025-2030 (AFD, 2021).
Biến đổi khí hậu không chỉ gây thiệt hại về mặt kinh tế, mà còn lấy đi cả sinh mạng của rất nhiều người. Thật đáng lo ngại khi những thông tin thiệt hại về người và của do các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra ngày càng nhiều và dồn dập hơn.
- Trước thực trạng này, bà đánh giá nhận thức của người dân, của doanh nghiệp và của cả các chính phủ về phát triển bền vững đã thay đổi ra sao?
Tôi rất thích câu nói này của Victor Hugo: "Chúng ta có thể chống lại một đội quân xâm lược, nhưng không thể chống lại một tư tưởng đã chín muồi". Phát triển bền vững không còn là lý tưởng hay sự lựa chọn mà là bắt buộc, khi hầu hết các chủ thể trong xã hội đã nhận thức được rằng các giới hạn chịu đựng của hành tinh đã bị loài người chúng ta vượt qua và hậu quả mà chúng ta phải gánh chịu sẽ ngày càng nặng nề. Chính vì vậy, sự quan tâm của cả xã hội từ chính phủ, các tổ chức liên chính phủ, phi chính phủ, nhà đầu tư, các doanh nghiệp đến người tiêu dùng đối với phát triển bền vững ngày càng mạnh mẽ hơn. Khuynh hướng đầu tư bền vững/đầu tư tác động, sản xuất bền vững và tiêu dùng bền vững đang gia tăng mạnh mẽ.
Đối với doanh nghiệp, việc chuyển đổi mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh doanh bền vững không chỉ có thách thức mà còn có cả cơ hội. Vì vậy, doanh nghiệp nào đi trước và làm thật để giải quyết các thách thức, nắm bắt các cơ hội, doanh nghiệp đó sẽ có lợi thế.
- Bà vừa đề cập tới thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp trong việc xây dựng các mô hình kinh doanh bền vững. Nhận thức của các doanh nghiệp về vấn đề này như thế nào?
Theo các dữ liệu tôi tiếp cận được thì các doanh nghiệp trên toàn cầu và cả ở Việt Nam đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến sản xuất bền vững. Số lượng các doanh nghiệp cam kết thực hiện, lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào hoạt động sản xuất kinh doanh của họ ngày càng nhiều. Tuy nhiên, mức độ quan tâm có khác nhau giữa các quốc gia và vùng địa lý cũng như lĩnh vực hoạt động.
Chẳng hạn, nghiên cứu của Lan Song và các cộng sự (2022) cho thấy 304 trong số 500 tập đoàn trong bảng xếp hạng Fortune Global Top 500 đã trình bày các nội dung tích hợp mục tiêu SDGs vào hoạt động kinh doanh trên trang web của họ. Các tập đoàn có trụ sở tại Châu Âu đang dẫn đầu trong việc tham gia vào SDGs, trong khi các công ty có trụ sở tại Hoa Kỳ và Trung Quốc ít quan tâm hơn. Mục tiêu SDG 8 (Việc làm ổn định và tăng trưởng kinh tế) và SDG 13 (Hành động vì khí hậu) được các tập đón này quan tâm nhiều nhất, trong khi SDG 2 (Không còn nạn đói) và SDG 14 (Cuộc sống dưới nước) ít được họ quan tâm. Mức độ tham gia cũng không đồng đều giữa các lĩnh vực kinh doanh, trong đó các tập đoàn trong lĩnh vực thông tin & công nghệ phần lớn tham gia vào SDGs, ngược lại đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Hoặc Báo cáo năm 2020 của GRI dựa trên phân tích mẫu gồm hơn 200 công ty trên khắp thế giới cho thấy:
- 83% công ty tuyên bố rằng họ ủng hộ SDGs, nhận ra giá trị của việc điều chỉnh báo cáo của họ phù hợp với SDGs;
- 69% công ty nêu rõ SDGs phù hợp nhất với hoạt động kinh doanh của họ, trong đó 61% nêu rõ hành động của họ hỗ trợ SDGs như thế nào;
- 40% công ty đặt ra các cam kết có thể đo lường được về cách họ sẽ giúp đạt được SDGs, trong khi 20% đưa ra bằng chứng để đánh giá tác động tích cực của chúng.
