PGS.TS Nguyễn Đức Thành: Giáo dục theo trường lớp, đến đúng giờ, đúng lớp là sản phẩm của thời đại cũ. Giờ thay đổi, ai đi theo mô hình đó có thể sẽ thất bại
Tại buổi hội thảo "Tìm kiếm một tầm nhìn chính sách về Kinh tế nền tảng số cho Việt Nam" do VERP tổ chức, các chuyên gia đã có phần thảo luận thú vị về khía cạnh giáo dục trong kinh tế nền tảng số.
- 19-12-2019Báo Nhật viết gì về việc Adayroi và VinPro đóng cửa?
- 19-12-2019Người châu Á nghĩ gì về lao động nhập cư?
- 19-12-2019"Thờ ơ" với du lịch Nhật, khách Hàn đổ về Việt Nam
Tại buổi hội thảo "Tìm kiếm một tầm nhìn chính sách về Kinh tế nền tảng số cho Việt Nam" do VERP tổ chức, ông Nguyễn Thành Nam - Founder FUNiX, chia sẻ về khó khăn trong việc cấp chứng chỉ cho sinh viên bởi mô hình giáo dục trực tuyến của FUNiX đang không theo một quy định nào của Nhà nước về bài giảng, các bài giảng sẽ theo người hướng dẫn và sinh viên.
Ông Nam nói: "Chỉ có cách là đi thuyết phục. Tất nhiên ban đầu Bộ không đồng ý, làm gì có chuyện học hành vớ vẩn được. Trường lớp thì không có, học cũng không thầy cũng không".
Ông kể lại, đầu tiên là đi thuyết phục Đại học FPT vì đây là trường có khả năng cấp bằng, quy việc giảng viên trao đổi với sinh viên nói chuyện 3 tiếng như 3 tiếng nói chuyện trên lớp và tin rằng cách này có thể tốt tương đương, thậm chí là tốt hơn 3 tiếng ngồi trên lớp vì có sự giao tiếp, phản hồi giữa hai bên.
Ông Nam cho biết cách học này sẽ đặc biệt phù hợp với những môn mới, không phải cơ bản: "Bây giờ chúng ta học trí tuệ nhân tạo thì ai dạy? Thầy ít lắm, có thì cũng bận hết rồi, thời gian đâu mà đi dạy".
Ông Nam cho rằng nếu Nhà nước không công nhận mô hình đó cũng là bình thường, cơ quan Nhà nước chỉ không cấm vì cái mới chưa chắc đã đúng. "Chúng tôi không cần Bộ Giáo dục phải công nhận nhưng Bộ Giáo dục đang làm rất tốt là không cấm".
PGS.TS Nguyễn Đức Thành đồng tình: "Bản chất của giáo dục, từ hàng nghìn năm nay là trao truyền trực tiếp từ một người biết cho một người chưa biết một mảnh tri thức nào đó. Tôi vẫn còn nhớ cuốn sách "Bằng sức mạnh tư duy" của nhà kinh tế học Kornai János, nói về cuộc đời của ông ấy ở đại học Harvard.
Bìa cuốn sách là một bức tượng cổ hai người đang ngồi cạnh nhau. Học trò của ông Kornai János khi sang Hà Nội giới thiệu với tôi cuốn sách đó có giải thích vì sao ông ấy chọn bìa như vậy: đó là hai bức tượng tìm được từ thời đồ đá mới, là hai người một già một trẻ đang ngồi với nhau và đang dạy - đó chính là trí tuệ của loài người".
Hình thức trên cũng giống như ngôi trường hay các cách giảng dạy của người xưa như Khổng Tử, Trang Tử, Vương Dương Minh, Tăng Quốc Phiên,... Theo ông Thành: "Việc giáo dục theo trường lớp, đến đúng giờ, đúng lớp là sản phẩm của cách mạng công nghiệp. Trước đó là không có như vậy. Vì thế, nếu chúng ta ý thức rằng chúng ta rời bỏ cuộc cách mạng công nghiệp, thì nền giáo dục đó chúng ta phải có cách này hay cách khác để rời bỏ nó".
Ông Thành lập luận rằng: "Một đứa trẻ sẽ mất rất nhiều thời gian cho việc học cùng lớp, cách đó ngày xưa phù hợp cho thời công nghiệp, bởi vì nó đào tạo ra những con người để làm công nghiệp".
Nhưng giờ đây không còn như vậy nữa, ai đi theo mô hình giáo dục đó thì có thể sẽ thất bại. Đặc biệt là trong bối cảnh tri thức mới không còn "dễ dãi", không có nhiều người am hiểu về lĩnh vực đó, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo, không dễ để tìm được người giảng dạy phải có "bao nhiêu giờ giảng", hay phải được công nhận là giáo sư,... mới được đi giảng. Những người đạt được tiêu chuẩn đó thì họ lại không đi dạy vì họ không muốn ràng buộc.