Tại Việt Nam hiện nay, ngoài những doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo phát triển bền vững theo qui định của nhà nước, các doanh nghiệp chưa thuộc diện bắt buộc cũng có khá nhiều doanh nghiệp đã chủ động thực hiện.
- Vậy các doanh nghiệp sẽ được lợi gì khi tích hợp phát triển bền vững vào mô hình kinh doanh của mình?
Tôi cho rằng các doanh nghiệp kinh doanh có nhiều lý do để thay đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang các mô hình kinh doanh bền vững. Đầu tiên, việc chuyển đổi này có thể tới từ việc tuân thủ luật pháp của quốc gia sở tại và các quốc gia đối tác liên quan.
Kế đến, trong xu thế chuyển xanh đang sôi sục toàn cầu, việc các doanh nghiệp đi theo con đường bền vững cũng giúp họ thu hút vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư tác động và các tổ chức tài chính quốc tế với chi phí sử dụng vốn thấp hơn thị trường. Cơ hội này ngày càng đáng quan tâm khi quy mô thị trường đầu tư tác động toàn cầu đang gia tăng nhanh chóng theo thời gian.
Số liệu thống kê cho thấy vốn đầu tư tác động năm 2017 là 228 tỷ USD nhưng tăng lên 420.91 tỷ USD vào năm 2022, 495,82 tỷ USD vào năm 2023 và ước đạt 995,5 tỷ USD vào năm 2027 với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 17,8%.
Bên cạnh đó, mô hình kinh doanh bền vững cũng giúp doanh nghiệp nhận được những "ưu tiên" từ khách hàng. Một khảo sát của Deloitte (2023) về hành vi tiêu dùng ở 23 quốc gia cho thấy hầu hết người tiêu dùng khẳng định cam kết của các doanh nghiệp về tính bền vững ảnh hưởng đến niềm tin của họ đối với các doanh nghiệp đó.
Báo cáo cho thấy một phần ba (34%) người tiêu dùng nói rằng niềm tin của họ vào thương hiệu sẽ được cải thiện nếu thương hiệu được bên thứ ba độc lập công nhận là nhà cung cấp có đạo đức/bền vững. Một tỷ lệ tương tự (32%) cho rằng niềm tin của họ vào thương hiệu sẽ được cải thiện nếu thương hiệu có chuỗi sản xuất và cung ứng minh bạch và có trách nhiệm với xã hội và môi trường. Đặc biệt, nhiều người tiêu dùng đang cân nhắc về độ bền và khả năng sửa chữa cũng như việc các sản phẩm có được dán nhãn là có nguồn gốc hoặc được sản xuất có trách nhiệm hay hỗ trợ đa dạng sinh học hay không khi mua hàng.
Tại Việt Nam, khảo sát trên 792 người tuổi 18-49 được thực hiện bởi Q&Me cho thấy 100% người tham gia khảo sát đều quan tâm đến môi trường, đặc biệt 84% người được hỏi nói rằng mức độ quan tâm của họ tăng lên hơn hẳn so với một năm trước. Với sự quan tâm tăng lên thì hành vi tiêu dùng của họ cũng thay đổi đáng kể, 66% người tham gia khảo sát đã chọn mua các sản phẩm thân thiện với môi trường, hành vi tái sử dụng các sản phầm cũ và mua các sản phầm có thể sử dụng nhiều lần chiếm 41% và 38% số người được khảo sát. Còn rất nhiều khảo sát khác trên toàn cầu cũng cho kết quả tương tự.
Ngoài ra, theo đuổi chiến lược kinh doanh bền vững còn giúp doanh nghiệp cải thiện khả năng quản trị điều hành công ty, quản lý rủi ro tài chính do biến đổi khí hậu gây ra tốt hơn. Thật vậy, rất nhiều nghiên cứu và minh chứng thực tế đã cho thấy rằng các yếu tố ESG giúp doanh nghiệp cải thiện quản trị điều hành, tiết kiệm chi phí và quản trị rủi ro tài chính tốt hơn. Tất cả các động cơ trên dẫn đến kết quả được nhiều nghiên cứu thực nghiệm minh chứng: Các doanh nghiệp thực hành chiến lược kinh doanh bền vững sẽ có kết quả tài chính tốt hơn trong dài hạn (Friede et al.2015).
Chính bởi những lý do đó, việc đi theo hướng bền vững không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mà còn là lựa chọn sống còn, đảm bảo tương lai bền vững cho chính doanh nghiệp.
- Vậy theo quan điểm của bà, doanh nghiệp cần làm gì để giải thành công bài toán lợi nhuận doanh nghiệp và tính bền vững?
Như tôi đã nói, phát triển bền vững không còn là lựa chọn mà là bắt buộc, kinh tế tuần hoàn là chìa khóa để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Việc doanh nghiệp sớm chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững, áp dụng kinh tế tuần hoàn vào hoạt động sản xuất kinh doanh là lựa chọn khôn ngoan.
Tuy vậy, để thành công, doanh nghiệp cần phải nhận diện và đánh giá các thách thức, rủi ro và cơ hội gắn với ngành mình, với cụ thể doanh nghiệp mình. Từ đó xây dựng các kịch bản chuyển đổi phù hợp. Số lượng kịch bản cụ thể tùy thuộc vào mục tiêu cũng như chi phí. Thông thường có 3 kịch bản cho 3 tình huống: tình huống tốt nhất, tình huống xấu nhất và tình huống mà xác suất xảy ra cao nhất.
Lúc này, tính toán chi phí và lợi ích không chỉ dừng lại ở chi phí và lợi ích tài chính, mà phải là lợi ích tích hợp. Mục tiêu là đạt được lợi ích tích hợp (IV) tối ưu với IV = FV (lợi ích tài chính đơn thuần) + EV (lợi ích môi trường) + SV (lợi ích xã hội).
Doanh nghiệp cũng cần áp dụng quan điểm thiết kế sinh thái vào quá trình sản xuất, nghĩa là phải có tư duy vòng đời trong thiết kế sản phẩm. Trong quá trình phát triển sản phẩm, người thiết kế sẽ chú ý đến tác động môi trường đối với từng giai đoạn trong vòng đời của sản phẩm: từ lựa chọn nguyên liệu thô nào, sản xuất vật liệu từ nguyên liệu thô ra sao, kỹ thuật sản xuất để biến vật liệu thành các bộ phận, lắp ráp các bộ phận này thành sản phẩm, việc phân phối và đóng gói sản phẩm, giai đoạn sử dụng, và cuối cùng sau khi sản phẩm được sử dụng thì sẽ tái chế, tái sử dụng như thế nào. Phải cân nhắc, tính toán việc phối hợp với các bên liên quan ra sao để đảm bảo chuỗi sản xuất và cung ứng khép kín theo vòng lặp bền vững.
Bên cạnh đó, lương thưởng của các nhà quản trị điều hành doanh nghiệp cần được thiết lập trên cơ sở đánh giá các kết quả trung và dài hạn. Có như vậy, họ mới mạnh dạn thực hiện các hoạt động chuyển đổi. Ngoài ra, ứng dụng chuyển đổi số vào thu thập và phân tích dữ liệu ESG để đưa ra các quyết định quản trị bền vững cũng là một vấn đề các doanh nghiệp cần phải quan tâm.
Một rủi ro mà các doanh nghiệp phải gánh chịu có thể đến từ sự thiếu rõ ràng và nhất quán trong chính sách của nhà nước. Vì vậy, với vai trò là người dẫn đường, quản trị khu vực công của các quốc gia trên thế giới cũng đã có những chuyển mình để thực hiện tốt hơn vai trò của nhà nước trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Đời sống Pháp luật
Sự kiện: Hành Trình Xanh
Xem tất cả >>- Việt Nam lãng phí gần 3 tỷ USD rác thải nhựa mỗi năm
- Hiểm họa khiến TG mất 5.000 tỷ USD/năm, VN ảnh hưởng nặng nề: Chuyên gia gợi ý 1 loại thuế và 1 lệnh cấm
- Tiền ra biển có khi đắt hơn tiền xe, trung tâm tài chính này mạnh tay cấp ưu đãi để người dân chuyển sang xe điện, đăng ký ngay lập tức thay vì "xếp lốt" chờ cả năm: Xu hướng chung toàn cầu
- Thảm kịch của nhân loại khi “thiên nga xanh” vỗ cánh
- Quốc gia G7 đầu tiên chính thức khai tử điện than, chấm dứt kỷ nguyên của thứ nhiên liệu bẩn nhất hành tinh ngay chính cái nôi cuộc cách mạng công nghiệp